Theo đó, tăng trưởng GDP quý III ước tính đạt 2,62%, con số này cao hơn quý II (0,39%) nhưng vẫn thấp hơn quý I (3,68%). Kết quả này giúp GDP 9 tháng tăng 2,12%.
Nền kinh tế còn đối mặt với nhiều thách thức
Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, đây là mức tăng thấp nhất giai đoạn 2011 - 2020 nhưng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Theo đó, kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng dương cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, của Chính phủ cùng với sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Trong quý III, các khu vực kinh tế có dấu hiệu khởi sắc hơn quý II. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,93%; công nghiệp và xây dựng tăng 2,95%; còn dịch vụ tăng 2,75%. Tính chung 9 tháng đầu năm, các khu vực kinh tế tăng lần lượt 1,84%; 3,08% và 1,37%.
Ngoài ảnh hưởng từ Covid-19, tốc độ tăng thấp của khu vực nông nghiệp còn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và dịch tả lợn châu Phi. Với khu vực công nghiệp, những lĩnh vực trọng tâm đều tăng thấp nhất giai đoạn 10 năm. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 4,6%, còn ngành khai khoáng giảm 5,35% do sản lượng khai thác dầu thô và khí tự nhiên giảm.
Khu vực dịch vụ cũng tăng thấp nhất nhiều năm do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch, tuy nhiên vẫn có những lĩnh vực duy trì tăng trưởng dương. Trong đó, bán buôn và bán lẻ tăng gần 5%, hoạt động tài chính - ngân hàng - bảo hiểm tăng 6,68%. Ngược lại, ngành vận tải, kho bãi giảm 4%, dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm hơn 17%.
Tuy nhiên, bà Hương cũng dự báo kinh tế - xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, nhất là nền kinh tế nước ta có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. Dịch Covid-19 tuy đã cơ bản được khống chế ở Việt Nam nhưng còn diễn biến phức tạp trên thế giới làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới các ngành thương mại, du lịch, vận tải và xuất nhập khẩu, doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động.
Thu nhập, lao động, việc làm bị ảnh hưởng, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm ở mức cao sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Do đó cần có sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, sự hỗ trợ và chia sẻ gánh vác trách nhiệm giữa các thực thể trong nước trong giai đoạn khó khăn này.
Tháo gỡ khó khăn để phát triển kinh tế
Trước mắt, Tổng cục Thống kê đề xuất cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, không để dịch lây lan, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân. Đồng thời, tiếp tục đưa ra gói hỗ trợ đủ lớn và hiệu quả để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, trong đó tập trung vào đối tượng doanh nghiệp, cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất có thể so với kế hoạch đề ra thông qua việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa nhằm thực hiện đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng, chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án cấp bách để triển khai ngay trong năm, nâng cao năng lực sản xuất và tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Để hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu tới kết quả sản xuất nông nghiệp, cần điều chỉnh phương án sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp từng vùng, miền hoặc chuyển dịch mùa vụ sản xuất trên cơ sở tận dụng các lợi thế của địa phương, dự đoán nhu cầu thị trường và khả năng tiêu thụ sản phẩm.
Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, cần kích cầu đầu tư trong khối doanh nghiệp sản xuất cho xuất khẩu để chủ động nguồn hàng khi thị trường các nước trên thế giới mở lại bình thường và tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu - Việt Nam.
Mặt khác, nên theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm./.
Quang Huy