(CMO) “Đường đi khó” cụm từ mà những người cầm bút trẻ hay nghĩ đến khi bắt đầu một đề tài hóc búa. Nhưng sau những lần “chinh phục” con đường khó, những tác phẩm báo chí mang đậm hơi thở cuộc sống của chúng tôi đã xuất hiện trên mặt báo.
Cũng không biết từ ngày tháng năm nào, những phóng viên trẻ “máu nghề” của báo Cà Mau đã “đến với nhau” để trở thành những nhóm trong tác nghiệp, nhất là ở những đề tài “nóng”. Những tác phẩm báo chí hình thành từ trong rừng phòng hộ, vượt ra biển và về các vùng nông thôn, bất kể ngày hay đêm, mùa mưa bão hay nắng hạn. Mỗi chuyến đi là cả một hành trình, kỳ công của công tác tổ chức khai thác thông tin và lắm những chuyện vui, buồn để đời.
Tại cái bu-gi
Đó là câu chuyện “bất thình lình” nhất, nếu không làm việc nhóm khó lòng vượt qua. Anh phóng viên trẻ mà đồng nghiệp đặt cho bí danh “Phú tiểu” hăng máu với câu chuyện theo dấu hành trình đất mặt ruộng "chảy" về thành phố.
Sau hơn 10 ngày “đập muỗi” trên cánh đồng khét nắng ở Tân Lộc và An Xuyên, giữa tháng 4/2018, nhóm phóng viên được người dân địa phương cho hay ở khu vực xã Tân Phú, huyện Thới Bình cũng có trường hợp mua bán đất mặt ruộng tương tự.
21 giờ đêm hôm ấy, nhóm 3 người vác máy, lên xe hướng về Tân Phú. Đến 1 giờ sáng hôm sau, cả 3 thành viên của nhóm hoàn thành nhiệm vụ, quay về TP Cà Mau. Đến đoạn cầu Tân Bình, thuộc xã Tân Lộc Bắc, bất thình lình xe của "Phú tiểu" mất liên lạc.
Tôi và anh Vũ hoạ sĩ gọi điện cũng mất kết nối (vì đã tắt điện thoại trước đó khi tác nghiệp đêm, tránh ánh sáng phát ra từ màn hình điện thoại). Giữa đêm khuya, Quốc lộ 63 đoạn này vắng tanh, trước đó trên tuyến đường này lực lượng công an đã phục kích tóm gọn nhiều vụ “xin đểu”. Sinh nghi, lo lắng. Chúng tôi quay xe, pha đèn tìm đồng đội.
Những mô hình sản xuất hiệu quả, những nhân vật điển hình luôn được dư luận quan tâm. Ảnh: Hoàng Vũ
Cách đó chừng 2 cây số, anh chàng "Phú tiểu" đang vật lộn với “con bạch mã”, nó đang dở chứng không chịu nổ máy. Lâm vào cảnh khó "xơi", anh Vũ hổn hển dốc sức khởi động xe bằng cần đạp, rồi cứ thế 3 người thay phiên nhưng nó vẫn không chịu hoạt động. Ánh sáng lập loè từ những ánh đèn chong phía hiên nhà người dân ven đường soi rõ 3 gương mặt loáng mồ hôi. Chúng tôi bệt bên vệ đường thở hổn hển tìm cách đưa xe đồng đội cùng về.
Cái khó ló cái khôn, sẵn tiện mấy bụi chuối ven đường, chúng tôi quơ mấy tay chuối khô rồi cột vào ghi đông. Xe trước kéo "con bạch mã" chứng về nhà. Hôm sau "Phú tiểu" cho biết xe dở chứng là vì bị chết bu-gi.
Lần tác nghiệp đó cũng là lần phóng viên báo Cà Mau cung cấp đầy đủ thông tin, hình ảnh để ngành chức năng huyện Thới Bình tiến hành “phục kích” những dòng xe ben chở đất trên cánh đồng về hướng thành phố.
Ăn ong mùa mưa
Khoảng tháng 8/2016, Nhà báo Ngô Minh Toàn, Phó tổng biên tập gọi điện giao cho tôi nhiệm vụ về rừng U Minh xác minh thông tin trên một số tờ báo khác về việc mật ong U Minh 85% là giả, gây thất thiệt cho bà con xứ rừng. Chuyến xuyên rừng lần này, tôi đi cùng Nhà báo Huỳnh Lâm, chuyên gia săn ảnh ăn ong của báo ảnh Đất Mũi.
Phóng viên báo Cà Mau tác nghiệp trong phòng mổ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau. Ảnh: Băng Thanh
Đi rừng thì dễ, mùa nào tác nghiệp chẳng được! Nhưng chuyện ăn ong không đơn giản, phải xem tuỳ tình hình thời tiết. Bởi “các chuyên gia rừng” biết rất rõ đặc tính của loài ong.
Anh Huỳnh Lâm hỏi: "Sao mình không sử dụng ảnh tư liệu?". Thật vậy, ảnh tư liệu về ăn ong khắp cánh rừng U Minh nhiều vô kể. Nhưng đây là chuyến xác minh thật hư chuyện mật ong pha đường. Nhiều báo khác, thậm chí trên sóng VTV1 cũng cho rằng người gác kèo ong ở rừng U Minh để sẵn những thau nước đường cho ong ăn rồi chuyển hoá thành mật.
Giờ nhiệm vụ của phóng viên báo địa phương là phải vào tận rừng, gặp tận người gác kèo, ăn ong tận mắt và ghi lại hình ảnh, tâm tư người gác kèo khi sản phẩm của mình bị mang tiếng.
Trời cứ mưa sụt sùi, anh Nhờ, một tay ăn ong thứ thiệt ở HTX 19/5, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, cứ trăn trở: "Hai anh có ý tốt nhưng giờ chỉ có thể ra rừng ăn 1 kèo rồi vô. Mà mấy anh phải mặc áo mưa, đội nón lưới… Ong mùa mưa hung lắm!". Những thứ anh Nhờ yêu cầu phải mặc, phải đeo chỉ có mỗi một cái. Tôi và Nhà báo Huỳnh Lâm thống nhất để chủ kèo ong mặc.
Trước kèo ong đang trĩu mật, anh Nhờ luồn qua bờ sậy un khói và không quên lời dặn nép mình để chúng tôi tác nghiệp. Sau 2 làn khói trắng, ong túa ra đen cả vùng trời. Nó cứ tìm đến ống kính, máy ảnh và người bấm máy. Cảm giác đau buốt xuất hiện trên đỉnh đầu, phía sau gáy, phía lưng rồi hai tai… Anh Huỳnh Lâm ôm máy đưa lưng cho lũ ong đốt, tôi không chịu nổi, bỏ máy ảnh bắt đầu “phi” thật nhanh và không thể định hướng khi xung quanh là bạt ngàn rừng tràm.
Phóng viên Trần Chuyển, Đài PT-TH Cà Mau (thứ hai từ phải sang) trong chương trình phỏng vấn. Ảnh: Hoàng Vũ
Đàn ong bay kín một vùng trời phía đỉnh đầu. Âm thanh phát ra vo vo bên tai. Ùm một cái, tôi lặn mấy hơi sâu dưới làn nước phèn chát ngắt. Hai con mắt bắt đầu cảm giác thốn và rát. Nhưng cứ ngoi đầu lên là ong đốt. Phía sau, anh Nhờ kịp un khói đuổi bầy ong đang bám anh Lâm và cả hai bơi xuồng tìm người.
Hơn 40 mũi kim xuyên qua lớp áo, bám vào da, anh Huỳnh Lâm phải mất cả buổi giúp đồng nghiệp nhổ kim, tránh làm độc. Anh Nhờ vừa cười vừa nói mà không khỏi xót xa cho nghề gác kèo: "Ong đốt lần đầu đau điếng như anh vậy, nhưng nghề là phải chịu, riết rồi quen. Nhưng nghe ai nói mật mình vắt là giả, pha đường thì đau hơn ong đốt. Bởi thông tin thất thiệt ấy đã đẩy người ăn ong ở rừng vào tình cảnh éo le, muốn xuất được hàng hoá phải hạ giá thành".
Sau những thông tin khẳng định mật không có sự can thiệp về chất lượng ở xứ rừng cùng với kết quả xác minh, điều tra của ngành chuyên môn. Sau đó, những báo đã đưa thông tin mật giả đã bị xử phạt và cải chính.
Cứ thế đấy, mỗi tác phẩm báo chí ra đời đều có hoàn cảnh riêng. Những con chữ đã quen rồi trên từng bước chân tác nghiệp. Nó cứ trào dâng theo mạch cảm xúc và ghi lại cụ thể nhất những gì mắt thấy, tai nghe. Và điều quan trọng, chúng tôi đã nghe được những nhận định, đánh giá đúng về bản chất của những con chữ. Nghề báo với tôi là như thế, con chữ lại ra đời trên từng bước chân./.