Gói biện pháp trên của ECB được đưa ra nhằm "giảm thiểu việc thắt chặt các điều kiện tài chính trên toàn khu vực đồng euro," trong đó chấp nhận việc sử dụng các khoản vay từ các công ty nhỏ, cũng như trái phiếu chính phủ Hy Lạp làm tài sản thế chấp.
Cụ thể, ECB sẽ chấp nhận các khoản vay "có chất lượng tín dụng thấp hơn" và các khoản vay ngoại tệ.
ECB nêu rõ tài sản thế chấp sẽ được chấp nhận dưới hình thức các khoản vay được chính phủ bảo lãnh cho các công ty vừa và nhỏ, người dân và hộ gia đình tự làm chủ.
Ngoài ra, lần đầu tiên trong gần 2 năm qua, ECB chấp nhận việc thế chấp trái phiếu chính phủ Hy Lạp - thường bị đánh giá ở mức "không đáng đầu tư" và rủi ro cao.
Hội đồng quản trị ECB cũng đồng ý "tăng mức độ chấp nhận rủi ro" bằng cách chấp nhận cắt giảm số lượng tài sản thế chấp cần thiết để tái cấp vốn, tạo điều kiện cho các ngân hàng vay vốn với lãi suất cực thấp mà ECB ấn định.
Trong thông báo, Hội đồng quản trị ECB cho biết các quy định về thế chấp tài sản nêu trên là "chưa từng có" và chỉ mang tính "tạm thời" trong thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19.
Trước những tác động của đại dịch COVID-19 gây ra đối với nền kinh tế toàn cầu nói chung và châu Âu nói riêng, hồi tháng trước, ECB đã tung ra chương trình khẩn cấp mua trái phiếu trị giá lên tới 750 tỷ Euro đến hết năm 2020 nhằm thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư trong khu vực.
ECB cũng cam kết hỗ trợ mọi công dân khu vực đồng Euro vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, đồng thời sẽ đảm bảo để mọi thành phần (các hộ gia đình, các công ty, ngân hàng hay các chính phủ) có thể hưởng lợi từ các điều kiện hỗ trợ tài chính để giảm cú sốc do dịch bệnh gây ra./.
Theo TTXVN