【xep hang nhat ban】Thầy học tôi

 人参与 | 时间:2025-01-10 20:09:08

Báo Cà MauCậu ngồi trên chiếc xe lăn, mặt rạng niềm vui mà trong khoé mắt lại rưng rưng. “Thằng Bé con anh chị Sáu đó hả. Mẹ khoẻ không cháu? Giời! Bốn mươi bẩy năm rồi còn gì. Năm ấy… À năm 1967 - Vàm Lũng - rừng đước Mũi Cà Mau - Tàu 69…”, giọng ông đứt quãng nghẹn ngào.

Cậu ngồi trên chiếc xe lăn, mặt rạng niềm vui mà trong khoé mắt lại rưng rưng. “Thằng Bé con anh chị Sáu đó hả. Mẹ khoẻ không cháu? Giời! Bốn mươi bẩy năm rồi còn gì. Năm ấy… À năm 1967 - Vàm Lũng - rừng đước Mũi Cà Mau - Tàu 69…”, giọng ông đứt quãng nghẹn ngào.

Đâu chỉ vì sức kiệt của người thương binh 2/4 bao năm ròng phải bươn chải lo cho cuộc sống gia đình, lại thêm di chứng của căn bệnh tai biến mạch máu não mấy năm nay, nỗi xúc động của ông khi mỗi lần gặp lại người của chiến khu rừng đước Mũi Cà Mau - bến của Ðoàn tàu Không số là ông không nén nổi lòng mình. Với ông, nơi ấy là quê hương máu mủ ruột rà. Người “con giai Thành Nam” ấy là Phan Hải Hồ, chiến sĩ báo vụ trên con Tàu 69 anh hùng của Ðường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Nhà báo Nguyễn Bé - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (thứ hai từ trái sang) trong lần gặp gỡ đầy xúc động với Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân  Phan Hải Hồ tháng 8/2015.               Ảnh: THUỲ TRÂM

Phó Giáo sư - Tiến sĩ, Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo Nguyễn Thành Lợi tuổi mới bốn mươi cũng là “giai Thành Nam” biết nỗi mong mỏi của tôi muốn về Nam Trực - Nam Ðịnh thăm một người cậu kháng chiến, anh đã hăm hở giục tôi đi, mặc dù trời Hà Nội đang dông mưa mù mịt. Chính anh làm “bác tài” cho tôi. Nhưng về gần Nam Ðịnh, tôi thủ thỉ với Lợi: “Ðã làm ơn thì ơn cho trót… Sẵn em cho anh tới thắp hương bàn thờ cụ Nguyễn Bính luôn nghen". Lợi: “OK, tiện đường thôi mà anh”. Gần tới gian tưởng niệm nhà thơ, tôi hỏi Lợi: “Anh nhớ phải đi ngang chợ Viềng”? Lợi sốt sắng: “Thì đấy, khoảng đất trống trước mặt mình kìa anh”. Và Lợi xướng luôn: “Chợ Viềng mỗi năm chỉ có một phiên/Làm cho trai gái mất tiền trầu cau”.

Mấy câu ca dao hóm hỉnh chân chất này có lẽ đã gieo vào hồn của “ông vua thơ tình chân quê” Việt Nam. Tôi chợt nhớ tới chị Hồng Cầu - Nguyễn Bính Hồng Cầu, con gái nhà thơ. Chị Cầu học trên tôi mấy lớp, thuộc Trường Trung học Kháng chiến Lý Tự Trọng Khu Tây Nam Bộ. Lần đầu tôi gặp chị Cầu ở bìa rừng U Minh Hạ. Nghệ sĩ - Biên đạo múa Huyền Thống của Ðoàn Ca - Múa - Nhạc Tây Nam Bộ nắm tay tôi dắt lại trước mặt chị Hồng Cầu: “Hai đứa kết nghĩa chị em đi. Cũng là con một với nhau mà". Bà cười khanh khách: "Chị Cầu là con của Nhà thơ Nguyễn Bính và Thi sĩ Hồng Châu đó cháu”. Tôi mắc cỡ bởi cái thơm lây bất ngờ ấy. Và bà cao hứng: "Sao đặc đầy trời sao sáng đêm/Sao đêm chung sáng chẳng chia miền/Trời còn có bữa sao quên mọc/Tôi chẳng đêm nào chẳng nhớ em (Ðêm sao sáng - Nguyễn Bính).

Nghe xong tôi ngẫm ngợi hoài. Và càng đi vào chiến tranh ác liệt khi mà: Miền Nam kêu gọi ta/Vượt Trường Sơn vang vọng ra/Ôi tiếng quê hương thúc giục ta (Nhạc sĩ Lưu Cầu). Khi: Miền Nam gọi, miền Bắc trả lời: Lúa không thiếu một cân, quân không thiếu một người - Nhiễu điều phủ lấy giá gương... Tôi mới thắm thía: “Ðêm sao sáng” của Nguyễn Bính là khát vọng của thống nhất non sông - Nam Bắc sum họp một nhà để không còn cảnh “ngày Bắc đêm Nam”. Lời Bác Hồ như Hịch núi sông: “Dù có đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải dành cho được độc lập, tự do”. Lớp lớp thanh niên miền Bắc vào Nam ra trận. Cậu Ba Hải Hồ của tôi - anh giai Thành Nam - là một trong hàng triệu thanh niên ấy.

Ðêm khuya cuối năm trong rừng đước đại ngàn. Tôi giật mình tỉnh giấc bởi các loại súng liên hồi từ phía biển Vàm Lũng. Pháo sáng đỏ rực một góc trời. Hừng đông, máy bay đủ loại như bầy quạ đen quần lượn dọc theo bờ biển từ cửa Bồ Ðề tới Mũi Cà Mau, bom, pháo xé toát những mảng rừng xanh thẳm.

Trận địa phòng không của ta ở cửa Rạch Gốc nã đạn quyết liệt lên từng tốp máy bay giặc. Một chiếc trúng đạn rơi gần đó. Mấy chiếc khác bị thương tháo chạy. Nhưng máy bay của chúng mỗi lúc một đông hơn như bầy hổ đói vồ mồi. Các chú bộ đội trong đơn vị hậu cần - nơi tôi theo mẹ đang công tác ở đó, nói: “Tụi này trúng kế rồi. Mình bắn để kéo nó ra xa chỗ con tàu vào cửa đó mà”. Lúc đó còn nhỏ tôi đâu biết tàu gì.

 Buổi chiều trong căn cứ xa vùng chiến sự nên vẫn yên tĩnh. Nước ròng - thuỷ triều xuống như mọi hôm, tôi lại vào rừng bắt cua biển. Hôm ấy cua nhiều lắm. Càng bắt tôi càng ham. Cứ theo triền kinh đi mãi, chợt Trạm Quân y hiện ra. Các cô chú ở đây cưng tôi lắm nên tôi ghé chơi xin nước uống.

Khi bước vô đơn vị, tôi thấy mấy chú thương binh nặng vừa mới đưa về. Thấy tôi, mấy chú như giật mình, vây lại hỏi tới tấp: “Ai đưa cháu qua đây? Cháu qua với ai?”… Tôi bị bất ngờ hồn vía lên mây. Kế đến cậu Ba Ðiệp, thủ trưởng Trạm Quân y đến bên tôi nghiêm giọng: “Con lỡ thấy các chú thương binh rồi nên vì bí mật con không được về. Cậu sẽ nhắn chị Sáu (tức mẹ tôi) mang mùng mền, quần áo qua cho. Ở đây! Ở đây! Phải ở đây! À, mà ở đây học luôn!".

Vậy là từ đó tôi trở thành học trò bất đắc dĩ. Ban đầu thầy là những cậu thương binh nhẹ. Về sau mấy cậu thương binh nặng gần lành sẹo cũng dạy học cho tôi. Trong những người thầy đó có cậu Ba Hồ. Ông chống tó nhấc từng bước trên sàn gỗ đước đến nhà ăn tập thể dạy cho tôi và Thu, con gái cô Tư Nuôi (do bao năm trời công tác ở quân y cô chỉ làm cấp dưỡng nên ai cũng gọi cô là Tư Nuôi). Cô Tư nhân hậu, ít nói mà chịu thương chịu khó, kỹ lưỡng, ân cần. Cô phục vụ thương binh còn hơn lo cho người thân cật ruột của mình. Dù nhọc nhằn mưa nắng, muỗi mòng cô cũng vượt qua, miễn sao có cơm ngon canh ngọt cho thương bệnh binh cô mới yên lòng…

Thu và tôi đứa lên bảy, lên tám, ngoài giờ học cùng theo các cô chú bắt ốc, bắt cua, câu cá cải thiện bữa ăn cho thương binh. Rồi các cậu thương binh liền da thắm thịt cũng lần lượt đi mò cá, bắt cua với chúng tôi. Cậu Ba Hồ, cậu Tám Hiếu thì hăng lắm, cứ nằng nặc theo bơi xuồng hay giữ xuồng khi hai đứa tôi lên rừng, hoặc bắt được cua thì đưa hai cậu trói trong sự thích thú.

Gần năm mươi năm rồi mà chúng tôi thấy như mới đâu đây: Cậu Ba Hồ mất một chân, cột cái ống quần lủng lẳng ngồi sau lái bơi xuồng. Cậu Tám Hiếu cánh tay mất một đoạn xương treo lòng thòng trước ngực lội ột ệt trong bùn lầy, tay còn lại xách cua tiếp tôi. Còn nữa, những thầy học của tôi: Cậu Giềng (Ninh Bình) bị bom bi khắp người. Cậu Báu (Hải Phòng) mắc chứng đau dạ dày oằn oại do thiếu thuốc. Cậu Trọng (Thanh Hoá) sốt rét da, mắt vàng vọt…

Chúng tôi không làm sao có thể quên được những người thầy bộ đội trên con tàu không số lại mang tên Tàu 69 ấy. Trên biển thì tàu không mang số nhưng đối với sĩ quan và chiến sĩ trên tàu thì tàu có số: Chi bộ của con tàu thứ 6 này có 9 đảng viên nên gọi là Tàu 69. Cậu Tám Hiếu (Sóc Trăng) có khiếu kể chuyện tiếu lâm. "Anh giai Thành Nam” Hải Hồ đẹp trai, hát hay, học lớp 9/10.

Tàu 69 có tiểu sử bi tráng nhưng rất anh hùng: Tàu vào Vàm Lũng mang 70 tấn vũ khí cho chiến trường. Lúc trở ra bị cả bầy tàu và máy bay giặc bủa vây. Cùng với hoả lực trên bờ chi viện, Tàu 69 đã bắn cháy 2 tàu và làm bị thương mấy chiếc khác của giặc. Mặc dù bị mấy trăm vết đạn nhưng nó vẫn vào được bến cảng giữa rừng - bến cảng của ý chí và nghị lực phi thường từ những người lính Ðường Hồ Chí Minh trên biển. Bến cảng ấy là bến cảng của lòng dân Ngọc Hiển - Cà Mau kiên trung bất khuất.

Kẻ thù có nhiều hạm tàu, đại bác, máy bay nhất hành tinh phải bất lực mặc dù mấy năm ròng lùng sục, theo dõi, bủa vây mà chẳng làm được gì con tàu bất khuất ấy. Không một phương tiện máy móc, chỉ bằng bàn tay và khối óc thông minh của người lính, tàu vẫn được lên nề, giặm vá trơn tru, lành lặn chờ thời cơ về lại Hải Phòng thân yêu.

Tôi nhớ cậu Kiểu (Quảng Bình) mới 19 tuổi, thẹn thùng nhất đơn vị mà gan dạ kiên cường. Cậu hy sinh ngay vàm sông để đánh chặn không cho tàu giặc luồn vào căn cứ nơi cất giấu con tàu. Cậu Loan (Hải Phòng) - Hoàng Thanh Loan chiến đấu với tốp lính giặc do máy bay đổ quân để bảo vệ con tàu đến viên đạn cuối cùng. Kẻ thù bắt sống cậu Loan rồi mổ bụng moi gan chỉ cách con Tàu 69 không đầy 500 m mà chúng chẳng biết gì. Vì khoảnh khắc quyết liệt ấy, cậu dành để chửi vào mặt chúng chứ chẳng hề cho chúng biết gì về thành luỹ phía sau mình.

Cậu Loan ơi, con nhớ hồi liên hoan mừng cụ Bông Văn Dĩa được phong anh hùng, cậu hát thật say sưa: Ôi miền Nam đau thương vang tiếng kèn xuất trận/Máu sôi lòng uất hận giục lòng con lên đường…Khúc hát ấy như hãy còn vang vọng trong ngày Tổ quốc phong danh hiệu anh hùng cho cậu. Ôi bến cảng giữa rừng ngày ấy giờ như là Bến đợi của người Tân Ân - Ngọc Hiển nhớ về những người lính trên những con tàu không số năm xưa.

Ray rứt là vậy nên cậu Ba Hồ không nỡ chẳng quay về dù đã sau 40 năm. Mợ Ba - người con gái thanh niên xung phong của sông Lam, sau ngày thống nhất đất nước đã nguyện sống cùng cậu đến trọn đời, kể tôi nghe trong giọng nói nghẹn ngào: Dạo đó thấy sức khoẻ cậu ổn, mợ mừng thầm. Nhưng sao cậu cứ buồn buồn như trong dạ bồn chồn có điều gì mà chưa thốt thành lời. Mợ cứ gặng hỏi mãi, cuối giọng cậu rung rung: “Tôi muốn có một chuyến về thăm đồng đội cũ và bà con cô bác ở rừng đước Cà Mau mà… ngặt nỗi… nhà mình còn túng quẫn quá!... Thấu hiểu nỗi thổn thức của chồng, mợ không do dự liền đem bán con heo hơn tạ duy nhất định để dành sửa lại căn nhà xiêu vẹo bấy lâu nay để cậu có chuyến đi tâm nguyện của mình. Biết đâu đó lại là chuyến đi cuối của cậu.

Tôi tất tả chạy về cơ quan khi nghe: Anh có người cậu ruột ở Nam Ðịnh vô thăm nè - vì ông nói tôi là cậu ruột của thằng Bé. Ông mặc chiếc áo giải phóng quân năm xưa đã phai màu, một chân giả bước đi khập khiểng, vác một bao đồ cồng kềnh. Trước mặt tôi giờ đây là một ông lão chứ đâu là một thanh niên lịch lãm ngày nào.

Nhìn cậu nước mắt tôi chực trào. Tôi đưa cậu về nhà mình. Thời gian xa cách gần 40 năm vậy mà cậu và mẹ tôi gặp nhau không chút bỡ ngỡ. Chỉ thoáng giây lát là mẹ tôi thảng thốt: “Trời ơi, Hồ! Cậu Ba!". Còn cậu thì: “Zậy mà - ông bắt chước giọng miền Nam - em cứ tưởng chị quên thằng em một giò này rồi chớ”. Rồi ông cười ha hả mà nước mắt thì tuông.

Giọng mẹ tôi như chùng xuống: “Hồ, đến giờ em còn mặc cái áo chị may hồi đó sao?! Lại nữa, một chân một giò, đường xa xôi mà mang vác chi lỉnh kỉnh vậy em”. “Ít quà quê thôi mà chị”, ông đáp. Quà quê thật: miến, khoai tây và chè. Cả nhà tôi như chết lặng bởi một tấm chân tình!

Cũng như các mẹ, các chị miền Nam luôn dành tình cảm cho bộ đội từ Bắc vào Nam chiến đấu: “Tụi nó xa nhà, xa cha xa mẹ, vào đây chiến đấu. Nói dại chớ biết đâu rồi chẳng có về…”. Bởi vậy quân trang mẹ tôi phụ trách mỗi năm may hàng ngàn bộ quần áo cho bộ đội theo kích cỡ định sẵn ABC, nhưng riêng các cậu miền Bác vào là mẹ tôi tự tay đo may cẩn thận nên mặc vào các cậu ưng ý lắm.

Sau ngày giải phóng miền Nam, về quê, nhiều cậu còn cất giữ chiếc áo mẹ tôi may ngày ấy. Như hôm tôi gặp cậu Tư Khảm - Lê Xuân Khảm trong Ban Liên lạc Tàu không số ở Hải Phòng cũng vậy. Cậu đón tôi trong chiếc áo màu rêu do mẹ tôi may trong rừng đước Cà Mau.

Giờ mẹ tôi, cậu Ba Hồ và nhiều chú bộ đội ngày ấy đã đi xa. Năm ngoái - 2015, thương binh Phan Hải Hồ của Ðường Hồ Chí Minh trên biển đã ra đi sau khi Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Từ Nam Trực, mợ Ba báo tin buồn cho tôi trong nghẹn ngào. Tôi thấy mình có lỗi bởi đâu còn dịp đến thăm cậu nữa.

Tôi viết những dòng ký ức này như thắp một nén hương kính viếng cậu Ba - một trong những người thầy đã từng dạy tôi không chỉ những con chữ, con số. Bởi đó không chỉ là bài học đầu đời mà tấm gương các cậu đã trao về khí phách anh hùng, tấm lòng nhân hậu thuỷ chung, là son sắt non sông chỉ một mà thôi.

TP Hồ Chí Minh, tháng 10/2016, nhân Kỷ niệm 55 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển.

Trong suốt 14 năm liên tục (từ năm 1961 cho đến ngày đất nước thống nhất 30/4/1975), Ðoàn tàu Không số đã dệt nên huyền thoại Ðường Hồ Chí Minh trên biển, tạo ra một hướng tiếp tế chiến lược hết sức quan trọng, đưa hơn 150.000 tấn vũ khí, trang thiết bị và hàng chục ngàn lượt cán bộ từ miền Bắc vào chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam. Trong các chuyến đi, Ðoàn tàu Không số đã phải khắc phục hơn 4.000 quả thuỷ lôi; chống chọi với nhiều cơn bão; đánh trả hơn 30 lần tàu địch bao vây; chiến đấu với hơn 1.200 lần máy bay địch tập kích; bắn rơi 5 chiếc máy bay và bắn cháy nhiều tàu thuyền của địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Vàm Lũng (huyện Ngọc Hiển) là bến cuối của Ðường Hồ Chí Minh trên biển, đã bảo vệ an toàn tuyệt đối các tàu vận chuyển vũ khí vào, ra… Tại bến Vàm Lũng, Trung đoàn 962 và người dân đã đón và tiếp nhận con tàu đầu tiên, tàu “Phương Ðông 1” chở 30 tấn vũ khí, quân trang… vượt qua hàng ngàn hải lý trước sự theo dõi, bao vây của tàu địch nhưng vẫn cập bến Vàm Lũng an toàn vào ngày 19/10/1962.

Từ năm 1962-1972, tại các bến bãi thuộc địa bàn tỉnh Cà Mau đã tiếp nhận 76 chuyến tàu, trong đó riêng bến Vàm Lũng đã tiếp nhận 68 chuyến với hơn 4,3 ngàn tấn vũ khí, quân trang quân dụng… phục vụ cho chiến trường Nam Bộ.

Ngày 23/10/2011, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Di tích lịch sử, văn hoá bến Vàm Lũng - Ðường Hồ Chí Minh trên biển thuộc ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Bút ký của Nguyễn Bé - Ngân Phương

顶: 9346踩: 82382