游客发表

【nasaf qarshi】Xóm nhỏ nội ô

发帖时间:2025-01-25 19:26:32

Báo Cà Mau(CMO) Mấy chục năm qua, hơn 20 hộ dân sinh sống bên bờ kinh Thống Nhất, Khóm 2, phường Tân Xuyên, TP. Cà Mau luôn nuôi hy vọng đến một ngày sẽ có đường, điện về đến nhà.

Từ UBND phường Tân Xuyên, để đi đến xóm dân cư sinh sống bên bờ kinh Thống Nhất, thuộc Khóm 2 phải đi vòng qua Ấp 5, xã An Xuyên mới đến được. Hành trình này đi rất khó, phải vượt qua những cây cầu ván chông chênh.

"Ở phường mà buồn hơn ở ruộng"

Sinh sống nơi đây gần 30 năm, bà Phan Thị Ny, 53 tuổi, Khóm 3, phường Tân Xuyên, chia sẻ, đời sống bà con từ trước đến nay không thay đổi bao nhiêu. Cả tuyến kinh dài hơn 1 cây số vẫn là cây với cỏ, nhà cửa xa xa mới có một căn. Ở đây quanh năm suốt tháng bà con cũng ít tới lui chơi, nhà ai nấy ở. Ban đêm tầm khoảng 19-20 giờ là vắng tanh. Nếu như người nơi khác đến đây chắc buồn không chịu nổi.

Cây cầu ván duy nhất để người dân ven kinh Thống Nhất đi lại.

Bà Ny nhà ở đầu con kinh nên kéo điện chia hơi cũng tương đối gần. Ngặt nỗi bà phải cho mấy hộ ở bên trong kéo ngang nhà nên dây điện mắc chồng chéo trước sân, có những sợi sà xuống gần mặt đất.

Bà Ny cho biết: "Hôm rồi mưa lớn, trụ cây đỡ dây điện bị gãy, dây điện đứt khúc nằm trước cửa nhà, chồng tôi phải cho các hộ bên trong hay ra sửa. Có đường dây sau năm ba hôm chẳng thấy tăm hơi người chủ, chồng tôi phải sửa luôn cho họ".

Bà Ny là một trong những hộ khá nhất ở đây. Sau bao năm tích góp, bà đã sắm được xe máy và làm con lộ bê-tông ngang 5 tấc, dài khoảng 200 m, đến cây cầu ván đầu kinh để thuận tiện đi lại vào mùa mưa.

Mà đâu phải ai cũng được như bà Ny. Những hộ càng ở sâu trong con kinh thì tiền điện chia hơi rất đắt đỏ và khốn khổ vì con đường đất đen. Trong căn nhà tối om, bà Bùi Thị Kim Tuyến, 62 tuổi, cùng Khóm 3, cho biết, quê gốc bà ở Thới Bình. Năm 1975, hai vợ chồng về đây làm công cho nhà máy gạo. Sau thời gian tích luỹ, ông bà đã mua được miếng đất và cất nhà sinh sống tới bây giờ.

Bà Tuyết tâm sự: "Lúc tôi mới về đây cư trú, đi hết cả con kinh hơn cây số chỉ có mỗi căn nhà của ông Nguyễn Văn Hợp, hộ gốc từ thời kháng chiến. Do con đông lại không có đất sản xuất nên túng thiếu quanh năm. Bây giờ, hai vợ chồng đã đến tuổi xế chiều, không thể làm những việc nặng nhọc nên nương nhờ vào con cái. Mà tụi nó cũng không có đứa nào học hành đàng hoàng, lao động chân tay chỉ mong đủ no bụng".

Vì muốn tiết kiệm tiền điện chia hơi nên bà Tuyết hạn chế mở bóng đèn điện và hằng ngày phải đi đốn củi về nhóm lửa. Căn nhà lá cũ nát của hai vợ chồng già chỉ có 2 cái bóng đèn và 1 cây quạt gió, nhưng mỗi tháng lại tốn khoảng 300.000 đồng tiền điện.

Gian nan chuyện đổi đời

Là hộ dân tộc Khmer, ông Danh Phơn, 50 tuổi, Khóm 3, phường Tân Xuyên, sinh sống chủ yếu bằng nghề bắt cá đồng bán cho mấy người bán lẻ ở chợ. Không đất sản xuất nên mấy đứa nhỏ nghỉ học dần dần để phụ giúp gia đình, chỉ còn 2 đứa đang đi học.

Do đường đất đen rất lầy lội vào mùa mưa, mà phụ huynh lại không có xuồng để đưa đi học nên 2 em đang đứng trước nguy cơ phải thôi học như anh chị chúng. Và có lẽ, tụi nhỏ buộc phải ra ngoài xã hội bươn chải để kiếm sống dù còn rất nhỏ.

Đường lộ đất đen gập ghềnh khó đi, thế nhưng vẫn xảy ra tình trạng trộm cắp, gây mất an ninh ở địa phương. Gương mặt đượm buồn, ông Nguyễn Văn Sơn, 60 tuổi, kể: "Giữa ban ngày ban mặt mà tôi bị mất chiếc xe gắn máy mới mua vài tháng. Dành dụm bao năm, tôi mới đủ tiền mua cho con chiếc xe để nó đi làm ăn. Bây giờ bị trộm lấy mất nên con trai tôi lại thất nghiệp".

Hơn 20 gia đình chung niềm mong mỏi là có điện, có đường và cầu bê-tông để họ thuận tiện đi lại và phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Mang tiếng là cư trú ở phường, ở nội ô nhưng mấy mươi năm qua, cư dân ven kinh Thống Nhất vẫn sống ở nơi thua xa nhiều xã nông thôn... chưa mới./.

Ngọc Trầm

Ông Cao Chí Phước, Trưởng Khóm 3, phường An Xuyên, TP Cà Mau, thông tin, đa số người dân sống ven kinh Thống Nhất có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Nhiều hộ không có đất sản xuất hoặc rất ít đất nên phải làm mướn và làm đủ thứ nghề để kiếm sống, như đặt lú ven sông, giăng cá đồng gần khu bãi rác…

"Mỗi đợt tiếp xúc cử tri, tôi và bà con đều kiến nghị lên phường, HĐND thành phố, kể cả HĐND tỉnh mong mỏi được đầu tư xây cầu, đường và kéo điện, nhưng chỉ nhận được lời hứa từ năm này qua năm khác. Những lời hứa ấy lần lượt trôi theo thời gian mấy mươi năm rồi", ông Phước cho biết thêm.

 

    热门排行

    友情链接