【câu lạc bộ ý】Môi trường kinh doanh đã thực sự “sáng”?
Chưa thực sự đơn giản hoá
Các chuyên gia cho rằng, môi trường kinh doanh chưa thực sự được cải thiện thực chất là một trong những nguyên nhân khiến cho các DN nản lòng và rời khỏi thị trường đang tăng cao. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 9 tháng năm 2018 là 73.103 doanh nghiệp, tăng 48,1% so với cùng kỳ năm trước.
Bình luận về vấn đề này, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, chúng ta liên tục nói đến cải thiện môi trường kinh doanh và Thủ tướng Chính phủ cũng tập trung rất cao cho việc cải thiện môi trường kinh doanh, tuy nhiên, “tôi đã đi và gặp gỡ nhiều và hỏi nhiều DN về cảm nhận thật, chia sẻ thật của DN về việc cải thiện môi trường kinh doanh thì rất nhiều nơi DN cho biết là thực tế môi trường kinh doanh chưa cải thiện được nhiều như mong muốn của DN”. Dẫn ví dụ về thủ tục hành chính hiện nay được quy về 1 cửa nhưng chuyên gia Phạm Chi Lan nhấn mạnh, “muốn qua cửa đó, cần phải đi gõ biết bao nhiêu cửa khác trước đó, phải “bôi trơn” các cửa ngách trước đó thì mới thông qua được. Không gõ cửa nhỏ, cửa ngách thì khi tới cửa cuối cùng vẫn “tắc” chứ không giải quyết được. Ngay cả các bộ, ngành, họ nói cải thiện nhưng thực tế nhũng nhiễu còn nhiều”.
“Chúng ta mất quá nhiều thời gian, công sức để nỗ lực, cố gắng cải thiện môi trường kinh doanh ở các tầng nấc khác nhau nhưng kết quả đạt được hoàn toàn chưa tương xứng với công sức bỏ ra. Trong lúc thế giới chuyển động nhanh như vậy mà chúng ta cứ loay hoay xem dỡ cái này, bỏ cái kia mà vẫn không dỡ bỏ được một cách thực chất, đây là lí do số một giải thích cho hiện tượng DN rời khỏi thị trường nhiều”, chuyên gia Phạm Chi Lan nhấn mạnh.
Tại báo cáo mới nhất về tình hình thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo báo cáo của các bộ, cơ quan, địa phương thì hầu hết thực hiện đạt mục tiêu, nhưng khi rà soát thấy rằng nhiều nội dung chưa thực chất. Có trường hợp, báo cáo nêu hành động thực thi chung chung, đôi khi chỉ là lặp lại các nội dung yêu cầu của Nghị quyết, kết quả không rõ ràng (nhất là báo cáo của một số địa phương).
Đến nay, mới có 2 Nghị định cắt giảm, sửa đổi điều kiện kinh doanh được ban hành (gồm Nghị định 08/2018/NĐ-CP về sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương và Nghị định 100/2018/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng) với 858 điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa. “Việc thực hiện cắt giảm điều kiện kinh doanh mới chỉ đạt 30% so với yêu cầu. Ngoài 2 nghị định này, chưa có thêm Nghị định về cắt giảm, sửa đổi điều kiện kinh doanh nào được ban hành”, Bộ KH&ĐT cho biết.
Theo Bộ KH&ĐT, một số điều kiện kinh doanh sửa đổi có thể chỉ là sửa câu chữ hoặc sửa nội dung, nhưng chưa thực sự đơn giản hoá. Vẫn còn những điều kiện kinh doanh không phù hợp, không cần thiết, không đạt hiệu quả quản lý chưa được cắt giảm. Ví dụ như: Các quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ bởi các cơ quan quản lý nhà nước vẫn tồn tại khá phổ biến. Các điều kiện kinh doanh được ẩn dưới quy định “thực hiện theo quy định của Bộ quản lý” chưa được cắt bỏ. Cá biệt một số nội dung thay đổi thực hiện mang tính hình thức, hơn là mục tiêu vì cải cách, vì doanh nghiệp. Vì vậy, chưa thể hiện được thực chất tinh thần “cắt giảm”. Thậm chí, theo rà soát sơ bộ cho thấy có việc bổ sung thêm điều kiện kinh doanh mới, cụ thể là tại dự thảo Nghị định sửa đổi riêng từng Nghị định do Bộ Giao thông vận tải soạn thảo.
Rà soát nguyên nhân doanh nghiệp rời bỏ thị trường
Liên quan đến môi trường kinh doanh, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đánh giá: Chúng ta đã có nhiều tháo gỡ khó khăn cho DN, đơn cử như quyết tâm bãi bỏ 50% điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư… Tuy nhiên, TS Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, hiện nay hoạt động sản xuất kinh doanh của DN chưa thực sự được đảm bảo an toàn vì DN không chỉ gặp phải những rủi ro về thương trường mà còn gặp phải nhiều rủi ro về pháp lý.
Sở dĩ nói như vậy, theo TS. Nguyễn Đình Cung, là do hệ thống pháp luật của chúng ta còn chứa đựng nhiều hạn chế như không cụ thể, không rõ ràng, không minh bạch..., việc áp dụng các quy định còn tuỳ tiện kiểu“sáng đúng, chiều sai, đến mai lại đúng” khiến DN không thể ứng phó. Trước những rủi ro này và để tránh những phiền phức đến từ thanh tra kiểm tra, giải pháp của DN là không muốn lớn, không chính thức và thậm chí trong nhiều trường hợp DN muốn lớn cũng không lớn được.
Chia sẻ về vấn đề này, đại diện một DN kinh doanh cà phê cho biết, cũng là thực hiện quy định về công bố chất lượng vệ sinh thực phẩm nhưng có lúc cơ quan quản lý quy định phải công bố chất lượng sản phẩm trên bao bì, có lúc lại không cần và mỗi lần thay đổi như vậy DN phải làm lại hồ sơ rất phức tạp, mất rất nhiều thời gian. Theo DN này, bán hàng trong nước còn nhiều vướng mắc hơn cả làm thủ tục xuất khẩu sản phẩm, do đó các DN rất mong muốn các thủ tục hành chính của cơ quan quản lý nhà nước ngày càng rõ ràng, minh bạch và ổn định.
Nhiều ý kiến cho rằng, đến nay chúng ta đã qua 5 năm thực hiện nghị Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và 3 năm thực hiện Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển DN. Theo mục tiêu, đến năm 2020 chúng ta phấn đấu có 1 triệu DN, như vậy còn 2 năm nữa để thực hiện mục tiêu này và để đạt được còn nhiều điều cần suy nghĩ. Tuy nhiên, vấn đề có đạt được 1 triệu DN vào năm 2020 hay không không quan trọng bằng việc nhiều DN đang rời bỏ thị trường. Nếu chỉ lấy riêng con số của năm 2018 thì hiện nay nếu mỗi ngày có khoảng 345 DN mới gia nhập thị trường thì tương ứng với đó cũng có tới khoảng 270 DN ngừng hoạt động, một con số đáng suy ngẫm. Đã đành, việc DN gia nhập hay rời bỏ thị trường là vấn đề bình thường của hoạt động sản xuất kinh doanh, song rõ ràng, con số DN ngừng hoạt động tăng cao, tới 48% so với năm 2017 đặt ra vấn đề đã đến lúc cần thống kê, rà soát, tìm hiểu nguyên nhân cụ thể, xem trong số đó bao nhiêu phần trăm do quy luật của thị trường, do chiến lược sản xuất kinh doanh hay do rào cản của môi trường kinh doanh… để có giải pháp hỗ trợ nhằm hạn chế tình trạng này.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, để DN Việt ngày càng lớn mạnh hơn, cần phải thay đổi hệ thống tư duy, đó là nguyên tắc cơ bản của xây dựng thể chế. Lo ngại tình trạng DN sẽ lớn đến mức nào đó rồi dừng lại, đơn cử như trường hợp của xúc xích Đức Việt của doanh nhân Mai Huy Tân - một trong những DN đứng đầu trong các DN ngành thực phẩm đã phải bán lại DN của mình cho một DN Hàn Quốc vì gặp nhiều phiền toái khi mở rộng kinh doanh, TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, cải cách thể chế không phải là cải cách thủ tục hành chính, bởi cải cách thủ tục hành chính là chưa đủ và chưa phải vấn đề căn bản của cải cách thể chế.