Sau lãi suất giảm, chứng khoán thường đi lênKhông tạo hiệu ứng tâm lý như hai lần hạ lãi suất điều hành gần nhất, thị trường chứng khoán có vẻ đang “thờ ơ” với quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Mặc dù cho rằng, việc giảm lãi suất điều hành thêm một lần nữa cho thấy NHNN đang có xu hướng giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và nền kinh tế. Theo các chuyên gia, sở dĩ thị trường chứng khoán chưa phản ứng nhiều do nhà đầu tư phần nào đã có dự đoán được thông tin giảm lãi suất điều hành lần này. Đồng thời, thị trường đang cho thấy sự thận trọng chờ đợi những chuyển biến thực tế về các giải pháp của Chính phủ “ngấm” vào thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), việc hạ lãi suất điều hành tạo điều kiện cho mặt bằng lãi suất hạ xuống khiến chi phí sử dụng dòng vốn thấp, từ đó, cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nhiệp. Bên cạnh đó, người dân có thể quyết định tiêu dùng nhiều hơn chi phí vay vốn thấp. Hiện tượng này sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng khối lượng đơn hàng cho doanh nghiệp. Cũng theo công ty này, hiện tại điểm hoán đổi lãi suất (swap) giữa VND và USD vẫn đang ở mức âm, tuy nhiên đã thu hẹp đáng kể so với giai đoạn trước. Như vậy, rủi ro dòng vốn ngoại nóng chảy ra khỏi nền kinh tế khi lãi suất USD cao hơn cũng giảm đi so với giai đoạn trước. Đối với thị trường chứng khoán, “thông thường, lãi suất điều hành và VN-Index có xu hướng ngược nhau. Khi NHNN hạ lãi suất điều hành, thị trường chứng khoán Việt Nam thường có xu hướng đi lên sau đó và ngược lại” - chuyên gia của BSC cho hay. Ngành nào sẽ hưởng lợi?Xét về tác động tới các nhóm ngành, chuyên gia của BSC phân tích diễn biến 3 lần NHNN công bố hạ lãi suất điều hành trước đây là ngày 30/9/2020, 14/3/2023 và 31/3/2023. Trong đó: ngày 31/3/2023, NHNN công bố hạ lãi suất tái cấp vốn 0,5%; ngày 14/3/2023, NHNN công bố hạ lãi suất tái chiết khấu 1%, ngày 30/9/2023, NHNN đồng loạt hạ cả lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn 0,5%. Nhìn chung, “hầu hết các ngành đều có phản ứng tích cực trong ngắn hạn và trung hạn đối với tin tức này. Trong đó, dịch vụ tài chính và viễn thông là hai nhóm có tăng trưởng tích cực nhất sau một tháng NHNN hạ lãi suất điều hành” - chuyên gia của BSC cho hay.
Đánh giá về thông tin tiếp tục giảm mức trần huy động ở mức 0,5%, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, điều này sẽ tác động tích cực tới những nhóm ngành có tổng dư nợ vay ngắn hạn và dài hạn ở mức cao. Dựa theo số liệu cuối năm 2022, Mirae Asset đưa ra 5 ngành hiện tại đang có mức vay nợ cao và dự báo sẽ hưởng lợi trong ngắn hạn trước quyết định giảm lãi suất này, gồm: bất động sản, thép, thực phẩm, nuôi trồng nông và hải sản, xây dựng. Mặc dù có nhiều yếu tố tác động tới lợi nhuận trước thuế của các nhóm ngành, nhưng chuyên gia của Mirae Asset dựa trên những lần tăng, giảm mức trần huy động trong 5 năm gần đây và thấy được sự tương quan. Chẳng hạn như, trong năm 2021, khi lãi suất duy trì ở mức thấp và chỉ tăng nhẹ so với năm 2020 đã phần nào giúp cho lợi nhuận của doanh nghiệp trước thuế gia tăng. Ngược lại, NHNN liên tục tăng lãi suất từ 3,5%/năm lên 5%/năm đối với kỳ hạn từ 1 đến 6 tháng trong năm 2022 cũng là một nguyên nhân khiến cho lợi nhuận các nhóm trên biến động mạnh và hầu hết đều ghi nhận mức giảm (ngoại trừ nhóm xây dựng vẫn có mức tăng nhẹ 12,5%). Đối với việc giảm lãi suất từ mức 5,5%/năm xuống mức 5%/năm đối với kỳ hạn từ 1 đến 6 tháng, theo chuyên gia của Mirae Asset, đây cũng là yếu tố sẽ có thể tác động tới những nhóm ngành với tổng nợ vay lớn. Công ty này giả định giảm lãi suất huy động có thể kỳ vọng lãi suất cho vay ngắn hạn của ngân hàng cũng được kéo xuống mức thấp hơn 5%/năm (mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa được áp dụng thực hiện từ ngày 15/3) và kỳ vọng xuống thấp hơn 11% đối với cho vay trung và dài hạn. Với giả định trên, Mirae Asset đã đưa ra một số kịch bản về giảm lãi suất sẽ tác động tới cải thiện lợi nhuận trước thuế của một số ngành cho nửa cuối năm 2023. Ước tính mức lãi suất cho vay giảm sẽ tác động tích cực gia tăng lợi nhuận trước thuế ở một số nhóm ngành có tỷ lệ nợ vay lớn. Công ty này dùng lợi nhuận trước thuế 2022 làm cơ sở ước tính, thì với kịch bản trung tính nhất ở mức giảm lãi suất cho vay giảm 0,5%, sẽ giúp cho ngành thép cải thiện tăng lợi nhuận trước thuế lớn nhất ở mức 4,2% và nhóm thực phẩm có mức biến động thấp nhất với 1,1%./. |