Tiềm năng lớn Đến điểm du lịch sinh thái thượng nguồn Ô Lâu (huyện Phong Điền), nhiều du khách trầm trồ khi ở cách TP. Huế hơn 50km về phía tây bắc lại có một điểm du lịch lý tưởng như vậy. Thượng nguồn Ô Lâu có nhiều khe suối, thác nước vẫn còn giữ được nét hoang sơ, thuận lợi để khách khám phá núi rừng, cắm trại và nghỉ mát dịp cuối tuần. Huế không chỉ có thế mạnh về du lịch di sản, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch biển… mà khi “điểm danh” đến các loại hình du lịch nổi tiếng ở đất Cố đô, nhiều người còn nhớ ngay đến du lịch sinh thái gắn với suối, thác. Khắp các huyện, thị xã của Thừa Thiên Huế, từ miền xuôi đến miền ngược, một điều dễ nhận thấy là tiềm năng du lịch sinh thái gắn với suối, thác rất lớn. Vào mùa hè, nhiều suối, thác trở thành điểm du lịch sôi động.
Những năm trở lại, du lịch tại các điểm du lịch suối, thác ở Thừa Thiên Huế được đầu tư cả về cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch. Anh Hoàng Thanh Duy, Giám đốc Hợp tác xã Du lịch sinh thái cộng đồng A Nôr (xã Hồng Kim, huyện A Lưới) chia sẻ: “Ngoài phát triển dịch vụ lưu trú ở các homestay, điểm du lịch suối, thác còn kết nối với doanh nghiệp để tổ chức các đoàn khách lớn. Dựa trên những nét đặc trưng của miền sơn cước, người làm du lịch ở A Nôr vận dụng triển khai các dịch vụ cho khách, giúp du khách trải nghiệm độc đáo xông răng tại thác, bằng hơi nước nóng nấu từ cây cỏ hái ở rừng; gội đầu bên suối, nước gội là thảo dược hái từ rừng được đun sôi... Khách rất thích thú”. Theo đại diện các đơn vị lữ hành, vào mùa hè, rất nhiều du khách lựa chọn khám phá, trải nghiệm ở các điểm du lịch sinh thái gắn với suối, thác. Ông Nguyễn Ngọc An, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Kết nối Huế cho biết, đơn cử như du lịch suối, thác A Lưới hiện nay rất hấp dẫn khách đoàn. Ngoài tắm suối, sự đa dạng trong các trải nghiệm về dịch vụ gắn suối, thác, như: trải nghiệm làm bánh Aquat hay giã gạo, sấy thóc; thưởng thức ẩm thực truyền thống; lửa trại, giao lưu văn nghệ... được du khách rất thích, nên doanh nghiệp đưa vào khai thác trong tour. Tập trung phát triển Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, suối, thác là thế mạnh của du lịch Huế, là sản phẩm được xác định sẽ bổ trợ tốt cho dòng sản phẩm văn hóa di sản. Sở Du lịch đang triển khai đề án phát triển du lịch suối, thác trên địa bàn toàn tỉnh. Hướng đến các điểm du lịch do người dân, hợp tác xã quản lý sẽ ngày càng hoàn thiện dịch vụ, chuyên nghiệp trong phục vụ. Còn những điểm do doanh nghiệp đầu tư khai thác phải có tính quy mô, chất lượng cao. UBND tỉnh cũng vừa ban hành kế hoạch (Số 250/KH-UBND ngày 10/7/2023) triển khai thực hiện Đề án “Định hướng phát triển các điểm du lịch sinh thái gắn với suối, thác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”. Theo đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, đề án lần này xác định rõ những mục tiêu cụ thể, đó là sẽ xây dựng một số mô hình điểm nhấn về du lịch sinh thái gắn với suối, thác; rà soát lại các cơ chế, chính sách của địa phương nhằm đảm bảo việc quản lý đất đai, đào tạo nguồn lao động nông thôn. Quy hoạch, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh nổi trội và hấp dẫn về tài nguyên du lịch; tập trung ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch sinh thái; từng bước hình thành hệ thống khu, điểm du lịch quốc gia; khu, điểm du lịch các vùng và địa phương. Tỉnh sẽ ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với khám phá đa dạng sinh học, du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn, phát triển du lịch làng nghề và du lịch cộng đồng kết hợp lưu trú tại nhà dân. Phát huy tối đa sự tham gia của chính quyền địa phương, người dân và cộng đồng; do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác, hưởng lợi và sự hỗ trợ về chuyên môn của đơn vị tư vấn…
Theo Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc, nhiệm vụ trọng tâm trong định hướng phát triển các điểm du lịch sinh thái gắn với suối, thác trên địa bàn tỉnh là đầu tư hạ tầng phát triển các điểm du lịch suối, thác; đầu tư hệ thống, công trình xử lý nước thải tại các điểm du lịch sinh thái suối, thác và đầu tư và nâng cấp bãi đổ xe du lịch, bến thuyền; hỗ trợ xây dựng phát triển sản phẩm du lịch, trong đó xây dựng 4 mô hình du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng tại các địa phương (thác Kazan - huyện Nam Đông, suối Khe Su - huyện Phú Lộc, điểm du lịch sinh thái thượng nguồn Ô Lâu - huyện Phong Điền, suối Pâr Le - huyện A Lưới). Trong bối cảnh hiện nay, khi tính “cạnh tranh” về du lịch ở các địa phương rất lớn, bên cạnh sự quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, các điểm du lịch sinh thái cũng cần hoàn thiện các sản phẩm du lịch và bổ sung thêm các sản phẩm phù hợp; đầu tư hệ thống các trò chơi tại các điểm du lịch, đơn cử như chèo sup, thuyền kayak, trò chơi dây thừng... Vấn đề chuyên nghiệp hóa trong làm du lịch cũng cần đặc biệt quan tâm. Thời gian tới, nhiều lớp tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, xử lý tình huống trong công tác cứu hộ, cứu đuối; bồi dưỡng kiến thức về du lịch cộng đồng, kỹ năng ngoại ngữ, quản lý điều hành và phục vụ khách du lịch sẽ được tiếp tục mở ra, góp phần phát triển du lịch sinh thái gắn với suối, thác; xây dựng du lịch xứng tầm là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. |