Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38. (Ảnh: TTXVN/phát)
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 26/10, kết thúc Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 38 và 39 dưới sự chủ trì của Brunei, ASEAN đã ra Tuyên bố Chủ tịch, tập trung vào các nỗ lực xây dựng cộng đồng, ứng phó với COVID-19 và thúc đẩy phục hồi kinh tế hậu đại dịch.
Tuyên bố tái khẳng định cam kết tăng cường hơn nữa Cộng đồng ASEAN cũng như vai trò trung tâm và sự thống nhất của ASEAN nhằm giải quyết các thách thức chung cũng như thúc đẩy sự phục hồi toàn diện của khu vực hậu đại dịch COVID-19.
ASEAN nhắc lại cam kết hợp tác nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch thông qua 5 chiến lược rộng lớn của Khung phục hồi tổng thể ASEAN (ACRF), gồm tăng cường hệ thống y tế; tăng cường an ninh con người; tối đa hóa tiềm năng thị trường nội khối và hội nhập kinh tế sâu rộng hơn; tăng tốc chuyển đổi số toàn diện; tiến tới một tương lai bền vững và kiên cường hơn.
Về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, Hội nghị đã thảo luận về tình hình tại Biển Đông, trong đó một số quốc gia thành viên ASEAN bày tỏ quan ngại về các hoạt động cải tạo đất, các sự cố nghiêm trọng trong khu vực, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có nguy cơ phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.
Hội nghị cũng hoan nghênh mối quan hệ hợp tác không ngừng được cải thiện giữa ASEAN và Trung Quốc, tiến độ các cuộc đàm phán thực chất nhằm sớm đúc kết một Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) thực chất và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 theo mốc thời gian được hai bên nhất trí.
ASEAN hoan nghênh sự đóng góp của các nước thành viên và các đối tác bên ngoài cho Quỹ ASEAN ứng phó với COVID-19 với tổng số tiền cam kết lên tới 25,8 triệu USD, trong đó 10,5 triệu USD sẽ được trích để mua vaccine cung cấp cho người dân ASEAN và nhân viên Ban Thư ký ASEAN sớm nhất vào quý 1 và quý 2/2022.
Trong nỗ lực ứng phó với đại dịch, ASEAN đã thông qua Khuôn khổ Toàn diện ASEAN về nền kinh tế chăm sóc nhằm ứng phó với các cuộc khủng hoảng phức tạp và các thách thức ngày càng gia tăng; khuyến khích các nước thành viên và các đối tác bên ngoài, các tổ chức quốc tế và các nguồn khác đóng góp cho Kho dự phòng vật tư y tế khu vực (RRMS); thúc đẩy việc thành lập và sớm đưa vào hoạt động Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (ACPHEED).
Hội nghị cũng thông qua Khung hành lang đi lại ASEAN (ATCAF) nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động di chuyển thiết yếu của người dân giữa các quốc gia thành viên ASEAN, đồng thời bảo vệ sức khỏe cộng đồng; hoan nghênh Kế hoạch phục hồi du lịch ASEAN hậu đại dịch; tái khẳng định cam kết duy trì thị trường mở, đảm bảo dòng chảy thương mại và đầu tư liên tục, kết nối chuỗi cung ứng, nhất là các sản phẩm thiết yếu.
Hội nghị hoan nghênh việc thông qua “Lộ trình Bandar Seri Begawan: Chương trình nghị sự về chuyển đổi kỹ thuật số của ASEAN nhằm thúc đẩy nền kinh tế (BSBR)”; thông qua Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số trong khu vực; đánh giá cao việc thông qua Kế hoạch tổng thể kỹ thuật số ASEAN tới năm 2025 (ADM2025) nhằm biến ASEAN thành một cộng đồng kỹ thuật số và khối kinh tế hàng đầu.
Hội nghị hoan nghênh việc phê chuẩn Hiệp định ASEAN về Thương mại Điện tử và việc khởi động Kế hoạch công tác giai đoạn 2021-2025 về việc thực hiện Hiệp định này; ghi nhận Chiến lược Tiếp thị Du lịch ASEAN (ATMS) mới giai đoạn 2021-2025, trong đó đề ra lộ trình tiếp thị du lịch ASEAN trong 5 năm tới.
Hội nghị thông qua Khung Kinh tế Tuần hoàn ASEAN, trong đó đặt ra lộ trình hướng tới các mục tiêu dài hạn đầy tham vọng về khai thác hiệu quả tài nguyên, phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững; hoan nghênh sáng kiến của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN (AFMGM) nhằm phát triển Hệ thống Phân loại Tài chính Bền vững ASEAN./.