Đảm bảo tính bền vững, dài hạnPhát biểu tại phiên toàn thể diễn đàn, Bộ trưởng Bộ tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, việc điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ của đất nước thời gian qua luôn đảm bảo tính bền vững, dài hạn. Chính sách tài khóa của nước ta trong năm qua điều hành tốt, linh hoạt. Điển hình qua đợt chống dịch, bổ sung nguồn lực, kinh phí cho phòng, chống dịch, tiêm vắc-xin cho tất cả người dân. Bộ trưởng cho rằng, đây là một thành công lớn khi thu ngân sách năm 2021 vượt 16% dự toán, bội chi ngân sách giữ ở mức 3,41%... Theo Bộ trưởng, chính sách tài khóa, tiền tệ đã tạo sức mạnh cho doanh nghiệp, đảm bảo tiết kiệm chi thường xuyên để tạo thêm nguồn lực, đảm bảo chống dịch thành công. Năm 2022 Chính phủ tiếp tục duy trì linh hoạt 3 yếu tố đột phá về xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số, cải cách hành chính và tăng cường thể chế.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, cùng với việc thực hiện chính sách tiền tệ, thì chính sách tài khóa như: giảm thuế, phí, giãn hoãn nợ thuế, tiền thuê đất… cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và các cá nhân thuộc lĩnh vực ưu tiên đã giúp họ có thêm nguồn lực duy trì, khôi phục sản xuất sau dịch. Cùng với đó tập trung gói kích cầu 347 nghìn tỷ đồng cũng đã tạo cú hích lớn cho khôi phục và phát triển kinh tế kinh tế - xã hội của đất nước. Tại diễn đàn, các đại biểu, các chuyên gia cũng đánh giá cao việc điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ của Chính phủ trong thời gian qua, đặc biệt trong thực hiện chính sách tiền tệ ứng phó với lạm phát, bão giá leo thang, với sự bất ổn của thị trường thế giới khi giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng cao. Bên cạnh sự quyết liệt vào cuộc của Chính phủ, các bộ, ngành, có sự đóng góp tích cực của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước. Tránh phương thức quản lý mệnh lệnh và cơ chế xin - choPhát biểu tại diễn đàn, TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, thế giới đang trải qua một giai đoạn đầy rủi ro, bất trắc. Để Việt Nam trụ hạng trong bối cảnh "giông bão" vừa qua, Chính phủ đã thể hiện bản lĩnh kiên cường, năng lực điều hành "dĩ bất biến, ứng vạn biến", linh hoạt, nhạy bén, quyết đoán trong chính sách và quyết liệt hành động. Điển hình, TS.Trần Đình Thiên nhắc tới việc đích thân Thủ tướng đi vào các tâm dịch, các trung tâm kinh tế lớn để hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế trong bối cảnh khó khăn. Việc chống dịch nhưng không làm đứt chuỗi nền kinh tế thị trường và mở cửa; tránh phương thức quản lý mệnh lệnh hành chính và cơ chế xin - cho… Ông Yoshiki Takeuchi - Phó Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đánh giá, nhờ các chính sách quản lý dịch bệnh rất linh hoạt, Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia trên thế giới đã duy trì được tăng trưởng dương năm 2020. Năm 2021, do biến chủng mới Delta lây lan rất nhanh, Việt Nam đã buộc phải áp dụng các biện hành chính nghiêm khắc và sau đó chuyển hướng kịp thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, nhờ chương trình tiêm chủng hết sức hiệu quả và thành công. Nhắc tới những rủi ro của kinh tế Việt Nam do tác động từ tình hình thế giới, trong khi độ mở của nền kinh tế Việt Nam rất lớn, ông Yoshiki Takeuchi khẳng định OECD sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam quản trị các rủi ro này.
Đánh giá Việt Nam đang tích cực và cơ bản thực hiện hiệu quả các khuyến nghị quản lý rủi ro của OECD, Phó Tổng Thư ký OECD đề cập một số vấn đề như cải cách doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng chính sách… để Việt Nam có thể tiếp tục tăng trưởng kiên cường và bền vững hơn nữa trong thời gian tới. Tại diễn đàn, các đại biểu, chuyên gia trong nước và quốc tế tập trung thảo luận, làm rõ nội hàm về nền kinh tế độc lập, tự chủ của Việt Nam trong bối cảnh và điều kiện mới hiện nay, nhất là yêu cầu về tự chủ khoa học, công nghệ, năng lực đổi mới sáng tạo gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả; các tiêu chí đánh giá mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế. Cùng với đó, làm rõ thực trạng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam trong thời gian qua; những kết quả đạt được, hạn chế, tồn tại và nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của một số nước về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam. Các đại biểu tham dự diễn đàn cũng đề xuất, kiến nghị hoàn thiện hoặc ban hành các chủ trương, chính sách, biện pháp mới để củng cố và phát huy sức mạnh nội lực của nền kinh tế, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh và khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc từ bên ngoài; đề xuất cách tiếp cận và các chính sách, giải pháp để bảo đảm giải quyết tốt mối quan hệ giữa xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế trong thời gian tới./. |