Theo chương trình làm việc, sáng 25/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; Phê chuẩn quyết toán Ngân sách Nhà nước năm 2021. Các đại biểu Quốc hội cũng thảo luận việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; Quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia; việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022; chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam. Trước đó, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. Trong bối cảnh rất khó khăn, chúng ta vẫn thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu kế hoạch. Nhiều chỉ tiêu tốt hơn số đã báo cáo Quốc hội, như: GDP năm 2022 tăng 8,02% (đã báo cáo là 8%); CPI bình quân tăng 3,15% (đã báo cáo là khoảng 4%); thu ngân sách Nhà nước đạt 1.815,5 nghìn tỷ đồng, cao hơn số đã báo cáo là 201,4 nghìn tỷ đồng (tăng 12,5%), đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, thực hiện chính sách an sinh xã hội, cải cách tiền lương và các nhiệm vụ cấp thiết khác. Tuy nhiên, nước ta vẫn còn những hạn chế, khó khăn, trong đó có hai chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch. Giải ngân vốn đầu tư công và triển khai thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt yêu cầu. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong huy động, tiếp cận vốn, chi phí sản xuất kinh doanh tăng, thị trường sản phẩm xuất khẩu bị thu hẹp. Những tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Chiều 25/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Tiếp đó, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Quốc hội thảo luận về dự án Luật này. Dự thảo Luật gồm 12 chương, 115 điều, tăng 4 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4. Những nội dung của dự án Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý bao gồm: tên gọi; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; việc thể chế hóa nội dung 8 chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; các quy định về tổ chức quản trị tài sản, tài chính, tài sản góp vốn, chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; việc thành lập doanh nghiệp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; việc góp vốn, mua cổ phần tham gia doanh nghiệp; hoạt động huy động vốn từ thành viên và cho vay nội bộ; chế độ kế toán./. PV/vietnamplus.vn |