【ngoại hạng an】Chống hàng giả, xâm phạm bản quyền trong lĩnh vực y tế
Đây là hội nghị đầu tiên về chuyên ngành chống buôn lậu trong lĩnh vực y tế, do Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (VP Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) chủ trì tổ chức.
Theo báo cáo của VP Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, mặc dù cơ quan chức năng đã vào cuộc tích cực, nhưng nạn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, ảnh hưởng đến quyền lợi và sức khỏe cộng đồng diễn ra rất phức tạp.
Từ cuối năm 2014 đến nay, các lực lượng chức năng trên toàn quốc đã đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, vi phạm sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực y tế, phát hiện và xử lý nhiều vụ việc liên quan đến dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm.
Cụ thể, một số vụ điển hình như: vụ khởi tố, bắt tạm giam 1 đối tượng quốc tịch Trung Quốc về hành vi sản xuất, buôn bán 300 thùng mỹ phẩm và 40 kg tem nhãn giả tại Quảng Ninh; vụ bắt giữ trên 10 tấn thực phẩm chức năng giả tại TP Hồ Chí Minh; trong tháng 6/2015, vụ bắt giữ 20 tấn thực phẩm chức năng giả tại TP Hà Nội…
Để tạo chuyển biến trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực y tế, VP Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã đề xuất một số giải pháp đáng chú ý.
Cụ thể, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chống buôn lậu, hàng giả; phát động phong trào toàn dân tham gia chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ.
Các bộ, ngành, địa phương tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp chân chính.
Về phía ngành Y tế, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo 389 Bộ Y tế bằng các hành động thiết thực như: Góp ý cho cơ quan chuyên môn hoàn thiện các quy định của pháp luật và hàng rào kỹ thuật về các quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn, giám định, điều kiện cấp phép sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu đối với lĩnh vực hàng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm...;
Hướng dẫn, bắt buộc doanh nghiệp thực hiện đầy đủ quy định về ghi nhãn hàng hóa, mã số, mã vạch; các quy định về đo lường chất lượng, công bố chất lượng...; Thông tin rộng rãi đến người tiêu dùng nắm bắt hàng giả, hàng nhái, giúp người mua hàng nhận biết hàng giả và hàng thật.../.
Trịnh Dũng