5 tháng, tín dụng mới tăng 3,17%Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/6, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà đã trả lời câu hỏi của phóng viên về giải pháp của NHNN trước thực tế một số ngân hàng đã hết room tín dụng. Báo cáo về hiện trạng tăng trưởng tín dụng hiện nay, Phó Thống đốc NHNN cho biết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mà NHNN đã công bố đầu năm là khoảng 14 - 15% và cũng đã phân bổ phù hợp cho từng tổ chức tín dụng có kế hoạch tăng trưởng trong năm. Đến hết tháng 5, tín dụng trong nền kinh tế đạt trên 12,8 triệu tỷ đồng, tương đương mức tăng khoảng 3,17% so với cuối năm 2022.
Đi sâu vào các nhóm ngân hàng, ông Phạm Thanh Hà cho hay nhóm ngân hàng thương mại nhà nước chiếm khoảng 44% thị phần tín dụng, đến nay tăng trưởng mới đạt khoảng 35% so với mức NHNN đã giao. Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần chiếm khoảng 44% thị phần thì đang đạt khoảng 50% so với mức được giao. Như vậy, vẫn còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng cho thời gian còn lại của năm. Mặt khác, Phó Thống đốc NHNN cũng chỉ ra rằng, so với thời điểm này của năm 2022, khi đó mức tín dụng tăng xấp xỉ 8% so với cuối năm 2021. Như vậy, trong điều kiện điều hành chính sách tín dụng của NHNN không thay đổi, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14%, năm 2023 là từ 14% đến 15%, mà tín dụng tăng thấp như vậy cho thấy rõ ràng sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu hơn đáng kể so với năm ngoái. Thực tế này, theo lãnh đạo NHNN, là từ 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, với các doanh nghiệp sản xuất, đầu ra tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn do thiếu đơn hàng dẫn đến nhu cầu vay vốn mới để sản xuất giảm sút. Thứ hai, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, một số doanh nghiệp có tình hình tài chính suy yếu, không có phương án khả thi dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu vay vốn của ngân hàng. Thứ ba, liên quan đến tín dụng bất động sản, nhiều dự án bất động sản gặp khó khăn, trong đó có khó khăn về pháp lý, ít có dự án mới triển khai, do vậy nhu cầu tín dụng đối với bất động sản cũng giảm sút. Từ các nguyên nhân này, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà nêu ra một số giải pháp. Trong đó, từ phía ngành Ngân hàng, sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng, các ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Nêu số liệu gần đây cho thấy lãi suất cho vay của các bảng vay mới bình quân hiện tại khoảng 9,07%, giảm 0,9% so với cuối năm ngoái, Phó Thống đốc NHNN tin tưởng rằng mặt bằng lãi suất đang giảm và sẽ còn giảm trong thời gian tới. Đối với khoản dư nợ hiện hữu, do khách hàng gặp khó khăn trong trả nợ cho nên NHNN đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN cho phép cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Phó Thống đốc khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai chính sách này để hỗ trợ cho doanh nghiệp có các khoản dư nợ hiện hữu. Bên cạnh đó, yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục tích cực cho vay đối với các khách hàng đủ điều kiện. Hệ thống ngân hàng huy động vốn để cho vay, nên những khách hàng đủ điều kiện chắc chắn sẽ tiếp cận được vốn tín dụng. Ngoài giải pháp từ ngành Ngân hàng, ông Phạm Thanh Hà nhấn mạnh giải pháp tăng sức cầu của nền kinh tế là rất quan trọng. Do đó, các bộ ngành cần tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn về thị trường tiêu thụ, thị trường bất động sản, qua đó nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp. Nhà ở xã hội mua bán không đúng đối tượng sẽ phải thu hồiTại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cũng đã trả lời về kết quả tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản. Theo Thứ trưởng, thời gian qua, tổ công tác về tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản đã đi các địa phương để đôn đốc cũng như lắng nghe các dự án gặp khó khăn, đồng thời rà soát các dự án khó khăn tại nhiều địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận… từ đó đã xác định được những khó khăn, vướng mắc về thể chế và thực thi các dự án. Đối với các vướng mắc về thể chế, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định, các bộ, ngành cũng ban hành nhiều thông tư để giải quyết. Cụ thể như Bộ Tài chính đã có giải pháp liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tháo gỡ theo Nghị định số 10 và Nghị định 08 của Chính phủ. Bộ Tài nguyên và Môi trường có đề xuất tháo gỡ những quy định pháp luật liên quan về đất đai. Ngân hàng Nhà nước cũng có nhiều giải pháp tháo gỡ liên quan đến nguồn vốn, đặc biệt nguồn vốn phục vụ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Bộ Xây dựng có nhiều đề xuất tháo gỡ, nhất là nghị định sửa đổi các nghị định trong lĩnh vực xây dựng, các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, đặc biệt là nhóm chính sách về nhà ở xã hội đã được đề xuất và sửa đổi theo Luật Nhà ở. Có thể nói các vướng mắc về mặt thể chế đến nay cơ bản đã được tháo gỡ, giải quyết, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho hay. Về mặt thực thi, vừa qua Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có công điện gửi các địa phương và bộ, ngành về việc tiếp tục rà soát, tháo gỡ những khó khăn của các dự án bất động sản, đặc biệt là dự án đang đầu tư dở dang phải có giải pháp kịp thời.
Liên quan đến tình trạng một số dự án nhà ở xã hội đang triển khai xuất hiện nhiều đối tượng trung gian "cò mồi" mua bán kiếm chênh lệch, Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thừa nhận thời gian qua một số dự án nhà ở xã hội ở Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Đăk Lăk... có hiện tượng trung gian, cò mồi lợi dụng khan hiếm để rao bán nhà nhằm trục lợi. Hành vi này vi phạm pháp luật về nhà ở xã hội. Để chấn chỉnh, Bộ Xây dựng có nhiều văn bản yêu cầu địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát để xử lý. Bộ cũng yêu cầu địa phương công khai điều kiện, tiêu chuẩn, diện được mua nhà ở xã hội; quản lý chặt việc mua bán; kiên quyết khắc phục nếu phát hiện trường hợp mua bán không đúng quy định. "Nếu phát hiện phải thu hồi nhà ở xã hội đã bán không đúng đối tượng" - Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh. |