Dự thảo Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 – 2017, định hướng đến năm 2020 đang được lấy ý kiến có nhiều điểm mới và nhiều tham vọng.
Với năm 2016, dự thảo Nghị quyết đặt mục tiêu củng cố, duy trì các kết quả đạt được trong Khởi sự kinh doanh, Tiếp cận điện năng, Bảo vệ nhà đầu tư thiểu số, Nộp thuế và bảo hiểm xã hội. Dự thảo Nghị quyết đặt mục tiêu đạt trung bình của nhóm nước ASEAN 4 về cải cách hành chính thuế trên 3 nhóm chỉ tiêu: kiểm tra trước hoàn thuế; quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế; thời gian và kết quả xử lý khiếu nại về thuế; Rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới tối thiểu ngang bằng với các nước ASEAN 4, tối đa 10 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu, 12 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu.
Ngoài ra, dự thảo cũng lấy các phương pháp đánh giá, xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới để đặt ra các mục tiêu phấn đấu. Theo đó, phấn đấu đến hết năm 2017 đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 4 trên một số chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh, thuộc nhóm chỉ số nâng cao hiệu quả (theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới).
Cụ thể là: Phấn đấu chỉ số hiệu lực chính sách cạnh tranh thuộc nhóm 50 nước đứng đầu; Hạn chế rào cản phi thuế quan thuộc nhóm 40 nước đứng đầu; Nâng cao hiệu quả thị trường lao động, trong đó, đảm bảo mức lương linh hoạt thuộc nhóm 60 nước đứng đầu; năng suất, khả năng giữ chân và thu hút nhân tài thuộc nhóm 40 nước đứng đầu.
Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả thị trường tài chính, trong đó, mức độ sẵn có và đầy đủ về dịch vụ tài chính thuộc nhóm 50 nước đứng đầu; huy động vốn qua thị trường chứng khoán và tiếp cận tín dụng thuộc nhóm 30 nước đứng đầu.
Đến năm 2020, dự thảo đặt ra mục tiêu phấn đấu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN 3 (gồm Singapore, Malaysia và Thái Lan) trên một số chỉ tiêu thông lệ quốc tế.
Cụ thể là: Khởi sự kinh doanh thuộc nhóm 40 nước đứng đầu; Thời gian cấp phép xây dựng dưới 70 ngày; Thời gian tiếp cận điện năng đối với lưới điện trung áp dưới 33 ngày; Thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản dưới 7 ngày; Bảo vệ nhà đầu tư thiểu số thuộc nhóm 20 nước đứng đầu.
Dự thảo Nghị quyết 19 cũng đặt kế hoạch đến năm 2020 chỉ tiêu thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội dưới 155 giờ/năm; Thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới dưới 41 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 46 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu.
Với các chỉ số theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới, dự thảo Nghị quyết 19 đặt mục tiêu tiếp cận tín dụng thuộc nhóm 20 nước đứng đầu; Thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng dưới 200 ngày; Thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp tối đa 18 tháng.