Báo cáo công tác năm 2021, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Trương Bá Tuấn cho biết, tính đến ngày 22/12/2021, Vụ Chính sách thuế đã hoàn thành và hoàn thành theo tiến độ 100% các đề án văn bản quy phạm pháp luật báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ, bao gồm 43 đề án, trong đó có: 4 dự án Luật của Quốc hội, 1 Nghị quyết của Quốc hội, 3 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 9 Nghị định của Chính phủ, 26 Thông tư thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính. Trong đó, Vụ đã nghiên cứu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuế, phí và lệ phí để xử lý những vấn đề quan trọng phát sinh ngoài chương trình công tác của Chính phủ và Bộ Tài chính với 33 đề án, trong đó có 6 đề án thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 8 đề án thuộc thẩm quyền của Chính phủ, 19 đề án thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính. Đặc biệt, Vụ Chính sách thuế đã triển khai các đề án phát sinh nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19, đồng thời góp phần phục hồi, phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội. Vụ đã xây dựng trình Bộ trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19; trình Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Năm 2021, Vụ cũng đã xây dựng trình Bộ trình Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19; Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 của Chính phủ quy định chi tiết Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19; Nghị định số 103/2021/NĐ-CP ngày 26/11/2021 của Chính phủ quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Các cơ chế, chính sách thuế, phí, lệ phí do Vụ Chính sách thuế chủ trì soạn thảo trình các cấp có thẩm quyền ban hành trong năm 2021 được Bộ đánh giá kịp thời, chất lượng, hiệu quả; được cộng đồng doanh nghiệp, người dân đánh giá cao; đặc biệt là chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí nhằm hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho rằng, năm 2021, khối lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Vụ Chính sách thuế rất lớn. Có những đề án rất quan trọng, phải thực hiện trong thời gian gấp liên quan đến chính sách thuế hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, nhưng Vụ Chính sách thuế đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra, đảm bảo chất lượng, tiến độ. Chỉ đạo về nhiệm vụ năm 2022, Thứ trưởng đề nghị đơn vị bám sát tình hình trong và ngoài nước, kịp thời tham mưu cho Bộ Tài chính, tham mưu trình các cấp có thẩm quyền các chính sách thuế, phí, lệ phí hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, phục hồi nền kinh tế. Về chương trình theo kế hoạch sửa các luật, theo quyết định của Đảng đoàn Quốc hội, Thứ trưởng cho biết, có 8 luật thuế phải rà soát trong năm 2022. Đây là khối lượng công việc rất lớn, nếu không bắt tay vào thực hiện ngay thì khó hoàn thành theo kế hoạch đề ra. Do đó cần xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng văn bản quy phạm pháp luật, bám sát tiến độ, đảm bảo chất lượng; thực hiện tốt kỷ luật, kỷ cương, phát huy tình thần trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ. Thứ trưởng đã nhấn mạnh các nội dung quan trọng tại Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Thứ trưởng đề nghị, trong công tác xây dựng chính sách quản lý thu ngân sách nhà nước, việc xây dựng, ban hành phải thận trọng, chắc chắn, làm tốt từng khâu, đặt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng, phải bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Trong đó, chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm. |