Phát biểu khai mạc Hội nghị, Cục trưởng Cục Hải quan Bắc Ninh Trần Đức Hùng nhấn mạnh, mục tiêu của Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan hướng đến là 80% doanh nghiệp tham gia được tăng mức tuân thủ hoặc giữ nguyên mức độ tuân thủ cao. Trong quá trình triển khai Chương trình, Cục Hải quan Bắc Ninh sẽ tổng kết những kết quả cụ thể đạt được, đồng thời tổ chức đánh giá hiệu quả chương trình mang lại cho cơ quan Hải quan và cộng đồng doanh nghiệp, qua đó, Cục sẽ báo cáo, đề xuất Tổng cục Hải quan mở rộng số lượng doanh nghiệp tham gia trong thời gian tiếp theo. Tổng số doanh nghiệp làm thủ tục hải quan tại các Chi cục Hải quan trực thuộc Cục Hải quan Bắc Ninh là 5.615 doanh nghiệp. Qua thống kê, số liệu về phân loại mức độ tuân thủ pháp luật đối với người khai hải quan tại Cục Hải quan Bắc Ninh có trên 58,4% các doanh nghiệp có mức tuân thủ thấp (mức 4), 23,6% doanh nghiệp có mức tuân thủ trung bình (mức 3), còn lại là các mức 1, mức 2. Chính phủ Việt Nam đã và đang ban hành các giải pháp quyết liệt, linh hoạt để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19. Trong đó, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan là một trong những chủ trương lớn của Chính phủ, Bộ Tài chính và ngành Hải quan. Nội dung này được cụ thể hoá bằng Quyết định 1399 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về việc ban hành Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật Hải quan.
“Việc tham gia chương trình trước hết đem lại lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan Hải quan và các cơ quan quản lý nhà nước, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Do vậy, các doanh nghiệp vừa có lợi ích, vừa có nghĩa vụ chấp hành đúng pháp luật bằng việc phối hợp chặt chẽ với cơ quan hải quan để đánh giá lại thực trạng của việc tuân thủ pháp luật hải quan hiện nay, nhằm chỉ rõ các yếu tố, nguyên nhân ảnh hưởng đến mức độ tuân thủ; từ đó có kế hoạch cụ thể từng bước cải thiện, nâng mức tuân thủ của doanh nghiệp”, ông Trần Đức Hùng mong muốn. Tại Hội nghị, lãnh đạo Cuc Hải quan Bắc Ninh đã ký kết biên bản ghi nhớ và kế hoạch hành động với 12 doanh nghiệp được Tổng cục Hải quan công nhận tư cách thành viên tham gia Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan. Chương trình là một trong những tiền đề giúp Cục Hải quan Bắc Ninh tiếp tục chuẩn hóa các thủ tục hành chính và cam kết tạo thuận lợi thương mại; hướng tới hải quan số, hải quan thông minh. Tới dự lễ ký kết, Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Nhất Kha bày tỏ mong muốn cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phối hợp với cơ quan Hải quan trong quá trình triển khai chương trình, hướng tới việc cải thiện mức độ tuân thủ, quyết định việc phân luồng, giảm tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hoá. Mặt khác, tiếp tục đóng góp với cơ quan Hải quan ngày càng phục vụ tốt hơn cộng đồng doang nghiệp, hoàn thiện chương trình. Hiện nay cơ quan Hải quan đánh giá doanh nghiệp ở 5 mức và công khai để doanh nghiệp nắm bắt, biết được mức độ tuân thủ, cũng như nguyên nhân, nhìn nhận đánh giá mức độ tuân thủ của doanh nghiệp kinh doanh cùng lĩnh vực, cùng mặt hàng kinh doanh. Hải quan Bắc Ninh là đơn vị có số lượng tờ khai, kim ngạch XNK, cũng như số lượng doanh nghiệp. Với tỷ trọng doanh nghiệp tuân thủ mức 1, 2, 3 chiếm 42%, số lượng doanh nghiệp mức 4,5 chiếm 58%, còn thấp hơn mức trung bình toàn Ngành (85%). Trên cơ sở nguồn lực của đơn vị, đề nghị Cục Hải quan Bắc Ninh tiếp tục phối hợp với Cục Quản lý rủi ro rà soát, mở rộng số lượng doanh nghiệp tham gia chương trình thí điểm.
|