Tuy nhiên, việc rà soát nhóm lao động tự do không có hợp đồng trên thực tế không hề dễ dàng. Một số địa phương đã có cách làm hay trong rà soát, thống kê đối tượng, hạn chế thấp nhất sai sót và trục lợi.
Lao động tự do chịu tác động nặng nề nhất
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết, trong quý I/2020, cả nước đã có 153.000 người nộp hồ sơ để hưởng chính sách thất nghiệp. Tuy nhiên, đó chỉ là phần nổi, một bộ phận lớn lao động tự do đang rất khó khăn đã phải nghỉ việc. Qua khảo sát cho thấy, lực lượng lao động này sẽ còn tăng, khả năng trong tháng 4 và tháng 5 số lượng này sẽ lên tới 2 triệu người. "Chắc chắn số lượng đối tượng lao động chịu ảnh hưởng sẽ còn tăng nếu dịch tiếp tục kéo dài. Con số có thể tăng lên tới 3,5 triệu người đến 4 triệu người trong thời gian tới" – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Đề cập tới gói hỗ trợ an sinh xã hội cho người lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, cái khó nhất lúc này chính là rà soát thống kê nhóm lao động tự do, lao động không có hợp đồng. Khó nhưng không thể không làm vì đây là nhóm đối tượng chịu tác động nặng nề nhất.
Bộ LĐ-TB&XH đang dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện rà soát đối tượng lao động chịu ảnh hưởng, đặc biệt là lao động tự do. Trong đó, lao động tự do sẽ được phân làm 7 nhóm cơ bản như: bán hàng rong; bốc vác; xe hai bánh, hay còn gọi là xe ôm; người thu rác; người bán vé số; người làm khu vực dịch vụ như nhà hàng; người làm cơ sở chăm sóc sức khỏe, làm đẹp.
Trên cơ sở những đối tượng như vậy, sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH sẽ có thông tư chi tiết hóa lên một bước nữa để cho các địa phương dựa vào đó khảo sát, đánh giá và lên danh sách cụ thể các đối tượng được hưởng.
Hiện nay, thống kê sơ bộ của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, cả nước có 1,4 triệu người có công, 10 triệu hộ nghèo và cận nghèo, 3,1 triệu đối tượng bảo trợ thuộc diện được hỗ trợ theo gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng an sinh xã hội. Tổng 3 nhóm đối tượng này là 14,5 triệu người. Riêng số lao động tự do, theo dự báo của các chuyên gia lao động, con số này có thể sẽ lên tới 4 triệu đến 5 triệu người. Đó là chưa kể các con số lao động có hợp đồng, phải tạm ngưng việc, giãn việc và số doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể gặp khó khăn. Tổng số đối tượng cần hỗ trợ sẽ là rất lớn, điều này sẽ tạo gánh nặng lên nguồn ngân sách, vì vậy cần sự chung tay của cả trung ương, lẫn địa phương.
Ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, trong số 7 nhóm đối tượng, thì lao động tự do là nhóm lao động gặp khó khăn nhiều nhất. Vốn kinh doanh không có nhiều, họ thường làm tới đâu ăn đong tới đó. Chính vì vậy, khi có dịch họ bị tác động trước tiên.
“Không có việc làm, không có thu nhập, cũng không có tích lũy nên cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều gia đình đã không thể duy trì mức sống tối thiểu nữa, chính vì vậy cần gấp rút hỗ trợ tiền cho họ” - ông Vinh nói.
Linh động, sáng tạo trong rà soát, thống kê
Tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh), một trong những phường có dân số đông trên 100.000 người, có khoảng một nửa trong số này là người nhập cư nên sự biến động nhân khẩu diễn ra hàng ngày. Do vậy, việc xác định nhóm đối tượng người lao động không có hợp đồng lao động bị mất việc làm là không hề dễ dàng. Tuy nhiên, trước đó TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai nhiều gói hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn. Ví dụ vào đầu tháng 4 vừa qua thành phố đã hỗ trợ gạo và tiền mặt cho gần 21.000 người bán vé số là hộ nghèo.
Theo đó, 320 phường, xã, thuộc 24 quận, huyện đã thống kê gửi con số này lên Sở LĐ-TB&XH thành phố. Tất cả các thông tin về đối tượng đều được liên thông với nhau để tránh việc thống kê trùng lặp. Việc trao tiền hỗ trợ được giám sát bởi tổ chức mặt trận ấp, khu phố tổ dân phố nhằm hạn chế thấp nhất sai sót và trục lợi. Trong đợt đó, phường Hiệp Bình Chánh đã thực hiện khá suôn sẻ, hiệu quả.
Tương tự, tỉnh Hà Tĩnh cũng đang thực hiện rà soát đối tượng hỗ trợ. Dự kiến có khoảng gần 180.000 đối tượng trong địa bàn tỉnh được hỗ trợ từ gói an sinh này. Để triển khai, Hà Tĩnh đang rà soát đối tượng, cùng với đó, có kế hoạch xây dựng hệ thống giám sát từ cấp thôn đến cấp tỉnh để tiến hành kiểm tra quá trình rà soát, lập hồ sơ và chi trả tiền. Tỉnh này cũng đang tính toán để ứng dụng công nghệ thông tin vào việc giám sát thực hiện. Theo đó, ngay cả trong điều kiện xã hội cách ly thì thông qua điện thoại người dân cũng có thể cập nhật được danh sách đối tượng, thực hiện giám sát, thông báo khi thấy có sai sót.
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, cần phải linh động, sáng tạo trong việc rà soát, thống kê. Ngoài việc thống kê theo hộ khẩu, tạm trú dài hạn, thì cần căn cứ vào các yếu tố khác. Ví dụ một lao động cắt tóc ở Hà Nội, anh ta có thể không đăng ký tạm trú, nhưng anh ta là hộ kinh doanh cá thể có nộp thuế môn bài. Vậy có thể căn cứ vào tờ khai nộp thuế môn bài đó để hỗ trợ họ.
Ngoài vấn đề rà soát, thống kê, linh động thì ông Lợi cũng cho rằng cần tăng cường sự giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, thanh tra và hội đồng nhân dân tỉnh cùng người dân tại địa phương.
"Sau khi lập danh sách cần công khai niêm yết danh sách các đối tượng được hỗ trợ từ 4 - 5 ngày ở địa phương để người dân giám sát, phản hồi. Nếu có sai sót cần loại bỏ ngay" - ông Lợi nói.
Bùi Tư