Chiều 20/9, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và 33 bị cáo trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan.
Bị cáo Trần Thị Thúy Ái (kiểm soát viên ngân quỹ kiêm thủ kho SCB) thừa nhận hành vi đúng như cáo trạng truy tố.
Theo cáo buộc, bị cáo Trần Thúy Ái đã tiếp nhận, xử lý các chứng từ nộp và rút tiền mặt liên quan đến dòng tiền khống để tạo lập trái phiếu của hai công ty An Đông và Sunny World, giúp sức cho Trương Mỹ Lan và đồng phạm chiếm đoạt hơn 26.581 tỷ đồng của 30.744 bị hại.
Bị cáo Ái khai khi có giao dịch ngoài giờ thì Nguyễn Phương Hồng (cựu Phó Tổng giám đốc SCB) sẽ chỉ đạo. Bị cáo từng thắc mắc những giao dịch nộp tiền nhưng không có khách hàng lên nộp là không đúng quy định thì được bà Nguyễn Phương Hồng nói "yên tâm đi, đảm bảo 100% số tiền nộp vào và rút ra đúng với số tiền trong ngân quỹ".
Các bị cáo còn lại như: Thái Thị Thanh Thảo, Giám đốc dịch vụ khách hàng Wholesale Ngân hàng SCB; Trần Thị Mỹ Dung, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB; Trương Khánh Hoàng, Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB; Bùi Anh Dũng, Giám đốc Ngân hàng SCB Chi nhánh Bến Thành; Ngô Thanh Nhã, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty An Đông (em dâu Trương Mỹ Lan)... đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng nêu.
Đồng thời các bị cáo giữ nguyên các lời khai tại cơ quan điều tra và cho rằng: từ năm 2018 đến năm 2020, bị cáo Trương Mỹ Lan là người đã đề ra chủ trương và chỉ đạo các bị cáo như: Đinh Văn Thành, Chủ tịch HĐQT; Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc; Nguyễn Phương Hồng, Phó Tổng Giám đốc thuộc Ngân hàng SCB; Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán TVSI và Hồ Bửu Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VTP, sử dụng 4 Công ty An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra phát hành 25 mã trái phiếu “khống”, bán cho các nhà đầu tư, thu về tổng số tiền hơn 30.000 tỷ đồng.
Số tiền này do bị cáo Trương Mỹ Lan sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, không đúng mục đích phát hành dẫn đến mất khả năng thanh toán nợ trái phiếu.
Các bị cáo nêu trên đều xác định việc truy tố của VKS là đúng người, đúng tội, không oan sai. Ngoài tiền lương, các bị cáo không được hưởng lợi gì từ việc phát hành trái phiếu.
Các bị cáo đều khai thực hiện theo chỉ đạo, là người làm công ăn lương, tin tưởng các chủ trương do Trương Mỹ Lan đề ra, các bị cáo rất hối hận và không hình dung được hành vi của mình đã gây ra thiệt hại quá lớn cho người dân, các bị cáo sẽ cố gắng sắp xếp tài chính để khắc phục hậu quả vụ án và xin HĐXX khoan hồng giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.
Theo cáo trạng, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được bà Trương Mỹ Lan thành lập, nắm giữ 60% cổ phần và làm Chủ tịch HĐQT từ năm 1992 đến nay. Ngoài ra, Trương Mỹ Lan thông qua người thân, pháp nhân và cá nhân khác đứng tên hộ để nắm giữ phần lớn cổ phần tại Ngân hàng SCB, Công ty Chứng khoán TVSI, qua đó thao túng, chỉ đạo, điều hành, chi phối mọi hoạt động của các pháp nhân này.
Ở tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, từ năm 2018 đến 2020, Trương Mỹ Lan đề ra chủ trương và chỉ đạo các bị can: Đinh Văn Thành, Chủ tịch HĐQT; Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc; Nguyễn Phương Hồng, Phó Tổng Giám đốc thuộc Ngân hàng SCB; Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán TVSI và Hồ Bửu Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VTP, sử dụng 4 Công ty An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra phát hành 25 mã trái phiếu “khống” với 308 triệu trái phiếu.
Trương Mỹ Lan huy động vốn của 35.824 nhà đầu tư (nhà đầu tư thứ cấp), thu về 30.081 tỷ đồng, sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, không đúng mục đích phát hành dẫn đến mất khả năng thanh toán nợ trái phiếu.
Ở tội Rửa tiền, từ 1/1/2018 đến 7/10/2022, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát và đồng phạm chiếm đoạt 445.748 tỷ đồng thông qua tham ô tài sản của Ngân hàng SCB và phát hành trái phiếu như trên.
Trong quá trình chiếm đoạt số tiền này, Trương Mỹ Lan chỉ đạo đồng phạm thực hiện các hành vi rút tiền, chuyển tiền ra khỏi hệ thống Ngân hàng SCB nhằm che giấu nguồn gốc, hợp thức sử dụng số tiền do phạm tội mà có.
Số tiền này chủ yếu để chi trả khoản vay của các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại Ngân hàng SCB; trả nợ giữa các công ty, cá nhân trong Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay mượn nhau; chuyển tiền ra nước ngoài thanh toán các hợp đồng “khống”.
Từ 27/10/2012 đến 7/10/2022, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lập các hợp đồng “khống” mua bán cổ phần, vốn góp; tư vấn giữa các công ty tại Việt Nam và công ty ở nước ngoài.
Thông qua các hợp đồng này thực hiện chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài tổng số tiền 4,5 tỷ USD (tương đương hơn 106.730 tỷ đồng). Trong đó, chuyển đi 1,5 tỷ USD (tương đương hơn 35.361 tỷ đồng), nhận về hơn 3 triệu USD (tương đương 71.368 tỷ đồng).
Cáo buộc cho rằng bị can Trương Mỹ Lan là người chi phối, chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các pháp nhân thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Trương Mỹ Lan đưa ra chủ trương sử dụng các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để phát hành trái phiếu.
Bà chủ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát họp bàn với các đồng phạm là nhân sự chủ chốt của tập đoàn, Ngân hàng SCB, Công ty TVSI chọn và sử dụng 4 Công ty An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra phát hành 25 mã trái phiếu "khống", chiếm đoạt số tiền 30.081 tỷ đồng của 35.824 bị hại.
猜你喜欢
- Lũ ngập tận nóc nhà, cụ bà thoát chết nhờ chiếc đệm hơi
- Vietnamese, Chinese top leaders witness signing of 14 cooperation documents
- Changing mindsets in legislative work to unlock development resources: PM
- Official calls for stronger ties between military schools of Việt Nam, Laos
- Độ mặn trên các sông tiếp tục tăng
- Draft juvenile justice law highlights diversion measures, focusing on humanitarian approach
- Việt Nam treasures special ties with Laos: high
- HCM City leader welcomes official of ruling Angolan party
- Bình oxy lỏng nổ như bom, 1 người tử vong ở Quy Nhơn