Việc trồng cỏ đậu phộng dại (cỏ đậu) trong vườn cam sành ở huyện Châu Thành không chỉ giúp cho nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất,ợichtừtrồngcỏđậutrongvườncyăxem bóng đá trực tiếp trực tuyến cho cây sinh trưởng tốt mà còn tạo cảnh quan đẹp và bảo vệ môi trường.
Ngoài trồng cây cỏ đậu trong vườn trồng cam sành, ông Mai Văn Bá còn trồng xung quanh nhà để làm đẹp cảnh quan môi trường.
Theo Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, nhằm hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, sản xuất ra các sản phẩm nông sản an toàn, góp phần nâng cao thương hiệu, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã hỗ trợ cho huyện Châu Thành triển khai thực hiện mô hình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”. Mô hình này đang phát triển mạnh mẽ trên toàn quốc, đặc biệt là ở các vùng nguyên liệu với quy mô lớn.
Bên cạnh việc tập huấn, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, trồng hoa bờ ruộng, thu hút thiên địch và tạo cảnh quan nông thôn, mô hình còn hướng nông dân tham gia sản xuất an toàn, xây dựng các mã vùng trồng cho nông sản xuất khẩu, tạo sự liên kết giữa các công ty xuất nhập khẩu nông sản với các tổ hợp tác, hợp tác xã tại địa phương. Bà Trần Thị Kim Thúy, Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành, cho biết: Việc xây dựng mô hình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”, huyện Châu Thành đã triển khai trên diện tích trồng cây cam sành tại xã Đông Phước, với quy mô 50ha, có 31 hộ dân tham gia. Đến nay, đã tiến hành trồng hoa tại 6 hộ, xây dựng được 5 bể chứa bao bì và vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật. Hiện tại, đơn vị tập trung thực hiện mô hình trồng cỏ đậu trên vườn cam sành 6 năm tuổi, diện tích 1.000m2, ở ấp Đông Lợi A, xã Đông Phước. Tính đến thời điểm hiện tại, trạm đã tập huấn được 2 cuộc cho nông dân trong mô hình và 27 cuộc cho nông dân ngoài mô hình.
Theo Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành, lợi ích của việc trồng cỏ đậu trong vườn cây ăn trái giúp cho nông dân giảm được chi phí sản xuất. Cỏ đậu dễ trồng, sinh trưởng, phát triển tốt, sinh khối lớn, có khả năng nhân giống vô tính. Cỏ đậu sống dưới tán cây cam, không cạnh tranh ánh sáng với cây trồng chính, cây sinh trưởng quanh năm nên duy trì độ che phủ tốt, hạn chế cỏ dại phát triển, chống xói mòn vào mùa mưa và duy trì độ ẩm ổn định trong vườn cam vào mùa nắng. Đây là yếu tố quan trọng giúp cho cây cam sinh trưởng và phát triển tốt.
Trồng cỏ đậu giúp cho các loài sinh vật trong đất phát triển và làm cho đất thêm tơi xốp, bảo vệ môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, cỏ đậu có vai trò cố định đạm trong không khí để cung cấp dinh dưỡng lại cho vườn cây và cho đất. Đặc biệt, cỏ đậu có khả năng phát triển nhanh khi cắt thường xuyên tạo nên thảm thực vật trên bờ trồng rất tiện cho việc đi lại chăm sóc vườn cam và hạn chế đất bị lèn trên các lối đi vào các tháng mưa bão. Nếu không sử dụng làm thức ăn cho gia súc, cũng có thể cắt tỉa cỏ đậu khi mật độ dày, nhất là dùng thân chúng tủ lại gốc cây cam hay làm vật liệu để ủ phân hữu cơ.
Trồng cỏ đậu sẽ che phủ vườn nhanh, nhất là các vườn cam trong giai đoạn phát triển, tiết kiệm công làm cỏ. Đặc biệt, đối với cam sành thực hiện theo quy trình VietGAP, yêu cầu hạn chế tối đa sử dụng thuốc trừ cỏ thì mô hình canh tác này rất phù hợp. Đây là loài cây có thời gian sinh trưởng từ 1-5 năm nên không tốn công trồng lại hàng năm.
Một trong những hộ trên địa bàn huyện Châu Thành đang thực hiện mô hình, ông Trần Văn Vũ, ở ấp Đông Lợi A, xã Đông Phước, cho biết: “Tổng diện tích trồng cam sành của gia đình tôi là 8.000m2. Trong số đó, gia đình trồng cỏ đậu trong vườn cây cam sành khoảng 1.000m2. Tuy mới trồng trong thời gian ngắn nhưng tôi thấy vườn cam ít sâu hại hơn trước, không phải tốn công, chi phí phát cỏ. Nếu việc trồng cỏ đậu hiệu quả thì trong thời gian tới tôi sẽ nhân rộng ra toàn diện tích trồng cây ăn trái của gia đình mình”.
Còn gia đình ông Mai Văn Bá, ở ấp Đông Lợi B, xã Đông Phước, có 2ha trồng cam sành theo mô hình VietGAP. Cách nay gần 6 tháng, gia đình ông đã trồng thử nghiệm 1.000m2 cây cỏ đậu trên diện tích trồng cam sành. Ông Bá cho hay: “Mặc dù mới trồng được vài tháng, nhưng thấy cây cỏ đậu làm cho đất xốp, bồi dưỡng cho cây cam và giảm được chi phí chăm sóc vườn cây hơn trước rất nhiều”.
Bà Trần Thị Kim Thúy, Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành, cho biết thêm: Trồng cỏ đậu trong vườn cây ăn trái lúc đầu sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cỏ đậu do thiếu ánh sáng. Tốn nhiều công chăm sóc trong giai đoạn đầu mới trồng do sự cạnh tranh của các loại cỏ khác trong vườn. Đây là mô hình mới được thực hiện trên vườn cam sành tại tỉnh nên còn khá mới đối với nông dân. Tuy nhiên, trồng cỏ đậu trong vườn cam sành là mô hình bảo vệ đất rất hiệu quả, hạn chế cỏ dại, giữ ẩm ổn định cho vườn cam, tiết kiệm công và nước tưới, phát triển đa dạng sinh học trong hệ sinh thái vườn cam bền vững. Do đó, trạm sẽ tiếp tục thực hiện nhiều mô hình để nông dân thấy được hiệu quả mà vững tin nhân rộng.
Bài, ảnh: T.XOÀN