"Chìa khóa" để cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững | |
Kinh tế Việt Nam sẵn sàng phục hồi trong bối cảnh bất ổn của kinh tế toàn cầu | |
Thủ tướng đôn đốc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội |
Bà Caitlin Wiesen, Quyền Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam. |
Bà đánh giá như thế nào về sự điều hành của Chính phủ Việt Nam trong bối cảnh đại dịch thời gian gần đây?
2021 là một năm rất quan trọng và Việt Nam đã có chiến dịch tiêm chủng thần tốc và hiệu quả. Tôi còn nhớ vào thời điểm này năm 2021, Việt Nam có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhưng đến nay tỷ lệ này lại ở mức rất cao so với rất nhiều quốc gia trên thế giới. Nhờ đó, lòng tin của người dân đối với cách ứng phó của Chính phủ trong đại dịch ngày càng trở nên mạnh mẽ. Chính phủ đã đặt người dân là trên hết trong phòng chống dịch nên bằng nhiều nỗ lực để kiểm soát dịch bệnh, Việt Nam đã có thể mở cửa lại nền kinh tế.
Tuy nhiên, Việt Nam cần lưu ý đến những nhóm người dễ bị tổn thương. Vào tháng 8/2021, tỷ lệ nghèo đói của Việt Nam đã tăng một cách tạm thời. Quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam không chỉ chịu tác động từ khủng hoảng của đại dịch mà còn bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, giá nguyên liệu trong đó có giá dầu tăng cao bởi những căng thẳng xung đột quân sự Nga-Ukraine. Vì thế, nhiều tổ chức quốc tế đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng như các quốc gia khác trong năm 2022, nhưng theo tôi, kinh tế Việt Nam vẫn giữ được bền vững.
Mặc dù chịu nhiều khó khăn như vậy, nhưng về phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vẫn đưa ra những cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) là sẽ không có phát thải khí nhà kính vào năm 2050. Không chỉ đưa ra cam kết mà Chính phủ Việt Nam còn ban hành các kế hoạch, hành động cụ thể, tiêu biểu nhất là thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.
Theo bà, tăng trưởng xanh và bền vững đóng vai trò như thế nào đối với việc phục hồi kinh tế của Việt Nam?
Tiến trình phục hồi kinh tế của Việt Nam cần hướng đến tăng trưởng xanh và bao trùm để đạt được mục tiêu kép, bao gồm kích thích tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ các hộ gia đình dễ bị tổn thương, những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Những vấn đề này cần có nguồn lực và cách huy động nguồn lực tài chính.
Vì thế, Liên hợp quốc và UNDP sẵn sàng cùng Việt Nam huy động nguồn lực tài chính. Bởi đây là nguồn lực tài chính tổng thể, từ cả tư nhân và Chính phủ. Để làm được việc này thì một trong những giải pháp là phải tăng cường năng lực của doanh nghiệp trong nước để tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu, đóng góp cho mục tiêu phát triển bền vững. Các cơ quan quản lý cần thúc đẩy phát triển thị trường nội địa bằng việc cung cấp các khoản tài chính dài hạn cũng như khuyến khích và nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước thông qua đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ và đổi mới.
Ngoài ra, Việt Nam cần lưu ý về bảo trợ xã hội để không ai bị bỏ lại phía sau, cũng như phải chuyển đổi về năng lượng một cách bình đẳng. Chính phủ Việt Nam nên đầu tư vào các dự án chuyển đổi năng lượng và kích hoạt các hoạt động thích ứng với khí hậu. Đối với tăng trưởng bao trùm, Chính phủ cần đề ra một cách tiếp cận toàn diện để cải thiện việc phân bổ nguồn lực tài chính dựa trên tình hình phát triển kinh tế - xã hội và tăng nguồn cung tài chính trong nước.
UNDP mong muốn được hợp tác chặt chẽ với Chính phủ và các đối tác phát triển để đẩy nhanh các hành động nhằm đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững, hướng đến xây dựng Việt Nam xanh, hòa nhập và thịnh vượng.
Theo bà, các doanh nghiệp có trách nhiệm kinh doanh như thế nào nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ?
Xu thế của các nước phát triển là trong các chuỗi cung ứng yêu cầu kinh doanh có trách nhiệm, kinh doanh đảm bảo quyền con người. Việt Nam đã tham gia một số Hiệp định Thương mại tự do (FTA), những thỏa thuận thương mại này sẽ giúp Việt Nam tạo ra khuôn khổ pháp lý quan trọng để doanh nghiệp kinh doanh có trách nhiệm, từ đó thu hút hợp tác và đầu tư nước ngoài. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam nên học tập kinh nghiệp từ các quốc gia đã áp dụng chính sách tăng cường năng lực của doanh nghiệp trong kinh doanh có trách nhiệm, đáp ứng theo chuẩn mực quốc tế.
Xin cảm ơn bà!