Hôm 9/12,đốimặtánphạttỷUSDnếuviphạmluậtchốngđộcquyềbènica vs truyền thông Trung Quốc đưa tin Cục Quản lý thị trường nhà nước (SAMR) đã mở cuộc điều tra Nvidia, cáo buộc vụ thâu tóm nhà sản xuất thiết bị mạng Mellanox của Nvidia có thể vi phạm các quy định chống độc quyền. Nếu bị phát hiện vi phạm, Nvidia có thể bị phạt tối đa 1,03 tỷ USD, tương đương 10% doanh thu tại đại lục trong năm tài chính 2024. Trung Quốc, bao gồm Hồng Kông, là thị trường lớn thứ ba của Nvidia tính theo doanh thu. Doanh thu đạt 10,3 tỷ USD trong năm tài chính kết thúc vào ngày 24/1. Theo Liu Xu, nhà nghiên cứu tại Viện Chiến lược Quốc gia của Đại học Thanh Hoa, còn quá sớm để xác định số tiền phạt chính xác. "Nếu vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và tác động lớn, họ có thể đối mặt với hình phạt tối đa - gấp từ 2 đến 5 lần - dẫn đến khoản tiền phạt 2,89 tỷ USD", Liu nói thêm. Trung Quốc phê duyệt thương vụ Nvidia mua Mellanox vào tháng 4/2020 nhưng chỉ với điều kiện cả hai công ty tiếp tục cung cấp GPU và thiết bị mạng cho khách hàng Trung Quốc. Theo SCMP, đây là lần đầu tiên cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc điều tra một thương vụ đã khép lại. Theo luật chống độc quyền Trung Quốc, các công ty có sự hiện diện lớn ở đây phải được SAMR chấp thuận cho bất kỳ thương vụ M&A nào, ngay cả khi cả người mua và người bán đều không phải là người Trung Quốc. Ngoài ra, các doanh nghiệp phạm luật sẽ bị phạt từ 1 đến 10% doanh thu thường niên của năm trước đó. Năm 2023, Intel từ bỏ kế hoạch mua lại Tower Semiconductor của Israel khi không nhận được cái gật đầu từ các cơ quan quản lý Trung Quốc, ngay cả sau khi cựu CEO Pat Gelsinger đích thân đến Bắc Kinh vận động hành lang. Gian nan tìm đường trong thương chiến Mỹ - Trung Theo nhà phân tích Linghao Bao của hãng cố vấn Trivium China, Trung Quốc gây áp lực lên Nvidia để có thể “mặc cả” khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào đầu năm sau và dự kiến leo thang các biện pháp cấm vận, kiểm soát xuất khẩu nhằm vào lĩnh vực công nghệ của đại lục. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump nhằm vào những lá cờ đầu công nghệ Trung Quốc như Huawei, SMIC, cấm mua công nghệ xuất xứ Mỹ. Chính quyền Tổng thống Joe Biden tiếp tục mở rộng các biện pháp kiểm soát vào năm 2022, hạn chế rộng rãi hơn nữa việc bán chip sang Trung Quốc. Nvidia cũng không tránh khỏi các hạn chế vì GPU của hãng là chìa khóa để phát triển và đào tạo các mô hình AI mới nhất. Nhà sản xuất chip cố gắng phát triển các con chip dành riêng cho Trung Quốc, nhưng vẫn tuân thủ quy định của Mỹ. Song, đây không phải việc dễ dàng khi các quy tắc liên tục thay đổi. Tuần trước, Washington công bố các hạn chế mới đối với việc bán chip nhớ băng thông cao (HBM) cho Trung Quốc, cho dù có phải do Mỹ sản xuất hay không. Bắc Kinh phản ứng bằng cách cấm xuất khẩu gallium, germanium, antimon và các kim loại có vai trò quan trọng trong sản xuất chất bán dẫn sang Mỹ. Một số hiệp hội công nghiệp Trung Quốc, đại diện cho hơn 6.000 công ty trong các lĩnh vực như sản xuất ô tô và chất bán dẫn, kêu gọi mua chip sản xuất trong nước, cáo buộc chip của Mỹ không còn an toàn. Năm 2023, Bắc Kinh cấm các nhà khai thác cơ sở hạ tầng quan trọng mua sản phẩm từ nhà sản xuất chip nhớ Micron của Mỹ sau khi cơ quan quản lý không gian mạng đánh giá chúng có rủi ro nghiêm trọng về an ninh mạng. Bất chấp thương chiến, Trung Quốc vẫn là một thị trường quan trọng đối với các nhà sản xuất chip thế giới. "Các công ty sẽ luôn cố gắng phát triển thị trường của họ miễn là được phép", chuyên gia Bao của Trivium China cho biết. Trước khi Washington tiến hành kiểm soát, Trung Quốc chiếm khoảng 1/4 doanh thu của Nvidia và hiện đóng góp khoảng 12%. Cuối tháng 11, CEO Jensen Huang công nhận những lợi ích từ Trung Quốc và cho rằng cần bảo vệ việc hợp tác toàn cầu trong khoa học và nghiên cứu. Hồi tháng 1, ông cũng đến thăm nước này và các văn phòng ở Thượng Hải, Thâm Quyến và Bắc Kinh. Trung Quốc chiếm khoảng 15% doanh thu của hãng chip AMD và 27% của Intel. Nvidia có thể gặp khó khăn ở cả hai bờ Thái Bình Dương. Vào đầu tháng 9, Bloomberg đưa tin Bộ Tư pháp Mỹ đã triệu tập Nvidia liên quan đến sự thống trị trên thị trường AI, trong đó lo ngại hãng khiến các khách hàng khó chuyển sang các chip khác hơn. Ngay cả các nhà sản xuất thiết bị như ASML của Hà Lan và Tokyo Electron của Nhật Bản cũng gặp khó. Washington từ lâu đã vận động doanh nghiệp ở các quốc gia đồng minh hạn chế hơn nữa việc bán hàng và dịch vụ cho Trung Quốc, dù thị trường này chiếm một phần đáng kể doanh thu của họ. Vào tháng 10, CEO ASML Christophe Fouquet dự đoán Mỹ có thể sẽ tiếp tục gây áp lực lên các đồng minh nhằm kiềm chế khả năng tiếp cận chip tiên tiến của Trung Quốc. Phần lớn công nghệ sản xuất chip trên thế giới có liên quan đến Mỹ hoặc sử dụng một số công nghệ của Mỹ. Đây là đòn bẩy để Washington gây áp lực. (Theo Fortune, SCMP) |