Cung ứng nhân lực ngành công nghiệp: Cần sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp Tăng cường hợp tác quốc tế đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ |
Bà Phạm Ngô Thùy Ninh - Trưởng phòng Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực,úcđẩyđàotạonguồnnhânlựcchấtlượngchongànhcôngnghiệtỷ số & tỷ lệ Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Công Thương đã có cuộc trao đổi vấn đề này với Báo Công Thương.
Ngành công nghiệp đang "khát" nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng |
Một trong các điểm nghẽn đối với sự phát triển của ngành công nghiệp hiện nay chính là thiếu nguồn nhân lực chất lượng, có kỹ năng. Bà có chia sẻ nào về thực trạng này?
Thực tế, giai đoạn 2016-2020, với nỗ lực tích cực triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp, nguồn nhân lực công nghiệp cũng đã có sự phát triển, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội.
Đáng kể, ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tỷ trọng ngày càng cao; tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị sản phẩm công nghệ cao tăng từ 52% (năm 2016) lên hơn 78% (năm 2020); năng suất lao động cải thiện rõ nét (đến năm 2020 tăng gần 1,5 lần so với năm 2015); lao động qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật có bằng cấp chứng chỉ tăng mạnh (từ 20,9% năm 2016 lên đến 24,1% năm 2020).
Tuy nhiên chúng ta cũng nhận thấy rằng, mặc dù thời gian qua nguồn nhân lực ngành công nghiệp tăng cả về số lượng và trình độ chuyên môn song vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó, về số lượng còn thiếu hụt lao động có tay nghề cao, thiếu nhân lực trong những ngành, nghề nặng nhọc độc hại (khai khoáng, luyện kim, làm việc trong hầm lò, lọc bụi điện, hàn chì…).
Còn về chất lượng, lao động chưa năng động và sáng tạo, thiếu tác phong chuyên nghiệp, chưa đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực như điện tử công nghệ thông tin truyền thông, điều khiển tự động ở các trình độ.
Đặc biệt, chế biến, chế tạo là ngành sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực công nghiệp nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ đạt 17,9%, mức thấp hơn trung bình của cả nước. Đó là một trong những nguyên nhân của việc công nghiệp chế biến, chế tạo chủ yếu hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị, trình độ công nghệ sản xuất vẫn thấp so với thế giới, tỷ lệ nội địa hóa còn ở mức thấp. Do vậy, năng suất lao động của khu vực công nghiệp nói chung chưa thể hiện vai trò chủ chốt trong thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững cho cả nền kinh tế.
Bà Phạm Ngô Thùy Ninh - Trưởng phòng Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực, Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Công Thương |
Để cải thiện cũng như cung ứng được nguồn nhân lực chất lượng cho ngành công nghiệp, các Trường của Bộ Công Thương đã và đang triển khai mô hình đào tạo Kosen. Bà có thể cho biết hiệu quả của chương trình?
Trong giai đoạn 2018 - 2021, 3 Trường Cao đẳng thuộc Bộ Công Thương là: Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế, Trường Cao đẳng Công nghiệp và Thương mại, Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng được lựa chọn thí điểm đã phối hợp với phía đối tác Nhật Bản để triển khai việc tuyển sinh, đào tạo kỹ sư thực hành theo mô hình Kosen.
Sau thời gian thí điểm, bước đầu đã đạt được nhưng kết quả tích cực. Trong đó, với sự hỗ trợ của các chuyên gia Kosen Nhật Bản, các Trường đã hoàn thành việc xây dựng chương trình theo mô hình Kosen – Việt Nam. Ngoài ra, chương trình học có hệ thống rõ ràng theo chuẩn đầu ra, giúp học sinh dễ dàng định hướng và nắm bắt tiến trình học tập; thực hành, thực tập tại doanh nghiệp như làm việc thực tế cùng với nội dung 5S, an toàn và kỷ luật lao động, đạo đức nghề nghiệp và các kỹ năng mềm là những nội dung được chú trọng, là ưu việt của chương trình so với các chương trình khác.
Đến nay các Trường đã tuyển được 3 khóa tổng số 469 sinh viên các ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện – Điện tử, Điện tử Công nghiệp và Cơ điện tử theo Chương trình đào tạo Kosen 12+3 và 9+5. Qua theo dõi và đánh giá sơ bộ của 3 Trường, kết quả học tập, rèn luyện của sinh viên cao hơn mức trung bình của sinh viên theo học cùng chuyên ngành ở Chương trình học bình thường.
Bộ Công Thương và Văn phòng đại diện Kosen tại Việt Nam cũng đã tích cực hỗ trợ thúc đẩy hợp tác giữa các Trường và doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam, bước đầu đã nhận được sự hưởng ứng cao từ phía các doanh nghiệp như: Mabuchi Motor, Foster Electric, Fujikura Automotive, Makitech, ASTI, Mitsubishi Elevator, Acecook. Qua đó, các doanh nghiệp đã đồng hành cùng các Trường từ khâu tuyển sinh, cho sinh viên tham quan, thực tập, cam kết tuyển dụng sau tốt nghiệp đối với sinh viên Kosen.
Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng phải nhìn nhận rằng việc thí điểm đào tạo kỹ sư thực hành cũng còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Như, chương trình Kosen 9+5 dành cho học sinh học thẳng chương trình cao đẳng nghề song song học văn hóa ngay sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở. Tuy nhiên, các em vẫn phải thi tốt nghiệp trung học phổ thông mới được cấp bằng để sau này có thể học tiếp trình độ cao hơn. Quy định này làm giảm tính lịnh hoạt, liên thông giữa các trình độ, đồng thời làm cho độ tuổi học nghề của học sinh Việt Nam cao hơn so với các nước khác.
Ngoài ra, chương trình đào tạo Kosen Việt Nam chưa được công nhận tương được chất lượng với Chương trình đào tạo Kosen Nhật Bản. Điều này là một hạn chế với những sinh viên muốn làm việc tại Nhật Bản. Ở góc độ vĩ mô, sẽ làm hạn chế quá trình hội nhập khoa học công nghệ, giáo dục và kinh tế.
Mặt khác, Chương trình đào tạo Kosen là mô hình đào tạo đang thí điểm nên chưa thấy ngay được hiệu quả, nhiều phụ huynh và học sinh chưa biết đến, chưa tin tưởng là một trong những khó khăn khi các trường tuyển sinh. Bên cạnh đó, việc cho học sinh học tiếng Nhật cũng còn nhiều hạn chế do các Trường thí điểm chưa kịp bổ sung đội ngũ giảng viên giảng dạy tiếng Nhật.
Bộ Công Thương đang thúc đẩy các giải pháp nhằm hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp |
Thời gian tới, cùng với việc triển khai mô hình đào tạo Kosen, Bộ Công Thương sẽ tập trung triển khai các giải pháp nào để hỗ trợ đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp, thưa bà?
Ngày 9/6/2014, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 879/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quyết định số 880/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam chú trọng đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp có kỹ năng, có kỷ luật, có năng lực sáng tạo.
Đặc biệt, trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang đặt ra yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao để thích ứng và bắt kịp với các xu hướng công nghệ mới, các phương thức kinh doanh mới.
Trước yêu cầu đó, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ thực hiện một số giải pháp hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp như: Tiếp tục phối hợp các Bộ, ngành chức năng để xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù về đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp; thông qua các chương trình, kế hoạch quốc gia nâng cao chất lượng đào tạo; thúc đẩy liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp; gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động.
Đồng thời, phát triển hệ thống quản lý và đảm bảo chất lượng giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; triển khai mô hình quản lý cơ sở đào tạo theo hướng hiện đại, tinh gọn, chuyên nghiệp, áp dụng theo các tiêu chuẩn quốc tế và ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực để tiệm cận các chuẩn mực quốc tế; phát triển hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, đặc biệt đối với các kỹ năng nghề quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ;...
Cụ thể, để nâng cao số lượng và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, Bộ Công Thương sẽ củng cố các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo; tiếp tục ưu tiên đầu tư cho các Trường Cao đẳng đã hoàn thành việc tự đánh giá theo tiêu chuẩn trường chất lượng cao, đặc biệt là các Trường thuộc các vùng kinh tế xã hội gặp nhiều khó khăn; sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, tiếp tục xây dựng các trường chất lượng cao, thực hiện đào tạo các chương trình của các nước tiên tiến trên thế giới tiếp cận trình độ đào tạo nghề các nước ASEAN-4, phục vụ phát triển ngành công nghiệp và thương mại.
Mặt khác, thông qua các chương trình, kế hoạch quốc gia về nâng cao tay nghề để thúc đẩy liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu ở tất cả các khâu của quá trình đào tạo như dự báo nhu cầu, tuyển sinh, xây dựng chuẩn đầu ra, xây dựng chương trình, giảng dạy, thực hành, thực tập, đánh giá tốt nghiệp, tuyển dụng sau khi ra trường…
Bên cạnh các giải pháp trên, Bộ Công Thương sẽ thúc đẩy, hỗ trợ, khuyến khích các Trường triển khai mô hình quản lý theo hướng tự chủ, hiện đại, tinh gọn, chuyên nghiệp, áp dụng theo các tiêu chuẩn quốc tế và ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; phát triển hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, đặc biệt đối với các kỹ năng nghề quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo.
Xin cảm ơn bà!