Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) và Hiệp hội các Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA) đã gửi tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sách trắng 2017 về các vấn đề thương mại, đầu tư và kiến nghị, nhằm góp ý dự thảo Nghị định của Chính phủ về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.
Văn bản của Eurocham và BGA nhấn mạnh: Ô tô được nhập khẩu vào Việt Nam là những sản phẩm kỹ thuật ngày càng phức tạp và mang tính kết nối cao. Tuổi thọ dài của ô tô có tác động không nhỏ đến môi trường và xã hội nói chung. Vì vậy Eurocham và GBA cho rằng, các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô mới phải xuất trình cho các Cơ quan chức năng Giấy chứng nhận được cấp bởi chính nhà sản xuất của các ô tô do doanh nghiệp mình nhập khẩu.
Theo Eurocham và GBA, chỉ có nhà sản xuất mới có khả năng chẩn đoán chính xác những hỏng hóc, lỗi kỹ thuật của sản phẩm thông qua quá trình sử dụng nhờ vào các thiết bị chuẩn đoán hiện đại, các phần mềm chuyên dụng tương ứng với mỗi loại ô tô do chính hãng ô tô phát triển cung cấp cho đối tác của mình nhằm phát hiện các lỗi cần được sửa chữa và thay thế, hay cần được triệu hồi sửa chữa hàng loạt.
“Mối quan hệ mật thiết và sự cam kết hỗ trợ kỹ thuật (dưới nhiều dạng thức khác nhau và thể hiện thông qua nhiều dạng văn bản, tài liệu khác nhau), giữa nhà sản xuất đối với các nhà nhập khẩu là điều không thể thiếu trong quá trình nhập khẩu thương mại và phân phối sản phẩm ô tô tại Việt Nam”, Eurocham và GBA nhấn mạnh.
Có thể thấy rằng, Eurocham và GBA là đại diện cho các doanh nghiệp châu Âu và Đức, theo đó, các ý kiến của họ cũng thể hiện tiếng nói của cả các doanh nghiệp sản xuất ô tô xuất khẩu sang Việt Nam, trong đó có các nhà sản xuất mang thương hiệu ô tô rất được ưa chuộng ở Việt Nam như Mercedes-Benz, BMW, Volkswagen, Porsche, Audi…
Eurocham và GBA nêu rõ: “Người tiêu dùng xứng đáng được hưởng lợi không chỉ từ các sản phẩm chất lượng cao khi mua hàng, mà còn trong suốt dòng đời của xe theo qui định của pháp luật Việt Nam, bao gồm trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp nhập khẩu trong việc sửa chữa mới do đơn vị mình nhập khẩu thuộc trường hợp sản phẩm nằm trong chiến dịch thu hồi. Các điều kiện nên bao gồm năng lực của mỗi doanh nghiệp nhập khẩu trong việc bảo trì, bảo dưỡng xe theo đúng quy trình, dụng cụ và phụ tùng thay thế chính hãng theo yêu cầu của nhà sản xuất; cũng như khả năng triệu hồi các xe có lỗi kỹ thuật theo quy định tại Thông tư 30/2011 của Bộ Giao thông vận tải về kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp xe cơ giới”.
Eurocham và GBA cũng đã đề xuất các điều kiện để đảm bảo rằng các doanh nghiệp nhập khẩu, thông qua mạng lưới đại lý, phải cung cấp phụ tùng thay thế chính hãng cho những sản phẩm chính hãng nhằm duy trì chất lượng, an toàn và tiêu chuẩn kỹ thuật tại Việt Nam…
Hiện nay, các ý kiến trong sách trắng 2017 của Eurocham và GBA đưa ra đang thu hút sự quan tâm của dư luận, bởi vừa mới đây, một nhà nhập khẩu và phân phối xe BMW (hãng xe của Đức) tại Việt Nam là Công ty ô tô Âu châu (Euro Auto) đã có hàng loạt những sai phạm trong việc nhập khẩu ô tô BMV, được cơ quan Hải quan phát hiện qua quá trình thành tra, kiểm tra về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Cục Cảnh sát kinh tế - C46 (Bộ Công An) cũng đã bắt tạm giam một số lãnh đạo của Công ty Cổ phần Ô tô Âu Châu (Euro Auto) vì hành vi giả mạo giấy tờ trong nhập khẩu, kinh doanh ô tô bị Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan phát hiện năm 2016 và vụ việc đang được tiếp tục điều tra làm rõ.
Sự việc này đã làm dấy lên lo ngại về quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng Việt Nam đã mua xe BMW từ Euro Auto, với lo ngại rằng, liệu Euro Auto có phải là nhà phân phối ủy quyền chính thức của nhà sản xuất BMW tại Việt Nam hay không? Liệu khi nhà phân phối giả mạo giấy tờ, gian dối trong nhập khẩu như vậy thì liệu nhà nhập khẩu này có tuân thủ đầy đủ và đúng các cam kết về chất lượng, chế độ bảo hành bảo trì của chính hãng BMW hay không? Nếu các xe BMW bán tại thị trường Việt Nam khi có lỗi kỹ thuật theo quy định tại Thông tư 30/2011 của Bộ Giao thông vận tải thì nhà phân phối Euro Auto có đủ tư cách để triệu hồi theo đúng qui định của hãng BMW hay không?
Bởi cũng theo Eurocham cho biết: “Theo thống kê và ghi nhận thực tế tại Việt Nam từ năm 2012 đến nay, thì tất cả các đợt triều hồi xe ô tô đều do chính nhà sản xuất thực hiện, tuyệt nhiên không có bất cứ một doanh nghiệp không đại diện cho bất cứ một nhà sản xuất ô tô nào đứng ra thực hiện triệu hồi sản phẩm khi có vẫn đề kỹ thuật xảy ra, doanh nghiệp nhập khẩu chỉ là khâu trung gian trong việc triệu hồi sản phẩm…”.
Như vậy, khi doanh nghiệp phân phối lại vi phạm pháp luật để trục lợi, thì liệu doanh nghiệp đó có đủ tư cách để thực hiện việc đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng hay không!?
Cũng từ một sự việc cụ thể như vậy đã làm dấy lên lo ngại đối với các dòng xe ô tô nhập khẩu khác, trong việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng Việt Nam.
Chính vì vậy, những ý kiến Eurocham và GBA đưa ra trong thời điểm hiện nay có thể được coi là một động thái tích cực và thiết thực để lấy lại niềm tin cho người tiêu dùng Việt Nam đối với dòng xe ô tô nhập khẩu nói chung và dòng xe BMW nói riêng trong thời gian tới./.
M.A