(CMO) Có theo dõi các trang mạng xã hội, fanpage của Ban Chủ nhiệm cũng như các thành viên CLB Nữ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau mới thấy hết “cường độ” hoạt động của các chị; bởi lẽ, kỷ niệm về những chuyến thiện nguyện được nhắc thường xuyên. Lời kêu gọi, lời cảm ơn cũng liên tục được đăng tải và cả kế hoạch cho những chương trình mới cũng được chia sẻ. 7 năm, 7 tỷ đồng là con số nghĩa tình giúp hàng trăm gia đình hồi sinh trong khốn khó.
Nối dài yêu thương
Vừa trở về từ chuyến cứu trợ miền Trung bị lũ lụt, các chị lại bắt tay vào lo các chương trình truyền thống của mình là “Sống yêu thương” và “Chắp cánh ước mơ”. Gắn bó với CLB từ những ngày đầu hình thành, qua biết bao khó khăn, hơn ai hết bản thân tôi hiểu rõ sự đồng lòng cũng như bản lĩnh, cái tâm của ban chủ nhiệm trong việc hợp sức giữ gìn CLB tồn tại cho đến ngày hôm nay.
Ban đầu chỉ có 9 thành viên, dần dà từ sự lan toả tinh thần yêu thương, đến nay đã có 30 thành viên tự nguyện tham gia và hoạt động cùng chị em. Từ 5 triệu đồng, rồi 10 triệu đồng cho mỗi nhân vật của chương trình, đến nay con số đó đã tăng lên gấp 20 lần, thậm chí cao hơn.
7 năm qua, CLB Nữ doanh nghiệp tỉnh đã thực hiện 45 chương trình “Sống yêu thương”, cũng ngần ấy gia đình hồi sinh từ chương trình ý nghĩa này.
Ðối tượng tham gia ủng hộ các chương trình ngày càng mở rộng ra cả kiều bào ở nước ngoài, đó là người thân của những thành viên CLB nhìn thấy nghĩa cử của các chị mà gửi tiền về đóng góp.
Tôi từng chứng kiến nhiều căn nhà mục nát, chật hẹp, xiêu vẹo có thể sập bất cứ lúc nào đã được xây dựng lại bằng căn nhà mới khang trang hơn, vững chãi hơn; nhiều mảnh đời bất hạnh do bệnh tật đã hồi sinh từ nguồn hỗ trợ nghĩa tình của thành viên CLB.
Nhiều học sinh những tưởng bỏ lỡ việc học giữa chừng, được vòng tay yêu thương của các nữ doanh nhân mà con đường đến trường của các em được dài rộng.
Cho đi là còn mãi...
7 năm, 45 chương trình "Sống yêu thương" được thực hiện, 45 gia đình với hàng trăm nhân khẩu được hồi sinh. Biết bao niềm tin, bao kỳ vọng! Có đồng hành mới hiểu hết những gì các chị đã làm và trân quý nó.
Còn nhớ, vào một ngày mưa dầm đầu năm 2019, chương trình “Sống yêu thương” lần thứ 35 đến với người cha đơn thân Trần Văn Kết (ấp Phấn Thạnh, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước). Anh Kết 36 tuổi nhưng có tới 5 con nhỏ. Hôn nhân không trọn vẹn, một mình anh phải bươn chải nuôi con.
Cuộc sống gia đình bấp bênh bởi số tiền anh kiếm được hàng ngày ít ỏi mà mức chi tiêu cho các con thì ngược lại. Người cha đáng thương này gần như bế tắc, không lối thoát. Hoàn cảnh này khi có thư ngỏ là các thành viên trong CLB duyệt ngay.
Hôm chương trình đến với anh Kết và các con, con đường vô nhà trơn trượt sình lầy, trong nhà nước ngập gần đến gối, ấy vậy mà các nữ doanh nhân “tiểu thư đài cát” vẫn không ngại ngần bước chân.
Họ đến với sự chân thành và chia sẻ yêu thương. Kết quả gần 150 triệu đồng đã trao tặng cha con anh. Căn nhà mới được xây dựng lên, một quyển sổ tiết kiệm được mở để cảnh đời gà trống nuôi con nhẹ phần cơ cực.
Song hành cùng hoạt động thiện nguyện là hoạt động đồng hành cùng phụ nữ nghèo khởi nghiệp. CLB đã có nhiều buổi chia sẻ với chị em về khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh. Ðó không phải là bài giảng lý thuyết mà là kinh nghiệm thực tế bản thân các chị đã chèo lái con thuyền của doanh nghiệp mình. Vì vậy mà chị em mới đồng cảm.
Ðến nay, CLB đã giúp đỡ 10 chị em trên địa bàn Phường 1 và xã Hoà Thành (TP Cà Mau) mượn vốn khởi nghiệp với số tiền 30 triệu đồng.
Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp Hội LHPN tỉnh Cà Mau Tiêu Việt Tiên trần tình: "Tất cả chị em khi nhận được nguồn vốn hỗ trợ này đã phát huy được hiệu quả, mở rộng mô hình mình đang làm và đời sống gia đình khấm khá hơn trước rất nhiều. Nguồn vốn hỗ trợ của CLB thật sự có ý nghĩa, chị em lãnh đạo hội các cấp luôn bám sát mô hình, làm sao cho các chị phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ".
Chị Nguyễn Kim Nghi ở Khóm 1, Phường 1, TP Cà Mau, là một trong những hộ nhận vốn hỗ trợ khởi nghiệp và phát huy lợi ích của nguồn vốn đó. Là hộ tạm trú trên địa bàn, không có sổ hộ khẩu nên chị không được nhận nguồn vốn vay từ ngân hàng dành cho phụ nữ khởi nghiệp.
Cũng như nhiều chị em khác, khi cần vốn làm ăn, chị đi vay nóng với lãi suất cao. Nghề may mùng đã gắn bó với chị Nghi 15 năm, cách đây gần 4 năm, chị Nghi nhận được nguồn hỗ trợ vốn khởi nghiệp 3 triệu đồng, chị dùng số tiền đó để sửa lại máy may cũ, phần còn lại nâng nền nhà cho cao ráo, sửa lại nóc nhà cho hết dột. Cũng từ đó, công việc may gia công của chị Nghi ổn định hơn, đơn hàng mới ngày càng nhiều, kinh tế gia đình từ đó cải thiện.
Chị Nguyễn Kim Nghi (Khóm 1, Phường 1, TP Cà Mau) là một trong những hộ nhận vốn hỗ trợ khởi nghiệp và phát huy tối đa lợi ích của nguồn vốn đó. (Trong ảnh: Cơ sở may mùng của gia đình chị ngày càng phát triển và bền vững).
Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Khóm 1, Phường 1 Châu Kiên Tâm bộc bạch: "Ðến nay 7 chị em nhận quỹ hỗ trợ khởi nghiệp của CLB Nữ doanh nghiệp tỉnh đã phát huy được hiệu quả. "Xóm may mùng” của hội phụ nữ Khóm 1 phát triển bền vững, đời sống chị em tốt hơn trước rất nhiều".
Mang câu chuyện nhận vốn khởi nghiệp thành công chia sẻ lại Ban chủ nhiệm CLB Nữ doanh nghiệp tỉnh, Chủ nhiệm CLB Nguyễn Thị Mỹ Diệp rất phấn khởi và cho biết, CLB đã tính toán và định nâng nguồn hỗ trợ lên cao hơn, giúp vốn nhiều hơn cho chị em đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Hay như chương trình “Chắp cánh ước mơ” kỳ thứ 34 được thực hiện tại Trường THPT Cà Mau (TP Cà Mau), cả đoàn ai cũng rưng rưng khi biết hoàn cảnh của nhân vật Cao Trọng Phúc, học sinh lớp 11B6 của trường. Gia đình Phúc rất khó khăn, nhưng em đã vươn lên học giỏi và là tấm gương sáng để các bạn học nhìn vào. Cha em là người khiếm thị nhưng vẫn cố gắng vượt khó, trở thành tấm gương “tàn nhưng không phế”.
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp, các chị phải cân não, tìm lời giải cho bài toán kinh doanh của doanh nghiệp mình. Ấy vậy mà các chị vẫn sắp xếp đến thăm từng chốt, trạm phòng chống dịch, lỉnh kỉnh mì gói, khẩu trang y tế, nước rửa tay diệt khuẩn, nhu yếu phẩm… tiếp sức cho lực lượng trực chốt.
Tết này, các chị lại lên kế hoạch thực hiện chương trình “Xuân biên giới”, đến thăm các chốt, trạm ở vùng biển. Bởi các chị thấu hiểu, hoạt động này sẽ rất ý nghĩa, động viên lớn về mặt tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ phải túc trực ngày đêm ngăn chặn người nhập cư trái phép, phòng chống dịch Covid-19 để giữ cái Tết bình yên.
Một mùa xuân mới đang về, CLB Nữ doanh nghiệp bước qua năm thứ 8 đi vào hoạt động. Rồi đây, sẽ còn nhiều hoàn cảnh kém may mắn được sẻ chia. Các chị thật sự xứng đáng với danh hiệu doanh nhân Cà Mau tiêu biểu. Ðây là những bông hoa đẹp ngát hương trong vườn hoa thành tích của phụ nữ Cà Mau./.
Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Huỳnh Quốc Việt đánh giá: "CLB Nữ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau là tổ chức hội hoạt động hiệu quả cao và mang lại những thành tích rất đáng trân trọng. Thời gian tới, Ban chủ nhiệm lưu ý các hoạt động thiện nguyện cần gắn chặt hơn với các chủ trương, chính sách của tỉnh nhà như hoạt động khởi nghiệp, hoạt động an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo, xây dựng NTM…".