Theo ông Trinh, căn cứ diễn biến của dịch bệnh Covid-19, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học, dự kiến thời gian kết thúc năm học là ngày 30/6. Kỳ thi THPT quốc gia sẽ tổ chức vào các ngày 23, 24, 25, 26/7.
Để công tác ôn tập, thi đạt kết quả cao, theo ông Trinh, các địa phương cần linh hoạt, hiệu quả để tổ chức dạy học, ôn tập có chất lượng, không cắn xén chương trình.Thông tin về việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2020, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng chia sẻ, kỳ thi tuân thủ nguyên tắc không xáo trộn việc dạy học của giáo viên, học sinh lớp 12; tổ chức gọn nhẹ, hạn chế tốn kém, căng thẳng cho xã hội; bảo đảm tính nghiêm túc, khách quan; bảo đảm kết quả thi tin cậy để sử dụng xét tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở đào tạo sử dụng trong tuyển sinh. Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng yêu cầu các thầy cô nên phân tích định dạng, cấu trúc đề thi chính thức, đề thi tham khảo của kỳ thi THPT 2019, từ đó xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh. Một điểm mới năm nay trong kỳ thi THPT quốc gia theo ông Trinh là Bộ GD&ĐT sẽ không công bố đề thi minh họa, do đó tài liệu để các thí sinh tham khảo tốt nhất là đề thi chính thức của kỳ thi THPT năm 2019 bởi phần lớn các câu hỏi trong đề thi là kiến thức cơ bản, chủ yếu ở nội dung chương trình lớp 12. Với lo ngại về việc Bộ GD&ĐT lùi thời gian thi THPT quốc gia vào tháng 7 liệu có ảnh hưởng đến tuyển sinh ĐH, CĐ của các trường, ông Trinh cho rằng, việc lùi thời gian tổ chức thi THPT quốc gia sẽ làm thay đổi kế hoạch học tập và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2020, nhưng các trường không bị động. "Về phía Bộ GD&ĐT, chúng tôi đã kịp thời chỉ đạo các cơ sở đào tạo có kế hoạch phù hợp để hoàn thành nhiệm vụ năm học 2019-2020", Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nói. |