【kqbd qt】Cô gái đi từ bóng tối đến sức mạnh truyền cảm hứng
Nghiêm Vũ Thu Loan giới thiệu ấn phẩm đầu tay “Giấc mơ nơi thiên đường”. Ảnh: NVCC |
Ngôn từ tiếp thêm sức mạnh
Nghiêm Vũ Thu Loan (SN 1998, ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội) sinh ra trong một gia đình làm nông, nhà có 3 chị em, nhưng Loan và chị gái không may mắc khiếm thị bẩm sinh. Suốt những năm tháng thơ ấu, Loan đã phải bước vào “cuộc chiến” để giành lại thị lực. Sau ca phẫu thuật đầu tiên, em nhìn được lờ mờ, đủ để phân biệt được những màu sắc cơ bản dưới ánh sáng mặt trời.
Nhưng rồi tai nạn năm 11 tuổi đã lấy đi những tia sáng cuối cùng ấy. Những tưởng bất hạnh liên tiếp ập đến sẽ khiến Thu Loan gục ngã. Nhưng khi thực sự không còn nhìn thấy chút ánh sáng nào nữa, cô gái nhỏ vẫn đi tìm những nguồn sáng của riêng mình, em bắt đầu tìm niềm đam mê trong những con chữ và viết lách.
Cả tuổi thơ gắn với bệnh viện để chữa mắt, đến năm 9 tuổi, Loan mới bắt đầu cắp sách tới trường học lớp 1. Loan và mẹ đã nhận được rất nhiều từ chối, thế nhưng để được đi học, dù là ngồi bàn cuối em cũng chấp nhận. Biết bản thân mình khiếm khuyết, các bạn cố gắng 1 thì em nỗ lực gấp 10. Nhờ sự chăm chỉ và năng lực vượt trội, học xong lớp 1, em được tuyển thẳng lên lớp 3.
Cô gái khiếm thị còn đạt học sinh giỏi suốt những năm cấp 1 và cấp 2. Khi lên cấp 3, các trường THPT lại không nhận em vì “không có chương trình dành riêng cho người khiếm thị”. May mắn thay em được THPT Yên Hòa (Hà Nội) nhận vào học chung với các bạn mắt sáng khác.
Trong bài phát biểu nhận học bổng tại cơ sở Hà Nội, Đại học RMIT Việt Nam năm 2019, cô sinh viên khiếm thị đã chia sẻ rằng: “Có thể tôi không phải là sinh viên thông minh nhất, nhưng tôi tự tin rằng mình là sinh viên cần cù, bền bỉ và chủ động nhất vì tôi có ước mơ và mục tiêu rõ ràng. Tôi sẽ sử dụng kiến thức học được ở trường để nâng cao điều kiện sống và cơ hội giáo dục cho những bạn đồng cảnh ngộ”.
Năm năm sau, cô tân sinh viên ngày nào giờ đây đã trở thành minh chứng cho nỗ lực chiến thắng nghịch cảnh và là nguồn kiến tạo tác động qua những thay đổi mang tính lan tỏa mà Loan đã và đang đem đến cho cộng đồng của mình và hơn thế nữa.
Dù mắc căn bệnh về mắt bẩm sinh và mất đi thị lực hoàn toàn do một tai nạn nghiêm trọng xảy ra sau đó, Loan vẫn rất lạc quan. Cô gái trẻ luôn khát khao cháy bỏng được học hỏi, trải nghiệm những điều mới mẻ và giúp đỡ những bạn trẻ đồng cảnh ngộ khác.
Loan dùng năng khiếu viết lách để hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn. Từ năm 14 tuổi, Loan đã liên tục cộng tác với Hội Người mù TP Hà Nội trong vai trò cộng tác viên truyền thông để cho cộng đồng hiểu biết thêm về những kỳ thị mà người khuyết tật phải đối mặt. Cô hy vọng mọi người hiểu thêm về những gì người khuyết tật như cô có thể làm được. Loan đã cùng một nhóm bạn làm sách nói hướng tới cộng đồng sinh viên khiếm thị và sau đó cho thành viên của câu lạc bộ dành cho người khiếm thị do cô sáng lập.
Nghiêm Vũ Thu Loan và mẹ. Ảnh: NVCC |
Ánh sáng dẫn đường
Trước khi vào RMIT Việt Nam, Loan đã dành ra một năm vừa để chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển học bổng, vừa bắt tay vào viết sách. Niềm vui nhận được học bổng từ RMIT đã nhân lên đáng kể khi tập truyện ngắn đầu tay do cô gái trẻ chắp bút cũng kịp ra mắt ngay sau đó. Cuốn sách với tiêu đề “Giấc mơ nơi thiên đường” là tuyển tập những câu chuyện đầy màu sắc và dịu ngọt về các bạn trẻ không ngừng vươn lên trong cuộc sống và công việc, ngọt ngào và giàu nhiệt huyết như Loan, dù khiếm khuyết một phần cơ thể vẫn không ngừng nỗ lực, vươn lên trong cuộc sống.
Hiểu biết sâu rộng về nghề cùng kỹ năng truyền thông mà cô gái trẻ tích lũy được từ chương trình Cử nhân Truyền thông (Truyền thông chuyên nghiệp) đã mở lối cho Loan hướng tới mảng viết sáng tạo và viết quảng cáo.
“Tôi tin vào sức mạnh của truyền thông trong việc giúp người khuyết tật nâng cao tiếng nói”, Loan nói. “Ước mơ trở thành cây bút chuyên về nhân quyền ban đầu của tôi đã chuyển hướng trong thời gian học tại RMIT. Tôi đã tìm được cách uyển chuyển hơn để tiếp cận công chúng”.
Sự chuyển mình này đã thể hiện rõ trong tuyển tập truyện thứ hai của Loan với tiêu đề “Sáng hơn ánh mặt trời”, gồm những tản văn viết theo lối tự sự, chữa lành để lồng ghép câu chuyện về người khuyết tật và cách họ điều hướng trong cuộc sống.
Ngoài việc học, Loan còn tích cực tham gia nhiều hoạt động cộng đồng, để lại dấu ấn khó phai với những ai cô giúp đỡ.
Loan đã sáng lập ra CLB Step - một tổ chức chuyên hành động nhằm trao quyền cho người khiếm thị, nơi cô tham gia tổ chức nhiều chương trình qua đó thành viên của CLB có thể thể hiện khả năng và giúp đỡ những thành viên có hoàn cảnh khó khăn khác.
“Qua hỗ trợ về tinh thần, tập huấn giúp người khuyết tật nâng cao khả năng tìm việc làm và các sự kiện kêu gọi đóng góp, chúng tôi đã trao quyền giúp thành viên câu lạc bộ tự chủ và kiên cường hơn” - Loan nói.
Ngoài thời gian dành cho câu lạc bộ, Loan còn tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội khác. Cô là chủ nhiệm mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam thuộc Hội Người mù Việt Nam và thường xuyên làm diễn giả khách mời truyền cảm hứng trong các sự kiện cộng đồng dành cho các bạn trẻ. Tại các sự kiện này, Loan thường chia sẻ về trải nghiệm bản thân và khích lệ các bạn trẻ hãy dũng cảm thực hiện ước mơ, “theo đuổi khát vọng, đánh tan định kiến và lắng nghe tiếng gọi của trái tim”.
5 năm qua với học bổng 1,5 tỷ đồng, Loan tự thấy mình tự tin hơn, không đánh giá thấp bản thân, xuất bản sách. Hành trình theo đuổi đam mê của Thu Loan truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ, đặc biệt là những người khiếm thị.
Chàng trai dùng miệng viết nhật ký, trở thành diễn giả truyền cảm hứng | |
Chia sẻ của cô giáo trẻ không tay lấy nước mắt cả hội trường | |
Câu chuyện truyền cảm hứng của cậu bé đánh giày |