- Tại hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết TƯ 8 sáng nay, Trưởng Ban Tổ chức TƯ nêu vừa qua, phát hiện một số vụ việc lợi dụng quyền lực, uy tín lãnh đạo để thao túng một số vấn đề liên quan đến đất đai, mua sắm.
Lấy phiếu tín nhiệm ủy viên Bộ Chính trị vào tháng 12
'Bao Công' thời nay càng phải nêu gương, phải thật sự soi rọi vào bản thân mình
Một trong những nội dung được đề cập trong quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành TƯ là: "Cán bộ cấp cao phải có trách nhiệm nêu gương, kiểm soát không để vợ/chồng, con sống xa hoa, phô trương lãng phí, vi phạm pháp luật".
Hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết TƯ 8 |
Chức càng cao càng phải gương mẫu
Khái quát nội dung của quy định này, Trưởng Ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính cho biết có 8 điểm xây, 8 điểm chống được phản ảnh trên các mặt tư tưởng, đạo đức, chính trị, lối sống, tác phong, tự phê bình, phê bình. Ông nhấn mạnh: “Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao, càng phải gương mẫu, nêu gương”.
Điểm lại điều 2 của quy định nêu gương về 8 điểm xây, Trưởng Ban Tổ chức TƯ lưu ý, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có một số lãnh đạo cấp cao do thiếu tu dưỡng, rèn luyện đã suy thoái về tư tưởng, chính trị, phai nhạt lý tưởng, tự diễn biến, tự chuyển hoá. Thậm chí có người phản bội lại lý tưởng của Đảng, đi ngược lại lợi ích của nhân dân.
Vì vậy, những yêu cầu nêu gương về tư tưởng chính trị, lý tưởng cách mạng của uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH TƯ phải được đề cao ngang tầm với vai trò, vị trí và trách nhiệm chính trị của từng người.
TƯ yêu cầu quán triệt sâu sắc thực hiện tốt quan điểm: “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, cái gì có hại cho dân thì tránh, lấy sự hài lòng, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.
Ngoài ra, Trưởng Ban Tổ chức TƯ cũng nhấn mạnh đến vấn đề đoàn kết nội bộ.
Người đứng đầu phải là hạt nhân của đoàn kết, trong sáng trong hoạt động cũng như trong điều hành, quản lý của mình.
Trưởng Ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính |
Quy định nêu gương cũng nhấn mạnh đến việc phân cấp, phân quyền đi đôi là kiểm soát quyền lực; nêu gương trong đạo đức, lối sống, chống lãng phí, tiêu cực…
“Tự soi, tự sửa nhất là về đạo đức, phong cách, tác phong, hành động để có hình ảnh chuẩn mực trong mắt người dân là việc rất quan trọng”, ông Phạm Minh Chính lưu ý.
Chống lợi dụng DN hoặc để DN lợi dụng
Phân tích điều 2 của quy định nêu gương về 8 điểm chống, Trưởng Ban Tổ chức TƯ cho rằng, lãnh đạo cấp cao phải nghiêm khắc với bản thân; kiên quyết chống các biểu hiện suy thoái đạo đức, các biểu hiện tiêu cực trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; kiểm soát đối với gia đình, người thân; chống tham nhũng, lãng phí, chống lạm dụng quyền lực, lợi dụng chức vụ quyền hạn, chống “chạy chức”, “chạy quyền”.
Ông lưu ý tình trạng chạy hoặc tiếp tay cho chạy chức chạy quyền, chạy phiếu bầu, tín nhiệm, can thiệp không đúng thẩm quyền, trái quy định vào công tác cán bộ, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, nhất là đối với người nhà, người thân.
Trưởng Ban Tổ chức TƯ cho biết, trong những năm gần đây, phòng chống tham nhũng, lãng phí đạt được kết quả bước đầu. Nhiều vụ án kinh tế quan trọng, phức tạp đã được đưa ra xét xử và xử lý nghiêm minh.
Tuy nhiên tình trạng tham nhũng lãng phí vẫn còn phức tạp, tập trung vào cán bộ có chức, có quyền. Cá biệt có trường hợp tham nhũng chính sách, có dấu hiệu “lợi ích nhóm”...
Các ĐB dự hội nghị |
Trong khi đó, cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hiệu quả, còn có lạm quyền, lộng quyền, sử dụng quyền lực được giao vào mục đích cá nhân, dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực.
“Nhiều lần Tổng bí thư đã nói phải nhốt quyền lực vào lồng cơ chế. Quyền lực phải kiểm soát chặt chẽ, quyền hạn phải được ràng buộc bởi trách nhiệm, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn, ngăn chặn tận gốc sai phạm, khuyết điểm một cách căn cơ, bài bản”, ông Chính cho biết.
Về kiểm soát quan hệ đối với gia đình, người thân, ông nhấn mạnh, nghị quyết yêu cầu chống lợi dụng DN hoặc để DN lợi dụng nhằm vụ lợi, lợi dụng chức vụ quyền hạn, uy tín, sử dụng vay mượn tiền tài sản cá nhân trái quy định. Không để vợ/chồng, bố mẹ, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ quyền hạn uy tín của mình để vụ lợi.
Theo ông Chính, vừa qua quá trình đấu tranh phát hiện một số vụ việc lợi dụng quyền lực, uy tín lãnh đạo để thao túng một số vấn đề liên quan đến đất đai, mua sắm, hay vừa rồi UB kiểm tra các cấp cùng với cơ quan Thanh tra, Kiểm toán đã phát hiện, xử lý.
“Như vậy yêu cầu cán bộ cấp cao phải cảnh giác trong mối quan hệ và có thái độ phòng chống hiệu quả những hành vi nêu trên; phải kiểm soát, không để vợ/chồng, con sống xa hoa, phô trương lãng phí, vi phạm pháp luật”, Trưởng Ban Tổ chức TƯ nói.
Khai trừ 1 ủy viên Bộ Chính trị, kỷ luật nhiều ủy viên TƯ trong nửa nhiệm kỳ
Từ đầu nhiệm kỳ đã có 59 cán bộ diện TƯ quản lý bị kỷ luật, trong đó có 13 ủy viên TƯ, nguyên ủy viên TƯ và khai trừ 1 ủy viên Bộ Chính trị.