Với cơ chế tài chính đặc thù, Hà Nội được kỳ vọng sẽ có bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Chuyển 8.000 tỷ đồng cải cách tiền lương để đầu tư phát triển Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với TP. Hà Nội (NQ 115) được ban hành nhằm tạo cơ chế, chính sách thuận lợi hơn trong việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực hợp pháp cho việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong giai đoạn tới. Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Việt Hà cho biết, TP. Hà Nội đã yêu cầu các sở, ban, ngành và các quận, huyện, thị xã xây dựng và triển khai các cơ chế về quản lý thu ngân sách nhà nước, trong đó xây dựng đề án ban hành một số khoản thu phí theo cơ chế đặc thù của NQ 115 và cơ chế sử dụng các khoản thu phục vụ nhiệm vụ phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của thành phố. Cụ thể, các đơn vị đã rà soát các khoản phí đang triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố để nghiên cứu, đề xuất danh mục các loại phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND thành phố mà chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí gửi Bộ phận thường trực triển khai Luật Phí và lệ phí (Cục Thuế TP. Hà Nội) để tổng hợp. Các cơ quan, đơn vị khác đang tiếp tục rà soát, đề xuất danh mục các loại phí và mức điều chỉnh hoặc tỷ lệ điều chỉnh các loại phí do các đơn vị đề xuất đảm bảo hoàn thành trong quý IV/2020 theo kế hoạch. Đáng chú ý, trên cơ sở rà soát, dự kiến khả năng thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND TP. Hà Nội làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước và tiến độ, nhu cầu kế hoạch vốn đầu tư, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND thành phố dự thảo Kế hoạch tài chính 5 năm, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, có bố trí nguồn thu này để bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của thành phố khoảng 18.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, TP. Hà Nội cũng triển khai các cơ chế về quản lý chi. Đối với cơ chế sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách TP. Hà Nội, trong giai đoạn 2021 - 2025, khi xây dựng Kế hoạch tài chính 5 năm, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, thành phố dự kiến bố trí 8.000 tỷ đồng từ nguồn cải cách tiền lương để sử dụng cho chi đầu tư phát triển. Đối với dự toán năm 2021, Sở Tài chính đã rà soát nhu cầu đầu tư từ nguồn cải cách tiền lương còn dư của các quận, huyện, thị xã. Qua rà soát, tổng hợp, nhu cầu chi đầu tư phát triển từ nguồn cải cách tiền lương của một số quận là 700 tỷ đồng. Đây là các đơn vị có nhu cầu đầu tư nhưng nguồn thu cân đối ngân sách chưa đáp ứng và dư nguồn cải cách tiền lương lớn, dự kiến bảo đảm đủ nguồn cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách 2021 - 2025… Khẩn trương thực hiện Nghị quyết 115 Để tổ chức triển khai kịp thời, có hiệu quả các cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với TP. Hà Nội theo NQ 115 trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh đã yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện kế hoạch theo NQ 115 do UBND thành phố vừa ban hành. Đặc biệt, Chủ tịch thành phố yêu cầu tập trung quán triệt, tuyên truyền phổ biến nội dung của NQ 115; phổ biến, quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động nắm được đầy đủ nội dung các cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù được quy định trong nghị quyết để tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả trên tinh thần đổi mới, cải cách hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ. Theo Sở Tài chính Hà Nội, một số cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù quy định tại NQ 115 cần phải có sự đánh giá tác động toàn diện, đầy đủ và lấy ý kiến của các chuyên gia, các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp của chính sách này. Do vậy, thành phố cần thời gian nghiên cứu kỹ và sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới. Liên quan đến việc thực hiện NQ 115, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, để có thể huy động sự tham gia của các ngành, nhất là các viện nghiên cứu của thành phố cùng vào cuộc cần có một cơ quan đóng vai trò làm đầu mối trong quá trình triển khai... Việc thực hiện các cơ chế liên quan đến tài chính – ngân sách phải bảo đảm đúng quy định pháp luật, không được phép vi phạm nguyên tắc, không để tồn tại cơ chế “xin – cho” và phải nhất quán, rõ ràng, mạch lạc. Tăng cường tuyên truyền Nghị quyết 115 Hà Nội sẽ tăng cường công tác thông tin tuyên truyền thông qua các kênh truyền thông với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp nhằm chuyển tải tới các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư về nội dung Nghị quyết 115 và ý nghĩa, tầm quan trọng của các cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù trong nghị quyết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hà Nội. |
Nam Khánh |