| Chi phí logistics liên tục tăng và còn "neo" ở mức rất cao gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu Đà Nẵng |
Chi phí logistics tăng “phi mã”, doanh nghiệp khó chồng khó Dịch Covid – 19 đang diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại Đà Nẵng phải liên tục nỗ lực để đảm bảo sản xuất an toàn, liên tục theo dõi người lao động để hạn chế thấp nhất nguy cơ dịch Covid – 19 bùng phát, duy trì được chuỗi sản xuất. Tuy nhiên, riêng đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu hiện đang phải “gồng mình” chống chịu thêm một khó khăn lớn đó là chi phí logistics tăng mạnh, đặc biệt là hàng hóa đi EU và Hoa Kỳ. Ông Nguyễn Xuân Sơn – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Chế biến – Kinh doanh – XNK Hương Quế chuyên xuất hàng đi thị trường Đức (EU) cho biết, theo đối tác nhập khẩu từ Đức thông tin, chi phí logistics 1 container hàng từ Đà Nẵng đi Đức đã leo thang tăng tới 700%, từ 1.000 USD đến 7.000 USD chỉ trong vòng hơn 6 tháng qua. “Chi phí quá cao nên trong mấy tháng qua đối tác tạm dừng, giãn đơn hàng”, ông Sơn thông tin. Cũng là doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU, ông Huỳnh Trinh – Giám đốc Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng cho hay: “Hiện nay container hàng đi EU rất khó khăn. Không có container hàng, đơn hàng phải giãn tiến độ. Khách hàng cũng thông cảm nhưng chỉ trễ ở mức độ vừa phải, nếu kéo dài sẽ khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp”. Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt – Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) -đơn vị xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Hoa Kỳ cho rằng, dịch Covid – 19 và sự cố kẹt tàu tại kênh đào Suez (hồi cuối tháng 3/2021) đã làm gia tăng áp lực chi phí vận chuyển hàng hóa xuất khẩu. “Trước đây, 1 container hàng của DRC đến bang Florida (Hoa Kỳ) chỉ mất chi phí khoảng 4.000 USD. Tuy nhiên, con số này hiện tại đã tăng gấp đôi, lên đến 8.000 USD. Những bang khác cũng chi phí cũng tăng tới 50%”, ông Nhựt thông tin và cho biết, điều này ảnh hưởng rất đơn đến đơn vị đối tác tiêu thụ. “Nhà tiêu thụ rất lo ngại, chi phí vận chuyển cao làm đội giá thành sản phẩm khiến sức tiêu thụ chậm lại” - ông Nhựt cho hay. Không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu, mà doanh nghiệp nhập khẩu cũng đang chịu áp lực của chi phí vận chuyển. Ông Hà Ngọc Thống – Giám đốc Nhà máy giấy bao bì Tân Long cho biết hiện công ty đang chịu mức giá nhập nguyên liệu đầu vào (từ Hoa Kỳ) ở mức cao. “Thời điểm cuối năm 2020, chi phí logistics cao là do khủng hoảng thiếu container vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến các thị trường của thế giới. Nhưng hiện tại thị trường Trung Quốc đã ổn, các hãng vận chuyển vẫn không có ý định giảm mức phí mà vẫn để “neo” ở mức cao”, ông Thống nói. | Các doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu và sản xuất đã chủ động đàm phán để chia sẻ bớt gánh nặng chi phí vận chuyển, giảm tối đa mức tăng giá thành sản phẩm đến tay người tiêu dùng |
Chủ động chia sẻ gánh nặng chi phí để giảm tối đa mức tăng giá sản phẩm Chi phí vận chuyển tăng mạnh, tạo ra áp lực lớn đối với các doanh nghiệp nhập khẩu (cả ở Việt Nam và đối tác của doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam), giá thành sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng theo đó phải điều chỉnh tăng dẫn đến sức tiêu thụ hàng hóa giảm. Để giảm đến mức tối đa việc phải tăng giá thành sản phẩm đầu cuối, các doanh nghiệp và đối tác đã đàm phán và chia sẻ một phần gánh nặng chi phí vận chuyển ở mỗi bên để đảm bảo cung ứng hàng hóa ổn định. Tổng Giám đốc DRC Lê Hoàng Khánh Nhựt cho hay, trước nhiều khó khăn đó, DRC đang có các chính sách hỗ trợ thêm cho phía đối tác. “Hiện tại, hoạt động vận tải chúng tôi vẫn đang kiểm soát tương đối tốt. Tuy nhiên, về lâu dài thị trường truyền thống đang có nhiều lo ngại”, ông Nhựt thông tin. “Vừa rồi bên đối tác tại Đức thiếu hàng nên đã yêu cầu công ty xuất hàng đi khối lẻ (container hàng lẻ). Chúng tôi đã chuyển 1/2 container sản phẩm (10 kiện hàng) cho khách hàng. Mặc dù không phải chịu phí vận chuyển, nhưng công ty đã chủ động chia sẻ với đối tác 50% phí vận chuyển gia tăng”, Giám đốc Công ty Hương Quế chia sẻ. Tương tự, các công ty nhập khẩu Việt Nam tại Đà Nẵng cũng đang cố gắng điều chỉnh mức giá sản phẩm tăng thấp nhất để cân bằng lợi ích cả 3 bên đơn vị cung ứng nguyên liệu – đơn vị sản xuất – đơn vị tiêu thụ sản phẩm. “Giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, buộc giá sản phẩm đầu ra phải tăng, nhưng chúng tôi cố gắng mức tăng hợp lý nhất có thể. Ví dụ như giá nguyên liệu nhập khẩu đầu vào của chúng tôi tăng 30%, thì giá thành sản phẩm đầu ra sẽ tăng khoảng 10%. Mỗi công ty đều chịu giảm một phần lợi nhuận”, ông Hà Ngọc Thống nói và cho biết thêm, bên cạnh đó, công ty cũng cố gắng tiết giảm đến mức tối đa các chi phí phát sinh trong sản xuất. Ông Huỳnh Ngọc Trung – Giám đốc Công ty CP Công nghệ Bích Hạnh cho biết, các đơn đặt hàng của công ty giảm, nhận hàng cũng chậm lại trong khi chi phí vận chuyển tăng cao. “Chi phí vận chuyển tăng cao nên đối tác cung cấp đầu vào cho công ty cũng phải tăng giá. Công ty cùng đối tác đã ngồi lại thương thảo, đàm phán lại hợp đồng đã ký kết, trong đó mỗi bên đều chấp nhận giảm 1 phần lợi nhuận để cân bằng, chia sẻ khó khăn cho cả 2 bên”, ông Trung cho hay. Ngoài hỗ trợ, đàm phán để cùng chia sẻ gánh nặng chi phí vận chuyển, một số doanh nghiệp cũng hướng đến tìm kiếm thêm thị trường mới, đối tác mới để vừa tăng đơn hàng, vừa làm bước chuẩn bị để khi hoạt động vận chuyển ổn định sẽ có thêm thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu. Cùng với đó, một số doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa để bù đắp doanh thu. | Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tại Đà Nẵng đang duy trì được đà tăng trưởng bấp chấp nhiều khó khăn |
Nỗ lực duy trì sản xuất ổn định Trước những khó khăn về cả dịch bênh và áp lực chi phí vận chuyển, sản xuất, các doanh nghiệp đang nỗ lực để duy trì ổn định sản xuất để đảm bảo kết quả sản xuất kinh doanh tốt nhất có thể. “Hiện công ty vẫn đang nỗ lực để doanh thu và sản lượng hàng hóa vẫn duy trì được mức tăng trưởng ổn định theo kế hoạch đã đặt ra”, Giám đốc nhà máy giấy bao bì Tân Long chia sẻ. Còn ông Nguyễn Xuân Sơn, Công ty Hương Quế chia sẻ, mặc dù tăng trưởng và doanh thu sẽ không thể đạt được như năm 2019 (trước khi có dịch Covid - 19), Công ty đang cố gắng để đảm bảo doanh thu mục tiêu của năm 2021. Đặc biệt, một số doanh nghiệp xuất khẩu thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo đang tận dụng tốt các FTA đã có hiệu lực để không duy trì ổn định được sản xuất mà còn tăng trưởng tốt. Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng cũng đạt được mục tiêu doanh thu cho một mùa sản phẩm (từ tháng 6 năm nay đến tháng 6 năm sau) với mức tăng trưởng 8%. Đơn vị đã có đơn hàng cho mùa hàng tới. Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước vẫn đang tận dụng tốt EVFTA để hàng xuất đi thị trường EU hưởng các ưu đãi thuế quan. “5 tháng đầu năm 2021, công ty vẫn tăng trưởng tốt với mức tăng 25% cho cả doanh thu và sản lượng”, ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch HĐQT Công ty cho hay. Đặc biệt hơn cả, công ty CP Cao su Đà Nẵng có tăng trưởng ấn tượng trong 4 tháng đầu năm 2021, doanh thu quý I/2021 vượt xa kế hoạch. “Lợi nhuận mục tiêu của quý I là 66 tỷ đồng, nhưng DRC đã đạt gần 80 tỷ đồng. Trong tháng 4, đạt doanh thu hơn 352 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 41 tỷ đồng. Chúng tôi đang nỗ lực để đạt mục tiêu cho tháng 5 và những tháng tiếp theo”, Tổng Giám đốc DRC nói. |