Xử lý hơn 2.200 vụ trong 9 tháng
Theo số liệu của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), 9 tháng đầu năm, lực lượng QLTT đã thực hiện kiểm tra hơn 2.400 vụ việc, qua đó xử lý 2.213 vụ việc vi phạm, xử phạt trên 16 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm gần 41 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả.
Đặc biệt, trong hai tháng 8 và 9 năm 2020, lực lượng QLTT đã phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc có quy mô lớn. Điển hình như phát hiện hơn hàng nghìn hàng hóa có dấu hiệu giả mạo tại Lạng Sơn, Long An; phát hiện 24 tấn nội tạng lợn bị nhiễm vi khuẩn dịch tả lợn châu Phi tại Hải Phòng; phát hiện tụ điểm phân loại, sơ chế găng tay y tế tại Bình Dương...
“Trong 9 tháng năm 2020, lực lượng QLTT cả nước tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các kế hoạch đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra, kiểm soát về buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử”, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết.
Từ nay tới cuối năm, dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến phức tạp, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Do đó lực lượng QLTT cả nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng góp phần bảo vệ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong nước.
Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác quản lý đối với giao dịch hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử lớn, xây dựng các chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, gây thiệt hại lợi ích người tiêu dùng.
Buôn lậu bùng phát ở phía Tây Nam
Trong thời gian gần đây, tình trạng buôn lậu qua biên giới Tây Nam tiếp tục gia tăng đột biến, chủ yếu là các mặt hàng như thuốc lá, đường cát, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng đã qua sử dụng… Được biết, hiện đang mùa nước nổi - cơ hội để các đối tượng gia tăng tuồn hàng lậu vào sâu trong nội địa.
Đáng chú ý, một số doanh nghiệp lợi dụng loại hình xuất khẩu hàng hóa quá cảnh sang Campuchia nhưng lại đưa vào Việt Nam qua các đường mòn tiểu ngạch trái phép các mặt hàng như sữa Ensure, thuốc lá, rượu, bia, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… Một số đầu nậu chuyên mua hàng miễn thuế đưa về Campuchia tập kết, sau đó thuê người chẻ nhỏ hàng rồi tuồn vào thị trường nội địa tiêu thụ.
Bên cạnh đó, lợi dụng khu vực cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở để vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới nhằm trốn tránh sự kiểm tra, giám sát và kiểm soát; hoạt động buôn lậu được tổ chức thành nhóm, đường dây chặt chẽ; thuê người theo dõi thường xuyên mọi hoạt động của các lực lượng chống buôn lậu để tìm cách đối phó; hàng lậu thường được ngụy trang vùng với các loại hàng hóa khác gửi xe tải, xe khách, xe ô tô con để vận chuyển…
Trong đó, đặc biệt là mặt hàng thuốc lá nhập lậu qua khu vực tỉnh Đồng Tháp, Long An, An Giang, Kiên Giang… hiện giá thuốc lá giữa Campuchia và Việt Nam chênh lệch khá lớn và đường vận chuyển thuận lợi khiến cho hoạt động buôn lậu mặt hàng cấm này gia tăng mạnh. Thủ đoạn của các đối tượng cơ bản là sau khi lực lượng đai vác thuê tuồn thuốc lá qua biên giới, số lượng thuốc lá nhập lậu nhãn hiệu Hero, 555, Jet, Esse… sẽ được tập kết tại các kho hàng dọc biên giới, chòi canh ruộng, khu đất hoang, sau đó dùng xe ô tô vận chuyển đến các thành phố lớn tiêu thụ.
Đơn cử, chỉ riêng tỉnh Tây Ninh, trong tháng 9/2020, lực lượng 389 đã phát hiện và bắt giữ 71 vụ vi phạm với 41 đối tượng tham gia; hàng hóa vi phạm trị giá khoảng 76 tỷ đồng, trong đó có hơn 42.000 bao thuốc lá nhập lậu.
Cũng trong 9 tháng năm 2020, lực lượng 389 tỉnh An Giang đã kiểm tra, phát hiện 1.793 vụ vi phạm, trị giá hàng hoá vi phạm hơn 45,2 tỷ đồng, đã xử phạt vi phạm hành chính và bán hàng hóa tịch thu 15,8 tỷ đồng. Trong đó, riêng mặt hàng thuốc lá đã thu giữ gần 821.000 gói, khởi tố hình sự 37 vụ vi phạm.
Theo đánh giá của đại diện Tổng cục QLTT, khu vực Tây Nam do đường biên giới dài nên công tác kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, nhất là các mặt hàng nông sản còn gặp một số khó khăn. Ban Chỉ đạo 389 tại các tỉnh Tây Nam đang thực hiện vận động các cơ sở, doanh nghiệp ký cam kết không kinh doanh hàng hóa nhập lậu; không sản xuất, tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...
Mặt khác, từ nay đến cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thuốc lá trên thị trường sẽ tăng mạnh, vì vậy mặt hàng thuốc lá cũng sẽ tăng khả năng thẩm lậu qua biên giới Tây Nam để đáp ứng cho nhu cầu này. Do đó, lực lượng chức năng các tỉnh này sẽ triển khai kế hoạch phối kết hợp với chính quyền các huyện, xã thuộc khu vực biên giới kiểm tra và tổ chức điều tra đường dây, đối tượng cầm đầu để đẩy lùi thuốc lá nhập lậu qua biên giới./.
Tố Uyên