Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: PV Hướng đi nào khi nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào FDI?ưatìmđượcđộnglựcmớichotăngtrưởcâu lạc bộ bóng đá western united – central coast Sáng 10/1, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã tổ chức tọa đàm công bố báo cáo kinh tế vĩ mô 2018 và triển vọng 2019. Nhận định chung, VEPR đánh giá năm 2018, Việt Nam tiếp tục đạt các kết quả tích cực về phát triển kinh tế, hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Tăng trưởng GDP cả năm đạt 7,08%, mức cao nhất sau khủng hoảng tài chính cách đây 10 năm. Chỉ số PMI những tháng gần đây đạt mức cao, dẫn đầu ASEAN. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Đức Thành, xuất siêu lớn của khu vực FDI tiếp tục cho thấy vai trò đầu tàu thương mại của khu vực này. Mặt khác, nó cũng cho thấy điểm yếu của nền kinh tế và ít nhiều đặt ra câu hỏi về hướng đi của nền kinh tế trong tương lai khi đã quá phụ thuộc vào khu vực FDI. Về tỷ giá, trong phần lớn thời gian của nửa sau năm, tỷ giá VND/USD được neo ở sát mức trần 3% (so với tỷ giá trung tâm) do Ngân hàng nhà nước (NHNN) quy định. Việc sử dụng dự trữ ngoại hối để ổn định giá trị đồng VND như NHNN thực hiện trong thời gian qua không phải là giải pháp can thiệp lâu dài khi dự trữ ngoại hối của Việt Nam trên thực tế còn nhỏ về quy mô (theo tháng nhập khẩu). Bên cạnh đó, áp lực tỷ giá và lạm phát cùng với quy định hạn chế sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đã khiến lãi suất VND có xu hướng tăng đáng kể vào thời điểm cuối năm. Bình luận thêm về những kết quả tích cực của năm 2018, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng những điểm sáng của năm là Chính phủ tiếp tục tập trung cao để ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh toàn cầu có nhiều biến động, công tác chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, môi trường kinh doanh được cải thiện tuy hiệu quả chưa cao. Đổi mới sáng tạo, công nghệ 4.0 chưa bao giờ được nói đến nhiều như vậy ở Việt Nam. Chính sách hội nhập quốc tế, đa phương hoá được tiếp tục theo đuổi và thực hiện tốt. Đây là những điểm thể hiện rõ nỗ lực, đường hướng của Việt Nam trong hội nhập quốc tế, là động lực quan trọng cho sự phát triển dài hạn của Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề đối với Việt Nam hiện nay là chúng ta vẫn chưa tìm được động lực mới cho tăng trưởng. Những kết quả đạt được vừa qua có phần nhờ may mắn, mưa thuận gió hoà, hơn là do động lực mới. Do đó, vẫn có những nghi ngờ nhất định về tính thuyết phục của con số tăng trưởng. Năng lực cạnh tranh, năng suất lao động của nền kinh tế chưa được cải thiện nhiều. Tinh gọn bộ máy, giảm thâm hụt ngân sách để tạo “lớp đệm” tài khóa Về triển vọng 2019, VEPR nhận định trước tiến trình “bình thường hóa” chính sách tiền tệ từ các nước phát triển và nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang trong năm 2019, Việt Nam một mặt nên tiếp tục tiến trình cải thiện điều kiện thể chế - kinh tế trong nước, cải cách tài khóa và thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa DNNN, mặt khác nên tập trung chuẩn bị các điều kiện về tài khóa, tiền tệ và tỷ giá để sẵn sàng đối mặt với những bất ổn từ kinh tế thế giới. Các chính sách này có thể bao gồm điều hành tỷ giá một cách linh hoạt theo hướng hấp thụ bớt các cú sốc từ bên ngoài. Ví dụ, việc chủ động giảm giá VND một cách khéo léo giữa mức mất giá của CNY so với USD như VEPR từng đề xuất là cần thiết để Việt Nam thích ứng trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Hạ thấp đòn bẩy (deleveraging), điều tiết và giám sát chặt chẽ nhằm nâng cao sức khỏe của hệ thống tài chính. Tuy các ngân hàng đã có những nỗ lực xử lý nợ xấu trong thời gian qua, rủi ro về chu kỳ nợ xấu mới vẫn là tiềm tàng với hệ thống tổ chức tài chính của Việt Nam khi tín dụng đổ vào các lĩnh vực rủi ro như BOT, bất động sản, và gần đây là tín dụng tiêu dùng trên thực tế vẫn cao. Việc thu hồi vốn vay từ các dự án giao thông BOT, BT không hề đơn giản khi nhiều công trình từ các dự án này liên tiếp bị phát hiện sai phạm, khiến thời gian hoàn vốn của chúng có thể kéo dài hơn dự kiến. Thêm vào đó, tín dụng tiêu dùng đang dần trở thành một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng của hệ thống ngân hàng. Nếu không được giám sát chặt chẽ rất có thể chúng sẽ trở thành gánh nặng khó chi trả của các hộ gia đình khi nền kinh tế gặp phải các cú sốc. Do vậy, việc hạ thấp đòn bẩy và kiểm soát tín dụng với các lĩnh vực rủi ro là điều cần thiết nhằm tăng cường khả năng chống chọi của hệ thống tài chính. Đồng thời, VEPR cũng khuyến nghị thận trọng hơn với tăng trưởng cung tiền (khống chế trong khoảng 12%/năm). Tuy tổng phương tiện thanh toán có xu hướng tăng chậm lại trong những năm gần đây, tỷ lệ M2/GDP của Việt Nam hiện vẫn đạt khoảng 170%. Trong bối cảnh NHNN vẫn giữ lãi suất điều hành ở mức thấp, việc giảm tỷ lệ cung tiền sẽ giúp cho Việt Nam có thêm dư địa chính sách tiền tệ để ứng phó với những cú sốc từ bên ngoài. Đối với tài khóa, cần từng bước xây dựng đệm tài khóa. Khi nguồn vay ODA ngày càng hạn chế, Việt Nam phải dựa nhiều vào nguồn nội lực nhiều hơn cho đầu tư phát triển. Điều này chỉ có thể được thực hiện thông qua việc thu gọn, tinh giản và sắp xếp lại bộ máy chính quyền để giảm chi thường xuyên. Qua đó, thâm hụt ngân sách sẽ dần được cắt giảm và tạo được “đệm tài khóa” nhằm tăng cường khả năng thích ứng của nền kinh tế trước những biến động khó lường của kinh tế thế giới. Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, những thách thức chủ yếu với kinh tế Việt Nam năm 2019 là tình hình kinh tế thế giới bất ổn hơn, độ mở của kinh tế Việt Nam ngày càng lớn. “Không nền kinh tế nào có độ mở lớn như Việt Nam, tổng giá trị xuất khẩu và nhập khẩu lớn hơn hai lần GDP. Điều này khiến chúng ta chịu tác động từ bên ngoài nhiều hơn, mạnh hơn nếu xảy ra khủng hoảng. Cách đây 10 năm, khi khủng hoảng tài chính xảy ra, chúng ta ứng phó dễ dàng hơn, còn nay sẽ khó khăn hơn nhiều. Do đó, đòi hỏi chúng ta phải có chính sách ứng phó khủng hoảng, tạo lớp đệm để giảm tác động từ cú sốc bên ngoài nếu có”, ông Phạm Thế Anh nhận định. |
Hoàng Yến |