Là tỉnh “sinh sau đẻ muộn”,ọngphttriểnvươntầreal sociedad – celta đang đứng ở vị trí khá khiêm tốn về quy mô kinh tế so với các tỉnh, thành trong cả nước, do đó đòi hỏi Hậu Giang phải “chạy” để vượt lên chính mình, vượt qua khó khăn, thử thách phía trước, “chạy” để theo kịp tỉnh, thành bạn.
Quyết tâm “chạy” để theo kịp các tỉnh, thành bạn đã được Hậu Giang thể hiện rõ trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch tỉnh được xem là kim chỉ nam, tuyên ngôn về định hướng, tầm nhìn mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển Hậu Giang. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh trong quy hoạch đều đón đầu, tận dụng tiềm năng, cơ hội mới, vượt trội để tăng tốc.
Tỉnh đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030 khoảng 9%.
Tỉnh nhỏ nuôi khát vọng lớn
Tỉnh đề ra 4 mục tiêu lớn, vừa là thách thức vừa thể hiện đúng tinh thần “Đổi mới, đột phá, quyết tâm, khát vọng” của tỉnh.
Cụ thể, mục tiêu đến năm 2030, Hậu Giang trở thành tỉnh phát triển khá về công nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây là thách thức lớn, bởi hiện nay quy mô kinh tế của tỉnh đứng thứ 13 ở vùng; muốn đạt mục tiêu này, Hậu Giang phải vươn lên vị trí thứ 7 trở lên.
Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 8%/năm; đến năm 2026-2030 tăng lên 10-12%. Như vậy cả hai giai đoạn, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt khoảng 9%, tăng 1,5 lần so với đồng bằng sông Cửu Long và 1,4 lần so với cả nước.
Từ một tỉnh phụ thuộc ngân sách Trung ương gần 70%, đến năm 2030, Hậu Giang phấn đấu cân đối được thu, chi ngân sách, không phụ thuộc quá lớn vào nguồn Trung ương hỗ trợ. Tốc độ thu ngân sách đạt cao nhất ở đồng bằng sông Cửu Long và vào tốp 10 cả nước. Tỉnh phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 150 triệu đồng, bằng 85% mức bình quân của cả nước và tương đương 103% mức trung bình của đồng bằng sông Cửu Long.
Không tự nhiên mà Hậu Giang đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu cao như vậy, tất cả đều dựa trên cơ sở những đánh giá về nguồn lực, tiềm năng, lợi thế mà tỉnh hiện có.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành nhiều lần nhấn mạnh: Chưa bao giờ Hậu Giang đứng trước thời cơ, tiềm năng, hội đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa như giai đoạn hiện nay.
Thiên thời là vừa qua Trung ương rất quan tâm phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL, trong đó Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 13 “về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Nghị quyết số 13 khẳng định vùng ĐBSCL có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; đồng thời, Trung ương đang tập trung nguồn lực để đầu tư cho vùng, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia, trong đó nhiều dự án đi qua tỉnh Hậu Giang như: tuyến cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau, tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Hậu Giang - Trần Đề (Sóc Trăng)…
Đó chính là nguồn sức mạnh ngoại lực quan trọng để tỉnh vận dụng, kết hợp với sức mạnh nội lực; và là thời cơ rất thuận lợi để Hậu Giang bứt phá vươn lên phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm.
Về địa lợi, Hậu Giang nằm ở trung tâm của các tỉnh Nam sông Hậu, 2 tuyến cao tốc: Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Hậu Giang - Trần Đề (Sóc Trăng) đi qua tỉnh với chiều dài 100km, chiếm 1/3 chiều dài của 2 tuyến cao tốc đó, mở ra không gian để tỉnh phát triển về công nghiệp, đô thị và logistics.
Vấn đề nữa là Hậu Giang có tiềm năng phát triển nông nghiệp và công nghiệp. Tỉnh có diện tích đất nông nghiệp đủ lớn với 134.000ha, với đất đai thổ nhưỡng rất trù phú, phù hợp với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ đây, tỉnh sẽ phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Về công nghiệp, Hậu Giang có diện tích đất công nghiệp và diện tích tiềm năng để được sử dụng đất công nghiệp khá lớn. Đặc biệt là vừa qua, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế hiện có, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt diện tích đất công nghiệp của tỉnh từ đây đến năm 2030 là 2.200ha, lớn thứ hai vùng ĐBSCL.
Về nhân hòa, truyền thống đoàn kết của tỉnh tạo nên sức mạnh tổng hợp. Lãnh đạo tỉnh có tư duy đổi mới, có tầm nhìn chiến lược, có quyết sách đúng đắn và đặc biệt là có khát vọng phát triển, trên cơ sở đó lan tỏa trong cả hệ thống chính trị, nhận được sự đồng thuận của người dân trong việc khơi thông các tiềm năng, thế mạnh để phát triển.
Các thành viên trong CLB rất nhiệt tình hỗ trợ nhau về kinh nghiệm sản xuất.
Khơi dậy khát vọng làm giàu của người dân
Tầm nhìn và khát vọng phát triển vươn mình đã được Hậu Giang thể hiện rõ trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Niềm tin về một Hậu Giang phát triển giàu đẹp, hiện đại, văn minh đã thôi thúc cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh cùng chung sức, đồng lòng, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, phát huy nội lực, tận dụng thời cơ, khát vọng phát triển, hành động quyết liệt để xây dựng, phát triển tỉnh Hậu Giang trở thành tỉnh khá trong khu vực và cả nước.
Sự đoàn kết, đồng lòng, ủng hộ của người dân là yếu tố quan trọng hàng đầu tạo nên sự phát triển ấn tượng của Hậu Giang những năm qua. Đúc kết bài học đó, Bí thư Tỉnh ủyNghiêm Xuân Thành cho rằngmuốn hiện thực hóa được mục tiêu phát triển đột phá đã đề ra thì phải dựa vào sức dân, lấy dân làm gốc, bởi “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Xác định “Dân giàu thì tỉnh mới giàu” nên Hậu Giang đặc biệt coi trọng việc phát huy tinh thần tự lực, tự cường, khơi dậy khát vọng làm giàu của người dân thông qua việc tuyên truyền, vận động bà con thực hiện hiệu quả phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu.
Sự ra đời của các câu lạc bộ (CLB) “Nông dân tỉ phú” là minh chứng rõ nhất cho khát vọng làm giàu của người dân Hậu Giang. CLB “Nông dân tỉ phú” đầu tiên của tỉnh thành lập ở xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp vào cuối tháng 3-2024, với 16 thành viên. Đa phần thành viên CLB đều có mô hình trồng sầu riêng, với tổng diện tích canh tác 48ha. Hiện, trong 16 thành viên đã có 50% đạt mức thu nhập trên 1 tỉ đồng/năm; còn lại đạt vài trăm triệu đồng/năm tùy diện tích.
Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ nhiệm CLB, cho biết: “Lợi thế của CLB là chúng tôi đều có cùng ngành nghề sản xuất nên rất dễ trong học tập, trao đổi kinh nghiệm. Do đó, khi vận động anh em vào CLB thì ai nấy cũng đều hào hứng tham gia. Theo kế hoạch thì định kỳ hàng quý các thành viên CLB sẽ cùng nhau sinh hoạt để thông tin về sản xuất, cùng nhau thảo luận để tìm ra những giải pháp chăm sóc vườn cây đạt năng suất, sản lượng cao”.
Ông Nguyễn Chí Lý, ấp Tân Thành, xã Tân Bình, thành viên CLB chia sẻ: “So với những thành viên khác thì thu nhập của tôi còn khiêm tốn, chưa đạt mức 1 tỉ đồng/năm. Với khát vọng làm giàu, trở thành tỉ phú đã thôi thúc tôi có động lực để chăm sóc vườn cây thật tốt, phấn đấu nâng mức thu nhập của gia đình đạt từ 1 tỉ đồng/năm như mọi người”.
Gia đình ông Lý hiện sở hữu vườn sầu riêng 7 năm tuổi, diện tích gần 1ha. Vụ thu hoạch vừa rồi với 10 tấn trái, gia đình thu về khoảng 600 triệu đồng. Đây là lần thu hoạch thứ ba kể từ khi vườn nhà ông cho trái.
“Do vườn cây chưa lâu năm nên năng suất thấp. Khoảng 2 năm nữa, số sầu riêng cho trái tiếp tục lớn thêm cộng với 40 gốc sầu riêng gần 2 năm tuổi tiếp tục cho trái thì tôi nghĩ thu nhập 1 tỉ đồng/năm không còn khó để đạt được”, ông Lý tiết lộ thêm.
Theo ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ nhiệm CLB, với mục tiêu sau 3 năm thành lập, 100% thành viên CLB sẽ đạt mức thu nhập 1 tỉ đồng trở lên, hiện nay các thành viên đều rất hăng say thi đua, hỗ trợ nhau phát triển sản xuất. Khi CLB hoạt động đạt hiệu quả không chỉ giúp các thành viên có đời sống kinh tế no ấm mà còn góp phần cho địa phương khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh sản xuất nông nghiệp, làm đa dạng sản phẩm hàng hóa nông nghiệp của địa phương, tạo thêm việc làm và góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nơi đây.
Mới đây, Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang tổ chức ra mắt CLB “Nông dân tỉ phú” tỉnh Hậu Giang với 47 thành viên, là những nông dân tiêu biểu có mô hình làm kinh tế đạt hiệu quả cho thu nhập cao, có nhiều đóng góp trong phong trào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Rồi đây, Hậu Giang sẽ có nhiều tỉ phú nông dân. Họ không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn làm giàu cho quê hương.
Khát vọng phát triển, khát vọng làm giàu đang lan tỏa mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Hậu Giang quyết tâm biến khát vọng thành hành động thiết thực và hiệu quả, biến tiềm lực thành nguồn lực, thành của cải vật chất, không để tiềm lực ngủ quên; phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa, nguồn lực con người, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, không trông chờ, ỷ lại, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể, góp phần đưa Hậu Giang ngày càng phát triển, người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, đời sống tinh thần và vật chất ngày càng nâng lên.
Thu hút nhiều nhà đầu tư lớn
Gần đây, Hậu Giang đã mời gọi, thu hút được một số nhà đầu tư lớn quan tâm, cam kết đầu tư tại tỉnh. Trong đó, Tập đoàn Vingroup cam kết đầu tư dự án Khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Mekong tại huyện Châu Thành, có tổng mức đầu tư xây dựng lên tới 6,2 tỷ USD (tương đương khoảng 151.000 tỷ đồng). Dự án xây dựng trên tổng diện tích 2.945ha, quy mô dân số dự kiến 300.000 người, phục vụ 10.000 lượt khách mỗi ngày.
Tập đoàn Sun Group quyết định triển khai dự án du lịch tại Lung Ngọc Hoàng (huyện Phụng Hiệp) để biến nơi đây từ vùng tiềm năng thành hiện thực phát triển du lịch. Trước mắt, đơn vị đã lên các ý tưởng, tới đây sẽ vạch ra kế hoạch đầu tư cụ thể vào từng thời điểm, phấn đấu đến năm 2027, tại Lung Ngọc Hoàng sẽ có sản phẩm du lịch do Sun Group đầu tư.
Một khi triển khai thực hiện 2 dự án đầu tư kể trên với quy mô rất lớn cả về diện tích và tổng mức đầu tư sẽ mở ra cơ hội lớn để tỉnh Hậu Giang phát triển bứt phá trong thời gian tới.
TRƯỜNG SƠN – CẨM LÌNH