Công chức Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị (Cục Hải quan Lạng Sơn) hướng dẫn DN làm thủ tục hải quan. (Ảnh: H.NỤ) Tại cuộc họp Hội đồng thẩm định đã cho ý kiến nhiều vấn đề xoay quanh hành vi vi phạm và thẩm quyền xử phạt được quy định tại dự thảo. Tiếp thu và giải trình, Ban soạn thảo cho rằng, căn cứ thực tế tổ chức thực hiện trong thời gian qua nên nhiều quy định xin được giữ như tên gọi tại dự thảo. Theo Hội đồng thẩm định, tại Điều 8 dự thảo quy định về khai thuế, Ban soạn thảo nên cân nhắc đối với hành vi không khai hoặc khai sai về tên hàng, chủng loại, số lượng, trọng lượng, khối lượng, chất lượng, trị giá, mã số hàng hóa, mức thuế, xuất xứ hàng hóa XNK trong quá trình làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK, nhưng người nộp thuế đã tự phát hiện và khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau thời điểm cơ quan Hải quan thông báo việc kiểm tra trực tiếp hồ sơ hải quan và trước thời điểm thông quan hàng hóa mà vẫn bị xử phạt 10% số tiền thuế thiếu là chưa khuyến khích người nộp thuế tự nguyện khai bổ sung khi phát hiện có sai phạm. Giải trình về vấn đề này, Ban soạn thảo cho biết, căn cứ Điều 29 Luật Hải quan 2014, Điều 20 Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định về việc khai bổ sung. Theo đó, người khai hải quan nếu phát hiện có sai sót trong việc khai thì sẽ được khai bổ sung trước thời điểm cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra trực tiếp hồ sơ. Như vậy, đối với những trường hợp mà người khai hải quan phát hiện có sai sót, khai bổ sung sau thời điểm cơ quan Hải quan thông báo việc kiểm tra trực tiếp hồ sơ hải quan thì theo quy định sẽ bị xử phạt về hành vi khai thiếu thuế. Cũng theo quy định tại Điều 107 Luật Quản lý thuế thì sẽ bị xử phạt với mức xử phạt 20% thuế thiếu. Tuy nhiên, Ban soạn thảo nhấn mạnh, để khuyến khích người khai hải quan tự phát hiện và thực hiện khai bổ sung tiền thuế khai thiếu trước cơ quan Hải quan kiểm tra thông quan hàng hóa thì dự thảo quy định mức phạt 10% là phù hợp. Theo đó, Ban soạn thảo xin được giữ nguyên quy định này như dự thảo. Quy định tại Điều 15 về quản lý kho ngoại quan, kho bảo thuế, địa điểm thu gom hàng lẻ, Hội đồng thẩm định đề nghị bỏ hành vi này theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 63 Luật Hải quan thì chủ hàng hóa được chuyển quyền sở hữu hàng hóa. Về ý kiến này, Ban soạn thảo xin được giữ nguyên như dự thảo. Ban soạn thảo lý giải, tại Khoản 4, Điều 88 Nghị định 08/215/NĐ-CP giao Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa đưa vào, đưa ra kho ngoại quan. Trên cơ sở đó, Khoản 8, Điều 91 Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định khi chuyển quyền sở hữu không phải làm thủ tục nhập, xuất kho ngoại quan nhưng phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan Hải quan. Như vậy, theo quy định thì chủ hàng được quyền chuyển quyền sở hữu hàng hóa gửi kho ngoại quan nhưng phải thực hiện thủ tục thông báo cho cơ quan Hải quan. Quy định này không hạn chế quyền được thực hiện việc chuyển quyền sở hữu của chủ hàng trong kho ngoại quan, do vậy, trường hợp không thực hiện quy định này thì sẽ bị xử phạt. Hội đồng thẩm định cho rằng, tại Điều 5 quy định về việc hàng hóa phương tiện vận tải phải được đưa vào lãnh thổ Việt Nam do sự kiện bất ngờ, sự kiện bất khả kháng thì phải thông báo cho cơ quan Hải quan… là chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Trong khi đó tại Điều 11 của Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định các trường hợp thuộc sự kiện bất ngờ, sự kiện bất khả kháng thì phải thông báo cho cơ quan Hải quan có thẩm quyền. Về vấn đề này, Ban soạn thảo cho biết, theo quy định của pháp luật hải quan, hàng hóa, phương tiện vận tải từ nước ngoài vào Việt Nam phải thực hiện việc khai hải quan. Dự thảo Nghị định quy định đối với những trường hợp do sự kiện bất ngờ, sự kiện bất khả kháng mà hàng hóa, phương tiện vận tải nước ngoài phải vào lãnh thổ Việt Nam thuộc trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính là phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Do đó, theo Ban soạn thảo, căn cứ thực tế tổ chức thực hiện trong thời gian qua nhận thấy, việc quy định phải thông báo với cơ quan Hải quan là cần thiết để cơ quan Hải quan có thể thực hiện nhiệm vụ giám sát hàng hóa, phương tiện vận tải, bảo đảm hàng hóa đang được quản lý trong tình trạng bất khả kháng nêu trên (không thuộc trường hợp XNK). Quy định này dựa trên cơ sở tham khảo quản lý của Hải quan các nước. Cũng cho ý kiến xoay quanh vấn đề thẩm quyền xử phạt, Hội đồng thẩm định cho rằng, tại dự thảo cần bổ sung thêm các trường hợp không xử phạt từ Khoản 2 đến Khoản 7, Điều 5 là chưa bảo đảm về nội dung, thẩm quyền theo Luật Xử lý vi phạm hành chính vì theo Điều 4 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Chính phủ quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh…trong từng lĩnh vực quản lý Nhà nước…”, không giao Chính phủ được quy định các trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính. Về vấn đề này, theo Ban soạn thảo, Điều 4 Luật Xử lý vi phạm hành chính giao Chính phủ quy định các hành vi vi phạm, trong đó có loại trừ các trường hợp không bị xử phạt vi phạm hành chính. Quy định tại dự thảo Nghị định phù hợp với thẩm quyền quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính. Cùng với đó, căn cứ Công ước Kyoto về đơn giản hóa hài hòa hóa thủ tục hải quan mà Việt Nam là thành viên có quy định nguyên tắc không xử phạt đối với những lỗi nhỏ. Dự thảo Nghị định chi tiết các trường hợp này là phù hợp với việc áp dụng điều ước quốc tế. Thực tế, quy định này đã được thực hiện ổn định trong nhiều năm qua tại các Nghị định 127. Do vậy, Ban soạn thảo xin được giữ nguyên như dự thảo. Theo Hội đồng thẩm định, việc dự thảo sửa đổi, bổ sung giới hạn chỉ có Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này là chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Hội đồng thẩm định nhấn mạnh, vì theo quy định tại Điều 38, Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì Chủ tịch UBND các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước ở địa phương. Giải trình ý kiến này của Hội đồng thẩm định, Ban soạn thảo cho rằng, quy định tại Điều 88 Luật Hải quan 2014, trong địa bàn hoạt động hải quan cơ quan Hải quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải. Cũng theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt của Hải quan theo các cấp từ công chức Hải quan đang thi hành công vụ, đến đội trưởng, Chi cục trưởng, Cục trưởng… Khi phát sinh hành vi vi phạm hành chính trong địa bàn hoạt động Hải quan thì những người có thẩm quyền xử phạt của cơ quan Hải quan đã thực hiện ngay việc xử phạt, không phát sinh trường hợp chuyển Chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện. Việc bàn giao cho cấp xã, huyện giải quyết dẫn đến việc xử phạt không kịp thời, ảnh hướng đến hoạt động XNK của cá nhân, tổ chức. Đối với những vụ việc vượt thẩm quyền của Cục tưởng Cục Hải quan thì mới cần chuyển cho UBND cấp tỉnh xử phạt theo thẩm quyền. Trường hợp vụ việc phát sinh ở dọc biên giới quốc gia, nơi chưa có tổ chức hải quan thì theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 127, việc xử phạt do Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển thực hiện. Trên thực tế qua công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan cũng không phát sinh những vụ việc phải bàn giao cho Chủ tịch UBND cấp xã và cấp huyện xử phạt. Do đó, Ban soạn thảo xin được giữ như dự thảo. |