Người Cà Mau, nói đến đảo Hòn Chuối gần như ai cũng biết. Nhưng Hòn Chuối không có tuyến du lịch, muốn ra đảo phải đi tàu của bộ đội biên phòng hoặc tàu cá của dân đi biển, nên còn nhiều người chưa một lần đến hòn đảo này.
Đến nhận nhiệm vụ ở đảo nhiều năm nay, Thượng tá Nguyễn Quốc Thái, Ðồn trưởng Ðồn Biên phòng Hòn Chuối, thú nhận không biết chút gì về làm nghệ thuật. Nhưng có nhiều thời điểm bình minh lên, hoàng hôn xuống trên đảo, hay những lúc gió biển giao mùa, anh thấy mọi thứ nơi đây đẹp không thể nào diễn tả được.
Hòn Chuối không có bãi cát và bến đỗ. Xung quanh đảo toàn là gành và mõm đá. Có nhiều nơi, vách đá dựng đứng và chơi vơi như bức tường thành khổng lồ giữa biển xanh. Những phiến đá, mõm đá, gành đá chân hòn từ đó trở nên bóng nhẵn, nhiều sắc cạnh. Chỉ có một thứ bám được trên các gành đá này là hàu sữa và rêu biển.
Lớp học tình thương của trẻ em ở Hòn Chuối do Thượng uý Trần Bình Phục đảm trách. |
Do chân hòn hiểm hóc như vậy, mọi tàu lớn nhỏ đều không có cách nào tiếp cận được. Ðể tiếp cận được chân hòn, 2 bên hòn là bên gành Nam và bên gành Chướng, bộ đội trên đảo làm 2 cầu tàu nhỏ. Nhưng năm nào 2 cầu tàu cũng bị sóng biển đánh tan tác.
Hòn Chuối không có đường bộ và nước ngọt. Với hình thù của đảo như pháo đài thẳng đứng, nên từ chân hòn bên gành Nam và bên gành Chướng, bộ đội làm tổng cộng mỗi bên hơn 300 bậc thang đá.
Giờ ở đảo Hòn Chuối đã có điện mặt trời, bồn chứa nước ngọt sinh hoạt thoải mái trong mùa mưa và tiết kiệm được qua gần hết mùa khô. Bộ đội có cơ ngơi được xây dựng khang trang, có sân chơi thể thao, truyền hình số, karaoke và điện thoại di động liên lạc với gia đình như trong đất liền. Ðặc biệt, cả 3 đơn vị đóng quân trên đảo đều tăng gia sản xuất, trồng được rất nhiều loại cây ăn trái, nhiều nhất là mít nghệ và rau màu ngắn ngày như trong đất liền.
Bộ đội còn chăn nuôi rất nhiều heo, gà, dê, bò, tất cả bây giờ đã trở thành heo rừng, gà rừng, dê núi, bò rừng. Số lượng nuôi nhiều tới không tài nào biết hết được, vì chúng tự sống và tự sinh sản tự nhiên trong rừng. Chỉ tới mùa khô, khi các nguồn nước trong khe đá không còn, chúng mới tập trung về nơi bộ đội đóng quân, số lượng tăng lên chóng mặt.
Là anh nuôi của đơn vị, Thượng uý Phan Phúc Hậu nói chuyện rụt rè như cái tên của anh. Nhìn đàn heo lấm lem bùn bên mấy bụi khoai mì, anh cho biết, lúc đầu đơn vị thả nuôi chỉ có vài chục con, chúng tự kiếm ăn và ở trong rừng, nhưng bây giờ số lượng đã lên đến hơn 200 con.
Nhìn giàn mướp tây và giàn bầu sai trái bên vách đá, anh cho biết, chế độ ăn của bộ đội ở đảo là 70.000 đồng/ngày, anh em tự túc thêm hơn 50%. Nhờ vậy, chế độ bữa ăn và sinh hoạt của bộ đội rất tươm tất.
Ở Hòn Chuối, 1 năm có 2 mùa rõ rệt, mùa gió Chướng và mùa gió Nam. Từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch là mùa gió Nam, bên gành Nam bị sóng biển đánh vào hòn dữ dội và ngược lại. Vì thế, vào mùa gió Chướng, mọi người định cư bên gành Nam. Vào mùa gió Nam, mọi người lại gồng gánh nhau qua định cư bên gành Chướng. Cứ vậy, dân Hòn Chuối phải chuyển chỗ ở 2 lần trong năm, gia đình nào cũng có nhà bên gành Nam và nhà bên gành Chướng. Nhà ở của dân Hòn Chuối rất ấn tượng. Nhà đơn sơ, không cửa. Toàn bộ xóm nhà chen chúc nhau bên gành đá như những tổ chim biển kỳ lạ.
Người dân nuôi cá lồng bè xung quanh hòn. |
Ðến đảo nuôi cá bớp bè đã hơn 6 năm nay, cô Lê Kim Phụng cho biết, hồi mới đến đảo ở buồn không chịu được, nhưng bây giờ về đất liền vài ngày là đã thấy nhớ. Cô kể, cuộc sống ở đảo rất thú vị, không ồn ào, không bon chen. Bộ đội với dân như người cùng gia đình. Dân có khó khăn gì như bệnh, thiếu nước ngọt cũng tìm đến bộ đội. Nhà nào có gì vui như đám tiệc cũng có bộ đội đến tiếp sức và cùng chung vui. Bộ đội còn mở lớp học tình thương dạy chữ cho mấy đứa nhỏ trên đảo. Lớp học do Thượng uý Trần Bình Phục đảm trách. Mỗi lần thầy Phục về đất liền, mấy đứa nhỏ cứ trông đứng trông ngồi.
Thú vị nhất là chuyện bộ đội giúp dân chuyển nhà trên đảo. Cứ đến thời điểm gió giao mùa, chỉ gói gọn trong 1 tuần, dân khẩn trương, bộ đội xuống chân hòn rất đông giúp dân sửa nhà, chuyển đồ đạc từ gành bên này qua gành bên kia, cứ như lo chuyển nhà của gia đình mình vậy.
Cuộc sống của người dân và bộ đội ở Hòn Chuối còn nhiều thiếu thốn và khó khăn, nhưng xem ra lại hoá "giàu có". Trong đất liền người ta kiếm 1 cái nhà ở không ra, dân ở Hòn Chuối có tới 2 cái nhà. Họ còn rất giàu về cuộc sống thanh bình, không hơn thua nhau, không tội phạm, không gây rối trật tự. Nơi đây mọi người còn được sống trong môi trường trong lành, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Và có lẽ cái giàu có nhất của bộ đội và dân Hòn Chuối khiến ta ganh tỵ chính là ở tình người…
Vùng biển Cà Mau có 3 cụm đảo xa bờ và 1 cụm đảo gần bờ. Cụm đảo Hòn Khoai cách đất liền hơn 15 hải lý, đảo Hòn Chuối và đảo Hòn Hàn cách đất liền hơn 17 hải lý, cụm Hòn Ðá Bạc có cầu kết nối với đất liền. Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Ðá Bạc có người ở. Ấn tượng nhất trong số này là đảo Hòn Chuối. Ðảo có diện tích tự nhiên hơn 7 km2, cao gần 200 m so với mặt nước biển, cách đất liền gần 20 hải lý, nằm trên địa phận hành chính của thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời. Kết cấu chính của đảo là núi đá và rừng nguyên sinh. Trên đảo có 3 đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, vùng trời biên cương xa xôi của Tổ quốc là Bộ đội Biên phòng Hòn Chuối, Trạm Ra-đa của Hải quân Vùng 5, Trạm Hải đăng của Cục Hàng hải Việt Nam và 53 hộ dân. |
Bút Ký của Ái Như - Vân Anh