【kèo bóng c1】Giữ gìn di sản văn hoá
(CMO) Cà Mau tự hào với hệ thống di sản văn hoá (bao gồm văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể) phong phú, độc đáo, đầy giá trị. Chỉ tính riêng ở di sản văn hoá được xếp hạng, Cà Mau đã có danh mục hàng chục di sản văn hoá, một nguồn tài nguyên vô cùng quý giá không chỉ có giá trị tinh thần mà còn là nguồn lực hiện hữu, đóng góp lớn vào sự giàu đẹp, phát triển của địa phương.
Theo ThS Dương Minh Vĩnh, người làm công tác nghiên cứu, tâm huyết về di sản văn hoá ở Cà Mau: “Ngoài chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước; sự quan tâm và nỗ lực của các ngành, các cấp, đặc biệt là vai trò của ngành văn hoá, thì cộng đồng xã hội có vai trò hết sức quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hoá tại địa phương”.
Nơi kết tinh của giá trị cộng đồng
Mỗi di sản văn hoá tồn tại đến hôm nay đều ẩn chứa vô vàn những giá trị về lịch sử, là điểm tựa tinh thần vững chắc cho cộng đồng. Đó không chỉ là tài sản, niềm tự hào chung, mà còn là những “mắt thần” kết nối quá khứ - hiện tại - tương lai, khẳng định bản sắc văn hoá của cộng đồng, địa phương, dân tộc. Dù là di sản văn hoá vật thể hay di sản văn hoá phi vật thể, đều được kết tinh từ quá trình con người ứng xử với thiên nhiên, với xã hội và với chính mình. Nhìn vào đó, sẽ thấy được nội lực, tư thế của con người, những chặng đường biến thiên của lịch sử. Di sản văn hoá là kết tinh của bàn tay, khối óc, bản lĩnh, sức sáng tạo của cư dân, là vàng ròng được tôi luyện, thử thách trước quy luật đào thải nghiệt ngã của tự nhiên và xã hội.
ThS Dương Minh Vĩnh chia sẻ: “Di sản văn hoá với chủ thể sáng tạo và thụ hưởng là Nhân dân, và cũng chính người dân có vai trò vô cùng quan trọng trong việc gìn giữ, bảo tồn, khơi sáng những giá trị. Nếu không có sức mạnh nội sinh, tự nhiên này, di sản văn hoá sẽ không thể trường tồn cùng thời gian”. Ý thức tự giác và sự cố kết, nỗ lực của cộng đồng vì thế là yếu tố quan trọng, quyết định đến sự tồn tại, lan toả và phát huy giá trị của di sản văn hoá. Ở chiều kích ngược lại, di sản văn hoá là nơi để cộng đồng cùng chia sẻ những giá trị tốt đẹp, là chỗ dựa tinh thần, vật chất để cuộc sống con người ổn định, phát triển.
Về thăm Đình thần Tân Lộc, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, thấy tấm lòng của bà con quanh vùng đối với một di sản văn hoá thật sự vô cùng đáng trân quý. Ông Hồ Thanh Sơn, Chánh bái Đình thần Tân Lộc, hồi nhớ: “Lúc 14 tuổi tôi đã theo những người lớn trong vùng để chầu lễ, cúng bái mỗi dịp hội đình. Theo ghi chú của đình, đến tôi là đời chánh bái thứ 7 tính từ năm 1939”. Những câu chuyện liên quan đến Đình thần Tân Lộc còn lưu truyền trong dân gian, trong trí nhớ và được trao truyền từ lớp người này sang lớp người khác.
Là thế hệ trẻ nối tiếp những bậc cao niên, anh Trần Quốc Toản, Ban Nghi lễ đình Tân Lộc, bộc bạch: “Tôi rất tự hào vì quê hương có ngôi đình cổ, gắn với quá trình lập làng, lập xóm, sự phát triển của quê hương qua nhiều thời đoạn lịch sử. Tâm niệm của bản thân là góp chút sức để gìn giữ, bảo tồn, lan toả những giá trị ấy để mọi người cùng chiêm bái, nhất là thế hệ trẻ để biết về ông cha, nguồn cội”.
Ông Hồ Hoàng Yên, Phó ban Quản trị đình Tân Lộc, cho biết: “Sắc phong thần của đình được thờ luân phiên, lựa chọn những gia đình, dòng tộc có uy tín. Sắc phong là linh hồn thiêng liêng của đình nên việc bảo quản, thờ phụng phải chu đáo. Riêng nhà tôi, đã có 3 đời tham gia vào các công việc hữu sự của đình”. Cũng từ chia sẻ của ông Yên, mới biết, nếu không vào ngày chánh lễ (16-17/2 âm lịch), muốn khai sắc phong thì phải thực hiện nghi lễ cúng cặp vịt mới được tiến hành. Cũng vì muốn gìn giữ, bảo quản sắc phong tốt nhất, mà chức sắc đình Tân Lộc đã kỳ công phục dựng một bản sao của sắc phong, còn bản gốc được lưu giữ ở một nơi an toàn, bí mật.
Khơi sáng giá trị di sản văn hoá
Cho đến nay, di sản văn hoá của Cà Mau đã được xác định là tài nguyên quý, ngoài yếu tố tinh thần, văn hoá thì còn là nguồn lực để gắn với định hướng phát triển du lịch. Lễ hội Nghinh Ông ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời là một ví dụ đầy sinh động.
Lễ hội Nghinh Ông, nét đẹp văn hoá độc đáo của thị trấn biển Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, ngày càng có sức hút mạnh mẽ với du khách; được cộng đồng chung sức gìn giữ, trao truyền và lan toả giá trị. |
Ông Trần Minh Đăng, Chánh vạn Lăng Ông Nam Hải, bộc bạch: “Ngót 100 năm qua, Lễ hội Nghinh Ông luôn là sự kiện quan trọng của cư dân miền biển này. Dù thời thế có thay đổi, nhưng sự thành kính, thiêng liêng, khói hương, vật phẩm, nghi lễ đều được duy trì thực hiện chu đáo, cẩn thận”.
Ông Đinh Văn Huy, Trưởng ban Nhân dân Khóm 2, thị trấn Sông Đốc, chia sẻ: “Cứ mỗi dịp Nghinh Ông, bà con ngư dân đều tề tựu, người góp công, góp của, với tất cả sự thành kính và tự giác, ai cũng muốn lễ hội được tổ chức ngày càng lớn hơn, chỉn chu hơn. Cái hay nhất của thế hệ trẻ là rất quan tâm học hỏi nghi thức cúng bái, đặc biệt là các em trong đội học trò hầu lễ chỉ 15, 16 tuổi thôi đã rất thành thục công việc cúng bái”.
Anh Phạm Hữu Nghĩa, Trưởng đoàn lân Thượng Nghĩa Đường, xúc động: “Tôi rất tự hào khi cùng với anh em góp phần vào việc gìn giữ những giá trị văn hoá lâu đời của ông cha để lại. Là thế hệ trẻ, tôi mong muốn Lễ hội Nghinh Ông ngày càng được nhiều người biết tới hơn nữa, tồn tại lâu bền để Sông Đốc có một điểm nhấn riêng biệt, độc đáo”. Cũng theo anh Nghĩa, Lễ hội Nghinh Ông luôn là niềm tự hào của người dân Sông Đốc, thế hệ trẻ cũng quan tâm, tìm hiểu, góp sức giữ gìn, phát huy giá trị của di sản văn hoá phi vật thể quốc gia này.
Trong định hướng phát triển của du lịch Cà Mau, loại hình du lịch văn hoá, du lịch tâm linh được xác định là lĩnh vực kinh tế quan trọng. Hệ thống di sản văn hoá vì thế không chỉ là di sản văn hoá bất động, mà phải là di sản văn hoá sinh động, giàu sức sống, hiện hữu và sẽ là nguồn lực đóng góp vào quá trình xây dựng, phát triển tỉnh nhà. Di sản văn hoá vừa là niềm tự hào, nhưng cũng là nguồn năng lượng tích cực để Cà Mau thực sự là điểm đến lý tưởng, hấp dẫn với bạn bè muôn phương./.
Phạm Hải Nguyên