Giao diện mới của Cổng Thông tin về Chương trình doanh nghiệp ưu tiên của Cơ quan Hải quan Malaysia |
Sáng kiến hợp tác thúc đẩy Chương trình Doanh nghiệp ưu tiên (AEO) của Hải quan Malaysia và MICCI nhằm mục đích đảm bảo an ninh, hiệu quả và tuân thủ trong chuỗi cung ứng, mang lại lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp rộng lớn hơn, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và các công ty tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Doanh nghiệp ưu tiên là một khái niệm được Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) đưa ra như một phần của Khung Tiêu chuẩn An toàn và Tạo thuận lợi Thương mại Toàn cầu của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO SAFE FoS) nhằm đảm bảo và tạo thuận lợi cho thương mại toàn cầu. |
Theo Cơ quan Hải quan Malaysia, Chương trình Doanh nghiệp ưu tiên, trước đó là Chương trình Khách hàng Vàng Hải quan (Customs Golden Client), được cơ quan này triển khai ở Malaysia từ năm 2010.
Chương trình này là một trong những biện pháp tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp liên quan đến các hoạt động thương mại, bao gồm doanh nghiệp: sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, dịch vụ kho ngoại quan và dịch vụ logistics.
Ông Christina Tee - Chủ tịch MICCI, cho biết: “Tại MICCI, ngoài vai trò là người ủng hộ và đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, chúng tôi còn chủ động tìm kiếm các chương trình, chứng nhận có lợi cho doanh nghiệp. Chương trình Doanh nghiệp ưu tiên không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp Malaysia của chúng tôi trở nên cạnh tranh hơn ở quy mô toàn cầu mà còn củng cố tầm quan trọng của an ninh và tuân thủ trong thương mại quốc tế. Bằng cách khuyến khích nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ hơn được cấp chứng nhận doanh nghiệp ưu tiên, chúng tôi có thể nâng cao đáng kể vị thế của Malaysia trên thị trường toàn cầu, cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ mở rộng hoạt động kinh doanh của họ ra ngoài biên giới Malaysia và thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực xuất nhập khẩu của chúng tôi”.
MICCI và Hải quan Malaysia đều cam kết thúc đẩy môi trường thương mại an toàn và hiệu quả ở Malaysia, cuối cùng góp phần vào tăng trưởng kinh tế của quốc gia và hội nhập thương mại toàn cầu. Hiện nay, đã có 97 nước đã triển khai chương trình này và những lợi ích chính mà các công ty được chứng nhận AEO có thể được hưởng bao gồm giải phóng hàng tự động, thông quan nhanh hơn, nộp thuế chậm và được công nhận trọn đời.
Đối với các doanh nghiệp Malaysia tham gia xuất nhập khẩu, việc được chứng nhận tư cách doanh nghiệp ưu tiên mang lại lợi thế cạnh tranh bằng cách cung cấp các giải pháp chuỗi cung ứng an toàn và đáng tin cậy hơn, có thể thu hút các đối tác và khách hàng toàn cầu.
Hiệu quả và tính bảo mật của chuỗi cung ứng được nâng cao đi kèm với chứng nhận doanh nghiệp ưu tiên tạo điều kiện tiếp cận dễ dàng hơn vào các thị trường quốc tế mới, hỗ trợ các công ty Malaysia mở rộng dấu ấn toàn cầu của họ.
Các thủ tục hợp lý và khả năng dự đoán liên quan đến trạng thái AEO có thể dẫn đến hoạt động chuỗi cung ứng hiệu quả hơn, giảm thời gian thực hiện và cải thiện mức độ dịch vụ. Ngoài ra, việc giảm chi phí liên quan đến xuất nhập khẩu và cải thiện hiệu quả hậu cần có thể dẫn đến tiết kiệm đáng kể, từ đó thúc đẩy lợi nhuận của công ty./.