Xin ông cho biết, đâu là yếu tố giúp các doanh nghiệp đánh giá cao hoạt động điều hành của tỉnh Đồng Tháp? Trong những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp tại tỉnh Đồng Tháp đã gặp không ít khó khăn, nhưng dưới sự gắn kết niềm tin giữa doanh nghiệp và chính quyền tỉnh đã giúp hai bên “gặp nhau” để cùng vượt khó. Việc được các doanh nghiệp đánh giá cao theo PCI 2022 và các năm trước đã giúp chúng tôi có thêm động lực để lãnh đạo, điều hành kinh tế địa phương ngày càng tốt hơn và phát triển cộng đồng doanh nghiệp bền vững hơn. Từ trước đến nay, Đồng Tháp luôn đặt vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh là khâu đột phá, trọng tâm trong mọi chỉ đạo, điều hành. Chủ trương của tỉnh là phải cải thiện môi trường đầu tư, thủ tục hành chính và lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả. Do đó, UBND tỉnh thường xuyên phát huy nhiều giải pháp đã đạt được hiệu quả như mô hình “cà phê doanh nhân”, chủ động tìm đến, lắng nghe tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp để vừa tháo gỡ vướng mắc, vừa cải thiện chính sách. Còn nhiều vấn đề chưa làm tốt, chưa hiệu quả thì sau khi được doanh nghiệp góp ý, chính quyền tỉnh sẽ học hỏi và khắc phục ngay vấn đề đó. Có thể nói, Đồng Tháp đã nỗ lực rất lớn và cùng với các doanh nghiệp Đồng Tháp để khai thác những lợi thế, khai thác các chính sách hỗ trợ để phù hợp với thị trường, phù hợp trong hoàn cảnh khó khăn và cùng nhau vượt qua. Tính năng động, sáng tạo và tiên phong của chính quyền tỉnh càng cần phải phát huy hơn nữa. Theo các chỉ số đánh giá tại PCI, vẫn còn những chỉ số chưa được hiệu quả, tỉnh sẽ có những giải pháp nào để khắc phục, thưa ông? Theo PCI 2022, tỉnh Đồng Tháp vẫn còn một số chỉ số chưa đạt như kỳ vọng như chỉ số về chi phí gia nhập thị trường, chi phí thời gian, thiết chế pháp lý... nên sẽ phải có nhiều giải pháp để tập trung khắc phục. Theo đó, chúng tôi sẽ phải đúc kết, đánh giá và phân tích cụ thể thực trạng và nguyên nhân vì sao chỉ số chưa cao. Sau đó, chúng tôi sẽ ban hành kế hoạch cụ thể, chi tiết và triển khai đến tất cả các ngành, các địa phương, kể cả các hiệp hội doanh nghiệp để thấy được vấn đề: những tiêu chí nào tốt thì phải phát huy, tiêu chí nào chưa tốt thì phải khắc phục với những giải pháp đột phá và sáng tạo. Kiên quyết trong năm tới, Đồng Tháp sẽ nỗ lực cải thiện mạnh hơn nữa do dư địa để thực hiện vẫn còn. Về hỗ trợ doanh nghiệp, theo ông, giải pháp mà địa phương thực hiện cần đặt trọng tâm vào những công việc nào? Mặc dù nền kinh tế khó khăn nhưng cộng đồng doanh nghiệp tại Đồng Tháp có sự phục hồi rất nhanh do các doanh nghiệp xuất phát từ sản xuất, chế biến, xuất khẩu trong các lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp như hoa quả, rau màu, lúa gạo, thủy hải sản… nên có nhiều lợi thế. Những tháng đầu năm 2023, ảnh hưởng của thị trường xuất khẩu là có nhưng đấy là ảnh hưởng trong ngắn hạn, các doanh nghiệp đã rất nhanh triển khai các giải pháp để khai thác mở rộng thị trường, tăng cường kết nối nên không xảy ra tình trạng đứt gãy cung cầu. Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Tháp cũng đã chủ động triển khai đầy đủ các chính sách hỗ trợ theo chủ trương của Chính phủ và địa phương để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi cũng như động viên về tinh thần, niềm lạc quan cho các doanh nghiệp trong khó khăn. Tỉnh cũng đã đi sâu vào tìm hiểu những khó khăn của doanh nghiệp liên quan đến tiếp cận vốn, đất đai, thị trường… để có giải pháp cụ thể hỗ trợ. Ngoài ra, tỉnh Đồng Tháp đặc biệt chú trọng đến cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp mới thành lập, giúp kết nối các doanh nghiệp này với cộng đồng doanh nghiệp hiện có để phát triển thành hệ sinh thái doanh nghiệp bền vững. Xin cảm ơn ông!
|