Xuất khẩu nông, lâm thủy sản tăng trưởng ngoạn mục trong 2 tháng đầu năm. Ảnh: Khánh Linh |
Mỹ là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam
Số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, 2 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 14,2 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, có tới 10 sản phẩm và nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng gồm: cà phê, cao su, gạo, hồ tiêu, sữa và sản phẩm sữa, thịt và phụ phẩm thịt, cá tra, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ, mây tre và cói…
Về thị trường xuất khẩu, Mỹ vươn lên là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt trên 2,3 tỷ USD (chiếm 28,2% thị phần), trong đó kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 69,9% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tại thị trường này.
Đứng thứ hai là thị trường Trung Quốc, đạt gần 1,3 tỷ USD (chiếm 16,2% thị phần) với kim ngạch xuất khẩu nhóm cao su chiếm tới 33,3% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Trung Quốc. Đây là con số khá ấn tượng bởi thời gian qua việc xuất khẩu sang thị trường này luôn gặp khó khăn do nước bạn đặt ra các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19.
"Thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đã có sự thay đổi về thứ hạng khi trong nhiều năm qua, Trung Quốc luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, rau quả luôn là mặt hàng chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất tại thị trường Trung Quốc" - báo cáo của Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.
Đứng thứ ba về thị trường xuất khẩu của Việt Nam là Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt gần 586 triệu USD; thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt khoảng 376 triệu USD.
Tiếp tục mở cửa thị trường, gỡ khó ở thị trường Trung Quốc
Theo Bộ NN&PTNT, nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản ở một số địa phương (Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Đắk Nông), Bộ NN&PTNT đã có văn bản triển khai thực hiện các giải pháp tăng cường tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin nhanh về giá cả, sản lượng và tình hình sản xuất, cung ứng các sản phẩm nông sản có thể gặp khó khăn trong tiêu thụ trước tình hình dịch bệnh; tham mưu Chính phủ các giải pháp tháo gỡ ùn tắc hàng hóa nông sản tại cửa khẩu.
Bộ này cũng đã tiếp tục phối hợp thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các nước Peru, Úc, Brazil, Mỹ, ASEAN, Nga, Séc… Tổ chức Tuần lễ Nông sản Việt Nam tại EXPO 2022 Dubai và làm việc với một số đối tác song phương như Ấn Độ, Argentina...
Đồng thời, tiếp tục hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện quy định Lệnh 248, 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Theo đó, đã có 1.763 mã sản phẩm được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp cho các doanh nghiệp của Việt Nam; đề nghị phía Trung Quốc cấp mã sản phẩm cho các doanh nghiệp xuất khẩu sắn lát, tinh bột sắn.
Tính đến 25/2, Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT) đã tổng hợp được 119 thông báo dự thảo về quy định về SPS của các nước thành viên thuộc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) có thể ảnh hưởng tới mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam; gửi cho các cơ quan liên quan xem xét góp ý.
Ở một diễn biến khác, đối với thị trường Nga, việc Nga bị loại ra khỏi hệ thống SWIFT (Hiệp hội Viễn thông Liên Ngân hàng và Tài chính Quốc tế), ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trước mắt sẽ không ảnh hưởng nhiều tới kim ngạch xuất khẩu thủy sản nhưng sẽ tác động tới tâm lý và giao dịch thương mại của doanh nghiệp đang làm ăn với thị trường này.