Theo ông Đồng Ngọc Ba, thời gian qua, cùng với hoạt động kiểm tra, xử lý văn bản, hoạt động rà soát, hệ thống hóa văn bản đã được các bộ, ngành, chính quyền địa phương quan tâm thực hiện và đạt được những kết quả tích cực, phát hiện và kịp thời xử lý nhiều văn bản quy định chồng chéo, mâu thuẩn hoặc không còn phù hợp, góp phần bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật.
Tuy nhiên, ông Ba nhấn mạnh, hoạt động rà soát, hệ thống hóa văn bản vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập như: Việc rà soát để xử lý văn bản khi có văn bản pháp luật cấp trên mới được ban hành hoặc khi tình hình KT-XH thay đổi còn chưa thực sự đạt kết quả. Thực tiễn nhiều Bộ, ngành và địa phương thực hiện chưa đúng yêu cầu rà soát thường xuyên, thậm chí còn có sự nhầm lẫn giữa rà soát thường xuyên với định kỳ hệ thống văn bản.
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng thiếu sự liên thông, kết nối chặt chẽ giữa các hoạt động rà soát, hệ thống hóa văn bản với xây dựng và theo dõi thi hành pháp luật. Do đó, chưa bảo đảm tính đồng bộ, nhất là giữa Trung ương và địa phương trong công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản… Hệ quả là có nhiều văn bản, quy định không còn phù hợp hoặc mâu thuẫn, chồng chéo với các văn bản pháp luật cấp trên mới được ban hành nhưng không được bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung, thay thế kịp thời đã tạo ra “khoảng trống”, pháp luật, làm cho hệ thống pháp luật thiếu thống nhất, minh bạch, khó khả thi, tác động tiêu cực đến đời sống KT-XH.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường nhấn mạnh, mặc dù thời gian qua đã có nhiều các văn bản mới quy định về việc rà soát, hệ thống hóa văn bản nhưng các văn bản này mới chỉ quy định chung về thẩm quyền, trách nhiệm rà soát, hệ thống hóa văn bản. Do đó, vẫn còn thiếu các quy định cụ thể, nhất là các căn cứ, nội dung, trình tự, thủ tục thực hiện và các điều kiện bảo đảm cho công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản.
Do vậy, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường cho rằng, tiếp tục hoàn thiện thể chế về rà soát, hệ thống hóa văn bản để khắc phục những hạn chế, yếu kém của các hoạt động này, góp phần tạo bước chuyển biến về chất của các hoạt động này thì việc nắm được kỹ thuật, phương pháp và cách thức thực hiện như thế nào để các cán bộ Hải quan có trách nhiệm tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục trong việc xây dựng, rà soát VB QPPL trong điều kiện hiện nay là rất cần thiết.
H. Nụ