Kết quả sản xuất,ồisinhquotdựánhóachấbảng xếp hạng bolivia kinh doanh của Nhà máy Đạm Hà Bắc đã được cải thiện |
Những tín hiệu vui
Báo cáo của Vinachem cho thấy, 4 dự án hóa chất (Nhà máy Đạm Ninh Bình, mở rộng và cải tạo Nhà máy Đạm Hà Bắc, Nhà máy DAP số 2 - Vinachem và Công ty Cổ phần DAP - Vinachem) đã đi vào hoạt động, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao chất lượng và đa dạng chủng loại sản phẩm; kết quả sản xuất, kinh doanh của các DN được cải thiện. Đặc biệt, Công ty Cổ phần DAP-Vinachem, một trong 4 dự án rất có triển vọng thoát ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ.
Chia sẻ về nỗ lực vượt khó, Ban lãnh đạo Công ty DAP-Vinachem xác định, trước khi nhận được sự hỗ trợ bên ngoài, tự thân công ty phải đã làm tốt công tác quản trị DN, triệt để tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường. Cùng đó, cân đối chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ để không làm tăng tồn kho sản phẩm, tránh ứ đọng vốn; điều hành giá bán linh hoạt theo thị trường và từng đối tượng khách hàng ở cả 3 kênh tiêu thụ chính… Công ty đã rà soát, tính toán và xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh năm 2017 theo mục tiêu phấn đấu không lỗ.
Theo đó, trong năm 2017, sản lượng DAP sản xuất và tiêu thụ đạt 268.000 tấn, tăng lần lượt 213,1% và 159,7% so với cùng kỳ năm 2016. Tổng doanh thu dự kiến đạt 2.092,20 tỷ đồng, tăng 158,6% so với cùng kỳ 2016, lợi nhuận ước thực hiện trong năm 2017 là hơn 1,20 tỷ đồng. Từ tháng 8/2017, Nhà máy Sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng đã có lãi trong kỳ khoảng 4 tỷ đồng, tháng 9/2017 ước tính lãi hơn 6,7 tỷ đồng và dự kiến cuối năm 2017 có lãi lũy kế.
Nhà máy Đạm Ninh Bình đã hoạt động trở lại từ đầu năm 2017 |
Đối với các dự án còn lại, kết quả sản xuất, kinh doanh của các DN được cải thiện, chi phí biến đổi đã thấp hơn giá bán từ 52.000 - 892.000 đồng/tấn. Cụ thể, 4 nhà máy gồm: Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai hoạt động tới 80% công suất. Nhà máy DAP Đình Vũ và Lào Cai đã đa dạng hóa sản phẩm với 64% đạm xanh giá trị cao, có lãi 600.000 đồng/tấn.
Với kết quả trên, ông Nguyễn Gia Tường - Tổng giám đốc Vinachem - khẳng định: Cả 4 đơn vị đều tiến hành đồng bộ hàng loạt các giải pháp tiết giảm chi phí. Tập đoàn coi đây là giải pháp căn cơ để vượt qua khó khăn và kiên quyết chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc, bài bản. "Trong số 4 đơn vị, có 2 đơn vị hoàn thành tốt các chỉ tiêu tiết giảm chi phí đã đăng ký. Tổng tiết giảm chi phí trong 9 tháng năm 2017 của Công ty Cổ phần DAP – Vinachem gần 61 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Đạm Hà Bắc và Hóa chất Hà Bắc hơn 96 tỷ đồng" - ông Nguyễn Gia Tường cho biết.
Tiếp tục cắt lỗ và thoái vốn
Tại cuộc họp triển khai xử lý các dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương cần có nỗ lực cụ thể giải quyết các vướng mắc của các dự án tồn đọng lâu nay. Theo Bộ trưởng, xử lý các dự án này rất phức tạp nhưng "dù có khó khăn đến mấy, chúng ta vẫn phải làm" - Bộ trưởng quán triệt.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) - đối với 4 dự án hóa chất, phương án xử lý là tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn theo chỉ đạo tại Quyết định số 1468/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương. Trong đó, đã đưa ra phương án xử lý riêng đối với từng dự án, DN.
Với trách nhiệm quản lý ngành, Cục Hóa chất, Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) đang tích cực đồng hành để xử lý, giải quyết cũng như kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét. Ông Nguyễn Sỹ Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - chia sẻ, phương án để xử lý là chú trọng nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; đồng thời làm chủ công nghệ, bảo đảm chạy đủ tải, dài ngày, tiêu hao thấp, hạn chế chi phí. "Thời gian qua, Tập đoàn đã thành công trong tiết giảm chi phí, cơ cấu lại bộ máy, năm 2018, cần quyết liệt hơn nữa. Đối với Công ty Cổ phần DAP – Vinachem, cần tập trung thoát khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ ngay trong quý I/2018" - ông Cường khẳng định.
Để tăng tốc cho năm 2018, theo ông Nguyễn Gia Tường, nhiệm vụ còn rất nặng nề, đòi hỏi những nỗ lực vượt bậc. Lãnh đạo Tập đoàn đã yêu cầu các đơn vị cần thực hiện nghiêm túc Đề án Tái cơ cấu và chương trình hành động, các giải pháp linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh, điều tiết sản xuất, tăng cường tiêu thụ sản phẩm nội bộ đã đặt ra. Cụ thể, gia hạn tiến độ hoàn thành quyết toán đối với 3 dự án: Nhà máy Đạm Ninh Bình; Dự án Cải tạo và mở rộng nhà máy Đạm Hà Bắc; Dự án DAP số 2 - Vinachem đến hết quý I/2018.
Bộ Công Thương quyết tâm, chủ động xây dựng kế hoạch hành động để xử lý vấn đề của các dự án, DN với thái độ và tinh thần tích cực, cầu thị ở mức cao nhất theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, tiếp tục đề xuất kiến nghị các đơn vị chức năng của Bộ hỗ trợ, đồng hành cùng Vinachem và các DN trong thời gian tới, phấn đấu đưa các DN cắt lỗ sớm nhất. "Số lỗ năm 2017 đã giảm đáng kể so với năm 2016, làm tiền đề tốt cho năm 2018. Qua đó, nâng cao sức cạnh tranh, sớm có lãi để triển khai việc thoái vốn, cổ phần hóa theo Đề án xử lý và Đề án tái cơ cấu Vinachem giai đoạn 2017 - 2020" - ông Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh.
Sau khi giải quyết khó khăn, các đơn vị hoạt động hiệu quả của Vinachem sẽ tiến hành thoái vốn 100% và cố gắng thực hiện sau năm 2018. |