Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quản lý tài chính đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH).
Bỏ quy định trích 2% lập quỹ dự phòng rủi ro
Theo quy định của dự thảo, BHXH Việt Nam thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH cho người thụ hưởng thuộc đối tượng do NSNN đảm bảo, hằng năm được Nhà nước cấp chi phí chi trả bằng 0,78% số tiền chi trả như quy định hiện hành tại Điều 6 Quyết định 04/2011/QĐ-TTg. Tuy nhiên dự thảo đã bỏ quy định trích 2% lập quỹ dự phòng rủi ro do thay đổi phương thức chi trả qua tổ chức dịch vụ công ích của Nhà nước (hệ thống bưu điện,...).
Bộ Tài chính cho biết, hiện tại, hợp đồng chi trả lương hưu giữa BHXH Việt Nam và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã thống nhất, các khoản rủi ro dù bất kỳ trường hợp nào, tổ chức bưu điện phải chịu trách nhiệm.
Dự thảo Quyết định quy định mức chi hoạt động của Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam như sau:
Chi thù lao cho các thành viên Hội đồng quản lý: đối với Chủ tịch bằng 03 lần mức lương cơ sở/tháng, các thành viên còn lại bằng 02 lần mức lương cơ sở/người/tháng.
Chi hỗ trợ cho công chức, viên chức của các Bộ, ngành liên quan được phân công giúp việc cho thành viên của Hội đồng quản lý; mức chi bằng 01 lần mức lương cơ sở/người/tháng.
Tuy nhiên, để bảo đảm hệ thống chi trả ngày càng chuyên nghiệp, an toàn và giảm khó khăn khi đi chi trả lương hưu, nhất là ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, Bộ đề nghị vẫn giữ chi phí chi trả bằng 0,78% trên tổng số tiền chi trả lương hưu và chế độ trợ cấp hằng tháng.
Trên cơ sở mức chi 0,78% nêu trên, giao Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quy định mức chi cụ thể cho từng địa phương, trong đó, mức chi cho tổ chức làm đại lý chi trả tại địa phương bằng 61% mức chi do Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quy định cho địa phương đó để đảm bảo công khai, minh bạch. Với quy định này, mức chi thực tế cho đại lý chi trả bình quân bằng 0,47% số tiền thực tế chi trả (bằng mức chi mà BHXH Việt Nam đang trả cho hệ thống bưu điện).
Chậm đóng BHYT, phạt lãi gấp đôi
Một điểm mới tại dự thảo là quy định thu tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN theo nguyên tắc thu BHYT trước, BHXH sau nhằm đảm bảo quyền lợi khám bệnh, chữa bệnh cho người lao động.
Lý do cuối năm 2014, Bộ Tài chính tham gia với Thanh tra Chính phủ thanh tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT tại một số doanh nghiệp, thấy rằng có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, còn nợ tiền đóng BHXH nhưng người lao động vẫn được giải quyết chế độ và cấp thẻ BHYT. Do đó, nội dung này cần được quy định trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo tính pháp lý cao hơn.
Về thu lãi phạt chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, dự thảo quy định trường hợp không đóng hoặc đóng không đầy đủ BHYT, số tiền lãi phải thu bằng 02 lần mức lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố cuối năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.
Trường hợp lãi suất liên ngân hàng năm trước liền kề không có kỳ hạn 9 tháng thì áp dụng theo mức lãi suất của kỳ hạn liền trước kỳ hạn 9 tháng. Đối với chậm đóng BHXH, BHTN được thực hiện theo khoản 3 Điều 122 Luật BHXH (sửa đổi).
Chi hoa hồng đại lý bằng 7% tổng thu
Bên cạnh đó, dự thảo Quyết định cũng quy định một số nội dung chi phí quản lý BHXH, BHYT, BHTN thay đổi so với Quyết định 04/2011/QĐ-TTg và Thông tư 134/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Theo đó, chi thù lao cho tổ chức làm đại lý thu BHXH tự nguyện, thu BHYT của người tham gia theo hộ gia đình và của học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục. Mức chi bằng 7% tổng số thu tiền đóng của người tham gia, không bao gồm số thu do NSNN, các tổ chức và cá nhân hỗ trợ mức đóng. Mức chi cụ thể đối với từng nhóm đối tượng và của từng địa phương do Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quy định.
Bộ Tài chính cho biết, mức chi nêu trên lớn hơn 2% so mức chi quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư 134/2011/TT-BTC. Lý do, số người thuộc diện được NSNN hỗ trợ một phần mức đóng khi tham gia BHYT ngày càng tăng nhưng số tiền đóng thực tế của họ có xu hướng giảm do được tổ chức, cá nhân hỗ trợ, Nhà nước điều chỉnh nâng mức hỗ trợ đóng BHYT.
Hiện còn khoảng 27% dân số chưa tham gia BHYT, số này có mức sống trên trung bình nên phải tăng cường vận động, thuyết phục để họ tham gia BHYT, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu BHYT toàn dân.
Trong đó, mức chi thù lao cho tổ chức làm đại lý thu tại địa phương bằng 75% mức chi do Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quy định đối với từng nhóm đối tượng cho địa phương đó và tính trên tổng số tiền mà tổ chức làm đại lý thực tế thu được của người tham gia. Với quy định này, mức chi thực tế cho đại lý thu bình quân bằng 5,25% tổng số tiền thu của người tham gia, tương đương mức chi quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư số 134/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Chi phí chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp từ quỹ BHXH, BHTN, mức chi bằng 0,78% số tiền chi trả từ các quỹ thành phần: tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất và trợ cấp thất nghiệp (trừ số chi trả phí giám định mức suy giảm khả năng lao động, bảo hiểm y tế)./.
Theo quy định tại Dự thảo Quyết định, chi hỗ trợ động viên, khuyến khích các tập thể và cá nhân trong và ngoài ngành tích cực phối hợp trong thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và đôn đốc thu hồi đối với các trường hợp trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH, BHYT, BHTN. Mức chi theo quy định tại khoản này đối với cá nhân không quá 03 lần mức lương cơ sở, đối với tập thể không quá 15 lần mức lương cơ sở; số lần hỗ trợ trong một năm không quá 04 lần, nhằm đảm bảo tính pháp lý cao hơn, đồng thời thực hiện có hiệu quả công tác thu hồi tiền đóng, giảm nợ đọng tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN. |
N.P