Hải quan Hải Phòng đóng góp gần 64% số thu ngân sách trên địa bàn Hải quan Hải Phòng nỗ lực góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố Hải quan Hải Phòng thu ngân sách gần 48.000 tỷ đồng |
Hàng hóa xuất nhập khẩu qua khu vực cảng Hải Phòng giảm. Ảnh: T.Bình |
3 nhóm hàng giảm nghìn tỷ
Theo thông tin mới nhất từ Cục Hải quan Hải Phòng, tháng 9, toàn đơn vị thu ngân sách được 4.949,1 tỷ đồng, giảm 235,3 tỷ đồng (tương ứng giảm 5%) so với tháng trước. Tính chung hết tháng 9, Cục Hải quan Hải Phòng thu được 47.789 tỷ đồng, đạt 59,8% chỉ tiêu Bộ Tài chính giao (79.900 tỷ đồng), giảm 10.902,6 tỷ đồng (tương ứng giảm 18,6%) so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 thu 58.691,6 tỷ đồng).
Kết quả thu ngân sách của Cục Hải quan Hải Phòng giảm sâu do kim ngạch xuất nhập khẩu, nhất là kim ngạch nhập khẩu hàng hóa có thuế làm thủ tục tại đơn vị giảm mạnh. Hết tháng 9, tổng kim ngạch hàng hoá xuất nhập khẩu toàn Cục đạt 81,5 tỷ USD, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2022, riêng kim ngạch xuất nhập khẩu có thuế chỉ đạt 15,5 tỷ USD, giảm 17,9%.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 41,2 tỷ USD, giảm 4,2%, riêng kim ngạch có thuế đạt 327,3 triệu USD, tăng 1,7%. Kim ngạch nhập khẩu đạt 40,4 tỷ USD, giảm 8,8%, riêng kim ngạch nhập khẩu có thuế chỉ đạt 15,2 tỷ USD, giảm 18,2%.
Đáng chú ý, 9 tháng qua, tại Cục Hải quan Hải Phòng có 3 nhóm hàng nhập khẩu có đóng góp lớn về thu ngân sách nhưng kim ngạch giảm sâu kéo theo số thu giảm từ 1.000 tỷ đồng trở lên/nhóm hàng. Đó là: máy móc thiết bị đạt 3,2 tỷ USD, giảm 27,8%, làm giảm thu 2.926,7 tỷ đồng; ô tô các loại đạt 640,8 triệu USD, giảm 30,1% làm giảm thu 3.439,3 tỷ đồng; xăng dầu đạt 301,6 triệu USD, giảm 69,5% làm giảm thu 1.629,6 tỷ đồng.
Như vậy, riêng 3 nhóm hàng trên có tổng số giảm thu lên đến 7.995,6 tỷ đồng, chiếm tới 73,3% trong tổng số thu bị giảm của toàn Cục.
Ngoài ra, nhiều nhóm hàng có số giảm thu từ vài chục đến hàng trăm tỷ đồng như: đồ nội thất đạt 72,6 triệu USD giảm 46,5%, làm giảm thu 155,9 tỷ đồng; thiết bị trò chơi và dụng cụ thể thao đạt 48,9 triệu USD giảm 29,8%, làm giảm thu 45,5 tỷ đồng; sắt thép đạt hơn 2 tỷ USD giảm 11,1%, làm giảm thu 659,3 tỷ đồng; linh kiện, phụ tùng ô tô đạt 65,7 triệu USD giảm 23,7%, làm giảm thu 54,9 tỷ đồng; bia rượu đạt 16,1 triệu USD giảm 25,6%, làm giảm thu 114,6 tỷ đồng...
Ngoài yếu tố kim ngạch xuất nhập khẩu giảm, việc giảm thu của Cục Hải quan Hải Phòng còn có nguyên nhân từ việc một số mặt hàng nhập khẩu về khu vực cảng Hải Phòng nhưng làm thủ tục tại các cục hải quan khác. Điển hình là ô tô nhập khẩu, 9 tháng qua có 5.759 ô tô nhập khẩu về khu vực cảng Hải Phòng nhưng làm thủ tục ở cục hải quan khác kéo theo giảm thu ngân sách của Cục hơn 2.478 tỷ đồng.
Tạo thuận lợi gắn với chống thất thu
Năm 2023, Cục Hải quan Hải Phòng được Bộ Tài chính giao dự toán thu ngân sách 79.900 tỷ đồng. Để hoàn thành được nhiệm vụ quan trọng này, trong 3 tháng cuối của năm, đơn vị phải thu 32.111 tỷ đồng, tương đương hơn 10.700 tỷ đồng/tháng. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề khi con số này gấp đôi kết quả thu bình quân của 9 tháng đầu năm.
Dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng Cục Hải quan Hải Phòng xác định phải nỗ lực, quyết tâm đạt kết quả thu ở cao nhất có thể. Đơn vị đã và đang tiếp tục triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp. Đó là, chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp thu ngân sách với phương châm hành động cụ thể, bám sát các nội dung chỉ đạo tại Chỉ thị số 479/CT-TCHQ ngày 6/2/2023 của Tổng cục Hải quan và công văn số 1396/HQHP-TXNK ngày 10/2/2023 của Cục về thực hiện các giải pháp thực hiện thu năm 2023.
Các đơn vị trong toàn Cục chủ động tích cực, triển khai quyết liệt các nội dung về đẩy mạnh thu ngân sách theo các văn bản chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan Hải Phòng, UBND TP Hải Phòng và 3 tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình.
Lãnh đạo các cấp chủ động đánh giá toàn diện kết quả các công việc đã thực hiện, đánh giá công tác quản lý điều hành, phát huy thế mạnh, chỉ rõ các khuyết điểm, hạn chế cần khắc phục để xây dựng kế hoạch, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế tại từng đơn vị.
Thường xuyên thống kê, đánh giá số lượng doanh nghiệp, số lượng hàng hoá, kim ngạch các mặt hàng có thuế suất thuế nhập khẩu, xuất khẩu cao; tình hình tăng trưởng hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, các doanh nghiệp có đóng góp số thu lớn để có biện pháp hỗ trợ, giải quyết kịp thời, đảm bảo công tác quản lý hiệu quả, duy trì và phát triển nguồn thu.
Tăng cường, tối ưu hóa công tác công nghệ thông tin trong kiểm soát, thực hiện nghiệp vụ, giảm thiểu các thao tác cần cán bộ công chức thực hiện trên hệ thống, tránh sai sót, tồn đọng công việc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp thông qua các hội nghị đối thoại, hệ thống đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp để cùng thực hiện các giải pháp, giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu. Tăng cường hỗ trợ, tuyên truyền giải đáp pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi tối đa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu để các doanh nghiệp thực hiện thủ tục tại Cục Hải quan Hải Phòng.
Các đơn vị trong toàn Cục tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác điều tra chống buôn lậu và gian lận thương mại ở tất cả các lĩnh vực, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, tạo sự yên tâm, tin tưởng cho các doanh nghiệp đến làm thủ tục tại đơn vị…