Chị tên là Hồ Thanh Hồng, quê ở Ðất Cháy, xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời, được bộ đội Ðoàn 195 trìu mến đệm cho cái tên “Hồng Cối”, bởi chị là xạ thủ cối 6 và 8 trong Ðại đội Nguyễn Việt Khái 2, Thanh niên xung phong Cà Mau.
Chị tên là Hồ Thanh Hồng, quê ở Ðất Cháy, xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời, được bộ đội Ðoàn 195 trìu mến đệm cho cái tên “Hồng Cối”, bởi chị là xạ thủ cối 6 và 8 trong Ðại đội Nguyễn Việt Khái 2, Thanh niên xung phong Cà Mau.
Cái tuổi 17 “bẻ gãy sừng trâu”, gan dạ và nhanh nhẹn, ngoài nhiệm vụ tải hàng, chuyển thương như chị em khác, chị còn được Ðoàn 195 dạy cho bắn pháo cối với vai “vuốt đạn”.
Hồi hộp ra quân trận đầu, chị cùng 2 đồng đội trong tổ nện cho bọn co cụm ở bờ kinh Vĩnh Tế 25 quả, được chỉ huy khen ngợi.
Trận thứ 3, chị cùng anh Năm Bé bắn 30 trái cối 8 vào đồn Bẹm-so của Lon-non, tạo thuận lợi cho đồng đội xông lên diệt đồn, bắt tù binh, thu vũ khí.
Ðội nữ pháo binh tỉnh Cà Mau đã lập nhiều chiến công hiển hách, góp phần cho ngày giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Ảnh chụp ngày 20/4/1975. Ảnh tư liệu: VÕ AN KHÁNH |
Rồi trận thứ 3 ở lung Trà-bung, trận thứ 4 ở Ca-ly-vong. Ðặc biệt, trong những ngày đánh phá vây với hơn hàng ngàn quân của Sư 9 nguỵ, có cả B52, xe tăng và pháo bầy tham chiến ở Sóc Mẹt (Campuchia), tổ pháo cối của chị được phân công lên đồi đánh trả quân địch. Nhiều lúc đế cối không vững, chị dùng 2 tay ghì chặt nòng cối vào bụng, sức nóng của nó làm da thịt chị phồng lên, rỉ máu. 17 ngày đêm chống chọi với hàng ngàn quân địch, hàng trăm trái đạn qua tay chị vuốt vào nòng, quân số từ hơn chục người, chỉ còn lại 5, chị về với đồng đội trong nước mắt.
Cũng may là chị có được người chồng chịu khó bươn chải, mấy đứa con biết thương cha mẹ. Ở tuổi 65, trông chị khá già bởi bệnh tật và nghèo khó.
***Ở xã Tân Ðức, huyện Ðầm Dơi, có xóm Tô Hồng và xóm Trần Ký để ghi nhớ 2 con người, 2 lứa tuổi, 2 mẹ con cùng ra trận và cùng hy sinh. Ðó là bà Trần Thị Ký và Tô Thị Tẻ.
Là đoàn viên thanh niên lao động hoạt bát, gan dạ. Ngày 21/10/1961, Tô Thị Tẻ cùng với chị Trần Thị Ðây và Trần Thị Hương chung một xuồng trong đoàn đấu tranh trực diện ở Chi khu Ðầm Dơi đòi trừng trị bọn ác ôn bắt giết người vô tội.
Nhận biết dưới sông có dấu hiệu bất thường, bọn địch thổi còi báo động, nổ súng nhằm khủng bố tinh thần lực lượng đấu tranh. Lên được bờ, chị và một số chị em khác bị địch bắt giam. Giáp mặt với địch, nhất là tên Nghĩa Chuột, tên ác ôn chiêu hồi, có lúc công tác chung với anh ruột của chị, cuộc đối đầu càng trở nên gay go, quyết liệt. Hơn nữa, ngoài chân dung của một tên đồ tể, Nghĩa Chuột còn có mối hận tình cay đắng, bởi lúc chưa đầu hàng theo giặc, chị đã cương quyết từ chối lời tỏ tình của hắn.
Nghĩa Chuột ra điều kiện cho chị: nhận làm vợ hắn hay chết.
Không chần chờ, chị đã dõng dạc trả lời:
- Tôi thà làm ma đất Ðầm Dơi này.
Tra tấn, dụ dỗ không lay chuyển được lòng trung trinh của người con gái 18 tuổi, chị bị chúng lôi ra ngoài trong đêm đen thẫm. Bà con bị giam trong phòng nghe rõ tiếng la thét của người con gái càng lúc càng nhỏ dần, nhỏ dần…
Sáng ra, một tên lính có cảm tình với ta, đến phòng giam báo tin, chị bị bọn ác ôn thẻo vú và chôn sống trong lùm sậy. Trước khi chết, chị đã chửi mắng và phun nước bọt vào mặt địch.
Lời thề của Hai Bà Trưng trước khi xuất quân đánh giặc hơn 2.000 năm trước: “Thiếp là cháu gái Vua Hùng các đời trước, hôm nay đau lòng thương dân vô tội, dấy nghĩa trừ tà…” đã truyền lại khí phách lẫm liệt người anh hùng Tô Thị Tẻ.
Bà Trần Thị Ký nóng ruột con gái mình bị bắt, đánh đập tàn nhẫn, đang lúc đau yếu, bà nằng nặc với lãnh đạo cho đi với đoàn đấu tranh ra quận đòi thả những người bị bắt, đánh đập vô tội.
Rạng đông ngày 23/10/1961, cùng với hàng ngàn người từ các hướng kéo ra dinh quận, lên được bờ, tiến về phòng giam, bà kêu: "Tẻ ơi, Tẻ ơi, má đến đây rồi". Một loạt đạn tuôn ra chát chúa, bà bị trúng đạn gãy chân. Bà con xúm lại xé khăn choàng tắm băng bó vết thương và đưa về tuyến sau. Bị nhiễm trùng và mất máu, bà chết cùng với người con gái thân yêu của mình trong một trận đấu tranh trực diện quy mô nhất, bị đàn áp dã man nhất, 47 người chết, 150 người bị thương.
Tổ quốc ghi công, Nhân dân tưởng nhớ, tên chị đứng trong hàng ngũ 11 nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang tỉnh Cà Mau. Cây cầu bên này rạch Lung Lắm bắc qua bệnh viện huyện được mang tên chị. Bà Trần Thị Ký được truy tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
***Năm 2015, gia đình bà Nguyễn Thị Bảo ở Bàu Dừa, Thanh Tùng, dồn dập tin vui: chồng bà, Liệt sĩ Vưu Hoà Thạnh, nguyên Chính uỷ Trung đoàn 1, Quân khu 9 được truy tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân; bà cũng được tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Nói vui, vì sự hy sinh của chồng và đứa con trai lớn của bà đã được Ðảng và Nhân dân ghi nhận. Chứ thật ra, là vợ, là mẹ có ai muốn làm vui bằng cuộc đánh đổi sinh mạng người thân yêu của mình với ánh hào quang đó.
Chồng hoạt động bí mật, 1 gánh 5 con, tảo tần cơm gạo, thuốc men… đã đủ khổ, nhưng cũng không sánh nổi sự o ép, khủng bố tinh thần của bọn tề nguỵ theo Luật 10/59. Bà rời quê chồng ở Cây Trâm, Tân Duyệt, chạy một mạch đến sinh sống ở Bàu Dừa, dựng chòi làm ruộng, dệt chiếu nuôi con. Ở đây, bà chỉ lo máy bay oanh tạc, pháo ở Chà Là - Ðầm Dơi câu vào và các cuộc đổ quân của địch. Ðứa con trai lớn Vưu Minh Chiến đã trưởng thành. Ði đâu? Làm gì? Thôi thì theo cha vào bộ đội, bà yên tâm hơn.
Ngày 6/11/1969, trận đánh vào căn cứ Xẻo Rô, Chính uỷ Vưu Hoà Thạnh, con trai Vưu Minh Chiến cùng đơn vị rút về phía sau thì bị một trái pháo rơi trúng vỏ lãi. Con trai ông hy sinh tại chỗ, còn ông thì tử thương sau đó.
Tin ông và con trai hy sinh cùng một lúc, làm cả đơn vị bàng hoàng. Tin dữ bay về, bà với các con quỵ xuống. Chiến tranh, hy sinh là lẽ thường, nhiều gia đình bị địch thảm sát cùng một lúc 3-4 người cũng không phải ít, nhưng cái chết của hai cha con ngoài chiến trận vì trái đạn của quân thù, quả là nỗi đau quá lớn. 2 bàn thờ tang, 2 lư hương cùng phảng phất mùi hương, cùng lượn lờ vòng khói, làm cho nỗi đau nhân đôi, nước mắt cũng chảy đôi.
***Ai đến vùng đất Chín Bộ, Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời - mảnh đất từng bị bom B52 cày xới, để lại cho nhiều gia đình chịu cảnh tang tóc đều biết và nghe về chị Nguyễn Thị Hoa, người chiến sĩ thanh niên xung phong duyên dáng, hát hay và vô cùng gan dạ. Trong mọi nhiệm vụ, từ tải vũ khí, vận chuyển thương binh, tới cầm súng giáp mặt với quân thù, chị đều có mặt. Nhiều đêm mang vác mệt mỏi, tiếng hát của chị như liều thuốc làm cho mọi người tươi tỉnh, năng lượng được phục hồi.
Tận tình với đồng đội khi ốm đau, nhường cơm khi bụng đang đói, tuổi chưa tròn đôi mươi, nhưng chị biết trải lòng như người chị hiền với đàn em nhỏ.
Ngày 6/3/1971, địch đổ quân bao vây Hòn Me và Hòn Ðất; dưới chân núi là xe tăng, xe lội nước ken dày; ngoài biển, gần thì hải thuyền, xa hơn thì hạm đội Mỹ dội pháo vào như mưa lửa.
Gần 100 ngày giáp mặt với địch, không bao giờ vắng mặt chị trên chốt tiền tiêu. Có ngày địch tràn lên 12 đợt đều bị chặn lại, trước họng súng của chị, 2 tên giặc đền tội.
Thấy thời gian giữ chốt kéo dài, sức khoẻ bị giảm sút, lãnh đạo điều chị xuống hang để dưỡng sức, nhưng chị vẫn nằng nặc ở lại chốt.
Và ngày 15/7/1971, chị đã ngã xuống ở tuổi 21 vì một mảnh pháo cắm vào tim, tên địch cũng bị chị kết liễu cách đó không đầy 3 m.
Trên cung đường máu lửa, cũng có những ngày hiếm hoi ngưng tiếng súng, các sinh vật tranh thủ sinh sôi. Chị đã nói với chàng trai đem lòng yêu thương mình: “Bây giờ xây dựng hạnh phúc riêng, nếu chẳng may hai mất một, người ngã xuống đã nằm yên, để lại người còn sống đau khổ biết chừng nào. Thôi thì, nên tạm gác lại, khi nào đất nước tan giặc, nếu anh và em đều còn sống thì ta sẽ sống bên nhau”.
Thuận lời chị, anh bộ đội tiếp tục cầm súng chiến đấu, chờ ngày hoà bình. Nhưng chiến tranh không có chữ nếu, anh đã anh dũng hy sinh. Ðồng đội càng thương tiếc anh bộ đội, càng quý trọng tình cảm của chị.
Ðọc đôi lời tự tình này, lòng ai không rưng rưng một cuộc sống đẹp, một cái chết anh hùng, để lại cho đời biết bao thương tiếc.
***Bầu trời cao cao, chi chít đầy sao, sao xanh sao đỏ, sao lớn sao nhỏ (*) đã làm cho bức tranh vũ trụ thêm lung linh, huyền ảo. Các vì sao của đất thì rất thật, đời thường, bao giờ cũng rực sáng, muôn màu. 1.748 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 11 nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân; hàng chục ngàn phụ nữ đạt danh hiệu phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc; hàng ngàn Nữ hai giỏi trong công nhân viên chức, lao động... là một mạch xuyên suốt, góp phần đánh thắng giặc ngoại xâm, từng bước vượt qua đói nghèo, xây dựng đất nước phồn vinh.
Kính trọng, yêu thương họ, nữ nghệ sĩ sân khấu Xuân Thơm đã cất lên những ca từ “Mẹ bây giờ tóc đã điểm trắng màu bông, mượn tiếng ru con giữ gìn lòng chung thuỷ, lấy điệu buồn tâm sự với mình thôi…”. Dũng cảm xả thân, âm thầm chịu đựng, kín đáo kiệm lời, chịu thương chịu khó, là trụ cột trong hạnh phúc gia đình, là bệ phóng cho con cháu dấn thân lập nghiệp, những vì sao của đất đã làm nên tiếng gọi chung - Mẹ Việt Nam, dù rất nhiều người chưa một lần được làm vợ, làm mẹ./.
(*) Thơ Lê Chí
Nguyễn Thái Thuận