Thưa ông, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có những bước chuẩn bị gì cho đội ngũ thiết kế sách giáo khoa theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018? Sự khác biệt của hình ảnh minh họa trong sách giáo khoa lần này là gì, thưa ông?
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có sự chuẩn bị từ năm 2016 đối với đội ngũ thiết kế sách giáo khoa theo Chương trình mới. Việc tuyển chọn họa sĩ, thiết kế diễn ra trong vòng 1 năm. Đến năm 2017, chúng tôi đã có đội ngũ tác giả, biên tập viên, họa sĩ đáp ứng được đủ số lượng sách giáo khoa để đưa ra Hội đồng thẩm định Quốc gia.
Trong sự thành công của một bộ sách giáo khoa, thì vai trò của họa sĩ và tác giả viết sách là như nhau. Chúng tôi vẫn hay gọi nôm na là “kênh hình” và “kênh chữ”. Đội ngũ họa sĩ phải làm việc cùng với các tác giả để hiểu về nội dung, để có thể có những hình ảnh chuẩn xác, sinh động nhất.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tổ chức các cuộc thi tuyển chọn hình minh họa phù hợp nhất vào đầu năm 2018. Chúng tôi thành lập Hội đồng thẩm định nội bộ của Nhà xuất bản, với chất lượng đội ngũ chuyên gia tương đương với Hội đồng thẩm định Quốc gia; bởi có sự tham gia từ những họa sĩ, cán bộ quản lý đầu ngành Mỹ thuật như: PGS.TS. Lê Anh Vân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Xuân Nhị, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Việt Nam, họa sĩ Lương Xuân Đoàn là chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam và một số các chuyên gia gạo cội khác.
Sự khác biệt tiếp theo đó là đội ngũ họa sĩ được tập huấn bài bản, tham gia các lớp tập huấn minh họa sách giáo khoa mới.
Trước đây, sách giáo khoa theo chương trình cũ có hai màu đen, trắng; nhưng đến nay toàn bộ hình ảnh trong sách giáo khoa đều là 4 màu và không phải là những hình minh họa, đặc biệt với sách giáo khoa dành cho bậc THCS, THPT, tất cả đều là hình ảnh có bản quyền. Để làm được đều này, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã ký mua hợp đồng bản quyền hơn 20.000 ảnh bản quyền minh họa trên toàn thế giới; nhất là các môn học như Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học được sử dụng khá nhiều.
Như ông vừa trao đổi, kênh hình là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của sách giáo khoa mới. Vậy sự khác biệt rõ nhất ở đây là gì thưa ông?
Phần hình trong sách giáo khoa cũ (Chương trình 2006) chỉ có hai màu lõi (đen, trắng). Nhưng với sách giáo khoa mới có 4 màu lõi, đáp ứng đầy đủ nhận thức của học sinh. Chẳng hạn, với môn Sinh học, bên cạnh mô tả bằng chữ, phần hình ảnh với những màu sắc và tỷ lệ được cụ thể và nêu rất rõ ràng. Điều này giúp các em dễ dàng tiếp thu kiến thức tốt hơn. Với sách giáo khoa Mỹ thuật từ lớp 1 đến lớp 12, kênh hình thể hiện vai trò rất quan trọng, quyết định sự thành công và khác biệt của bộ sách so với trước đây.
Sách giáo khoa Mỹ thuật bậc THPT chia ra có chia ra những phần như: Sân khấu điện ảnh, Thời trang, Kiến trúc… Nếu không có hình ảnh phù hợp, thì học sinh không thể tiếp cận một cách tốt nhất được nội dung mà các Tổng chủ biên, chủ hiên, tác giả đưa vào sách giáo khoa.
Theo yêu cầu nội dung Chương trình mới, sách giáo khoa phải đảm bảo tính vùng miền, giới tính, quy định tôn giáo, sắc tộc. Vì vậy, kênh hình có vai trò rất quan trọng. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã thực hiện 8 thức tiếng dân tộc và 6 ngoại ngữ bên cạnh tiếng Anh. Chẳng hạn với sách dành cho đồng bào Ê-đê, sách tiếng Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Nga… có những ngữ liệu hình ảnh được lấy trực tiếp từ nước đó.
Để hoàn thành mục tiêu đặt ra, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có những hỗ trợ như thế nào đối với đội ngũ họa sĩ, đặc biệt tron giai đoạn tới?
Việc thành lập Hội đồng thẩm định nội bộ, với sự góp mặt của những chuyên gia đầu ngành trong giới Mỹ thuật, đã làm tăng sự giám sát, cũng như nâng cao chất lượng đội ngũ họa sĩ.