Nguồn lực quá lớn tập trung vào DNNN
Ngày 27-5,ảmquymôsẽquảntrịDNNNhiệuquảhơbảng xep hang y Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo “DNNN: Ràng buộc ngân sách, khung khổ quản trị và biến dạng thị trường”. Trình bày báo cáo về DNNN tại buổi hội thảo, ông Phạm Đức Trung, Phó trưởng Ban Cải cách và Phát triển DN (CIEM) cho rằng: Trên thế giới DNNN vẫn có vị trí quan trọng ở nhiều quốc gia. Quy mô tài sản của DNNN ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tương đương 15% GDP, chi phối cung cấp nhiều dịch vụ quan trọng như hạ tầng, tài chính, dầu khí, gas… Tuy nhiên gần đây xuất hiện ngày càng nhiều DNNN lớn tham gia thương mại và cạnh tranh quốc tế, nhất là từ các nền kinh tế chuyển đổi. Vì vậy luôn có những đòi hỏi DNNN phải tuân thủ nguyên tắc thị trường, không làm biến dạng thị trường.
Theo khái niệm mới của Luật DN 2014, DNNN là DN có 100% vốn Nhà nước. Ông Phạm Đức Trung cho biết: Như vậy, Việt Nam có xấp xỉ 800 DNNN, tài sản lên tới 2,8 triệu tỷ đồng, tương đương 80% GDP. Quy mô rất lớn. Vốn chủ sở hữu là 1,1 triệu tỷ đồng; nợ phải trả là 1,7 triệu tỷ đồng. “Tôi lưu ý con số nợ này là rất lớn, nếu tính nợ công bao gồm cả nợ của DNNN thì con số nợ công sẽ tăng gấp đôi. Điều này cho thấy vai trò DNNN ở Việt Nam hiện nay không nhỏ”, ông Trung đánh giá.
Cũng theo ông Phạm Đức Trung, hệ thống pháp luật đã nỗ lực đặt DNNN trong một khung khổ chung với DN khu vực tư nhân. Tuy vậy thực thi và ứng xử của Nhà nước và các chủ thể khác tạo ra nhiều ưu thế, đặc quyền, đặc lợi cho một bộ phận DNNN trong nhiều lĩnh vực.
Ông Trung cho rằng: Những hình thức biến dạng chủ yếu trên thực tế của DNNN thời gian qua làm tăng chi phí và tạo rào cản gia nhập thị trường cho các DN khác; ưu tiên tiếp cận vốn vay; chưa tính đúng tính đủ chi phí; DNNN chưa bị giải thể phá sản một cách bình đẳng như các khu vực khác; thiếu ràng buộc ngân sách và kỷ luật tài chính…
Đi sâu phân tích việc tăng chi phí và tạo rào cản gia nhập thị trường đối với DN tư nhân, ông Trung cho rằng: Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước thống lĩnh chi phối nhiều thị trường quan trọng như điện, xăng dầu khoáng sản, dịch vụ viễn thông, vận tải hàng không nội địa… Điều này khiến DN tư nhân khó gia nhập vào các thị trường này bởi những điều kiện kinh doanh hay không đủ quy mô và nguồn lực để cạnh tranh sòng phẳng.
“Chỉ có một số ít tập đoàn, tổng công ty lớn được ngân hàng thương mại cho vay. Điều này làm tập trung nguồn lực vào một số DNNN, khiến rủi ro cao” - ông Trung lưu ý.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM thẳng thắn: DNNN là nguồn gốc phát sinh méo mó thị trường, rào cản đối với cải cách và phát triển kinh tế quốc gia.
Nói về những ưu ái cho DNNN, ông Nguyễn Đình Cung liệt kê: Nếu DNNN không thanh toán được nợ thì cho khoanh nợ, giãn nợ, xóa nợ hoặc chuyển nợ sang DN khác, hoặc Chính phủ đứng ra nhận nợ và trả nợ thay… DNNN cũng không “lời ăn lỗ chịu”, không chịu sự trừng phạt của thị trường, người làm thua lỗ ít bị kỷ luật. DNNN không quan tâm đến giá thị trường, đến lợi nhuận bình quân, chi phí cơ hội, không phải cạnh tranh theo điều kiện của thị trường để tiếp cận nguồn lực. Hậu quả là đầu tư tràn lan, mở rộng quy mô không quan tâm đến hiệu quả.
Tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp
Đề cập những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, ông Nguyễn Đình Cung phân tích: Nguyên nhân cơ bản là quan niệm về DNNN không còn phù hợp. Khi quan niệm quy mô DNNN phải lớn và không thể thu hẹp thì khó có thể cổ phần hóa nhanh được và cũng không thể để cho phá sản khi làm ăn yếu kém.
Ông Cung cho rằng 30 năm qua, đổi mới DNNN vẫn là câu chuyện thời sự. Để cải tạo DNNN, cần cổ phần hóa thực chất, không hình thức. Đồng thời tạo áp lực kỷ luật ngân sách cứng và kỷ luật thị trường, trong đó ràng buộc lợi nhuận bình quân thị trường. DN thua lỗ, kém hiệu quả dứt khoát bị đào thải, các cá nhân có liên quan phải bị trừng phạt… Dù vậy, ông Nguyễn Đình Cung cũng thừa nhận điều này là “không dễ làm”.
Bình luận về DNNN, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, Viện Chiến lược và Chính sách khoa học công nghệ nhận xét: Quy mô DNNN của chúng ta hiện quá lớn. Tổng tài sản của khu vực này lên tới 80% GDP, so với thông lệ thế giới là 15% GDP thì không thể nghĩ ra cách thức quản trị nào hiệu quả bằng cách giảm quy mô tài sản của DNNN. Giảm quy mô mới tìm được cách quản trị phù hợp cho từng nhóm ngành.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá: DNNN là vấn đề nóng, là yêu cầu cấp thiết của công cuộc cải cách của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Việt Nam bước vào giai đoạn hội nhập mới. Mối lo về thể chế kinh tế là số 1 hiện nay bởi thể chế tác động tới toàn bộ nền kinh tế, cộng đồng DN. Đây là điều khó hơn rất nhiều và nó vượt tầm của DN. Có DNNN muốn thay đổi nhưng bị vướng thể chế nên không thể làm gì được. Nếu không đổi mới thể chế, chúng ta rất khó có cơ hội đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình để vươn lên trong thời gian tới.
Kiến nghị để DNNN hoạt động hiệu quả hơn, ông Phạm Đức Trung đặt ra giải pháp hàng đầu là tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thống nhất khung khổ hoạt động kinh doanh giữa các DN, không phân biệt nguồn gốc sở hữu. Ngoài ra, cần thu hẹp phạm vi hoạt động của khu vực DNNN, tái cơ cấu mạnh mẽ các DNNN. Việc cổ phần hóa là quan trọng nhưng quan trọng hơn là phải tái cấu trúc quản trị DN. Cổ phần hóa DN cần đi liền với cấu trúc lại quản trị của DNNN.