Phát triển nhờ hỗ trợ
Tính đến tháng 3-2021,ầuđểHTXphaacutettriểty so as roma Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh đã cho 16 HTX vay 18 tỷ đồng đầu tư các dự án. Trong đó, 2 dự án đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị chế biến gỗ được hỗ trợ 2,3 tỷ đồng. Dự án đầu tư con giống và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thịt bò 1 tỷ đồng. Các dự án còn lại tập trung vào lĩnh vực thế mạnh ở địa phương như mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển thị trường tiêu thụ cây trồng chủ lực như: cây ăn trái, cao su, điều, tiêu...
Anh Đinh Quang Huy (bìa phải), thành viên Hợp tác xã SX-TM-DV Mộc Chơn Thành ở ấp 3, thị trấn Chơn Thành cùng những người thợ đang khẩn trương lắp ráp khung cửa để sớm bàn giao cho khách hàng - Ảnh: Quang Minh
HTX sản xuất - thương mại - dịch vụ Mộc Chơn Thành là dự án đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng tiêu thụ đồ mộc được vay 1,5 tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh. Là thành viên của HTX, anh Bùi Tiến Dũng được vay 50 triệu đồng. Cùng với vốn góp của gia đình, anh Dũng mua máy CNC - dòng máy thiết kế chuyên dụng, tự động hóa trong sản xuất đồ gỗ. Từ đó, sản phẩm làm ra nhanh, nhiều hơn. Đồng thời, chất lượng, mẫu mã đẹp, phù hợp thị hiếu khách hàng. Nhờ đó, anh có nhiều đơn đặt hàng, cho thu nhập tốt hơn.
Ông Phạm Xuân Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX sản xuất - thương mại - dịch vụ Mộc Chơn Thành khẳng định: “Được đầu tư máy móc công nghệ hiện đại đã tăng năng suất lao động rất nhiều. HTX có thể sản xuất số lượng lớn, đồng loạt, đáp ứng các đơn hàng lớn, tạo ra mẫu sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng… Doanh thu hằng năm của HTX luôn đạt trên 4 tỷ đồng. Đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho hơn 35 lao động và huy động thêm khoảng 20-40 lao động thời vụ. Thu nhập lao động từ 5-7 triệu đồng/người/tháng”.
Ông Nguyễn Viết Vị, Giám đốc HTX TM-DV Nông nghiệp Phước Thiện, huyện Bù Đốp chia sẻ: “Tháng 12-2019, HTX vay 900 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh để đầu tư vào dự án xây dựng chuỗi liên kết sản xuất hữu cơ, tạo ra vùng nguyên liệu lớn, xây dựng thương hiệu sản phẩm mít Thái siêu sớm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và hướng tới xuất khẩu. Dự án bước đầu đã có kết quả, dự kiến năm 2021, HTX sẽ hoàn trả 225 triệu đồng”.
Vẫn như… muối bỏ biển
Toàn tỉnh hiện có 228 HTX và 1 liên hiệp HTX nhưng chỉ có 16 HTX được tiếp cận nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh. Đây là con số quá ít so với nhu cầu. Thiếu vốn mà không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi là thực trạng chung của nhiều HTX hiện nay.
Đại diện Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Bình Phước khảo sát vùng nguyên liệu dự án trồng và tiêu thụ mít Thái siêu sớm
Bà Trần Thị Yến, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX nông nghiệp Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập cho biết: “HTX tiếp cận nguồn vốn thương mại rất khó khăn bởi những đòi hỏi khắt khe đối với tài sản đảm bảo, thế chấp… Đứng trên phương diện tập thể, đi vay thực sự rất khó vì HTX không có nhiều tài sản chung. Nhiều lần, Ban chủ nhiệm HTX phải vay thế chấp, tín chấp trên danh nghĩa cá nhân để HTX có vốn duy trì sản xuất nhưng chỉ như muối bỏ biển. Chúng tôi rất muốn được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, thời gian vay dài hạn. Cam kết đến kỳ hạn, chúng tôi sẽ huy động vốn của thành viên để trả cả gốc và lãi…”.
Những khó khăn đối với kinh tế HTX rất mong được lãnh đạo tỉnh và các cấp, ngành hữu quan quan tâm tháo gỡ. Để từ đó góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra đến năm 2025 là phát triển mới 60 tổ hợp tác, 150 HTX và 1 liên hiệp HTX. Đồng thời, phấn đấu 100% HTX thành viên hoạt động gắn với chuỗi giá trị, có thương hiệu cũng như thị trường tiêu thụ; 100% HTX được tiếp cận chính sách hỗ trợ, ưu đãi... |
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hà Văn Kiên |
Năm 2018, HTX cây ăn trái Minh Thắng, huyện Chơn Thành được vay 1,8 tỷ đồng để thực hiện dự án trồng, chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGap. Đây là số vốn vay cao nhất so với các dự án khác. Song với quy mô canh tác gần 30 ha cây ăn trái thì số vốn này chỉ đủ để mua phân bón. Ông Trần Hữu Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX băn khoăn: "Lợi thế của nguồn vốn này là lãi suất thấp, thời hạn vay 5 năm, sau khi hết hạn hoàn vốn, chúng tôi có nhu cầu vay tiếp không biết có được không?”.
Bà Nguyễn Thanh Phương, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh cho biết: “Hiện nay, dù rất nhiều hồ sơ đủ điều kiện vay vốn nhưng quỹ gần như không còn vốn để cho vay. Chính vì nguồn lực của quỹ có hạn nên chỉ cho vay ở những lĩnh vực cần ưu tiên như: các HTX nông thôn mới, HTX xây dựng được chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xử lý môi trường… Năm 2021, quỹ cho 11 HTX có dự án đầu tư phát triển khả thi vay 8 tỷ đồng. Để tiếp cận được vốn, các HTX phải chủ động, nỗ lực, củng cố bộ máy điều hành, chuẩn bị tốt nhân sự. Chúng tôi sẽ nhanh chóng giải ngân, hỗ trợ tối đa những HTX xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp, có tính khả thi cao...”.
Cuối tháng 3 vừa qua, ông Hà Văn Kiên, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh dẫn đầu đoàn công tác đến thăm và làm việc với một số HTX trên địa bàn tỉnh. Ông Hà Văn Kiên ghi nhận: “Hiện nay, kinh tế tập thể có rất nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển đã và đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, có một số chính sách chưa thực sự đến được với khu vực kinh tế tập thể. Vì nguồn lực hỗ trợ, khuyến khích còn hạn chế, lồng ghép nhiều chương trình”.