VHO - Tại Hội nghị Những người viết trẻ lần thứ V năm 2024 Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức vừa qua,ườitrẻhiếnkếchovănchươkết quả bóng đá việt nam chiều nay đa số người cầm bút đã nghiêm túc, thẳng thắn trong việc nhìn nhận những hạn chế như: Sự vênh nhau giữa số lượng với chất lượng tác phẩm, nhiều tác giảvẫn đang lúng túng trong việc tìm kiếm lối đi cho riêng mình…
Với nhiệt huyết và bầu máu nóng của tuổi trẻ, các đại biểu đã mạnh dạn trình bày những đề xuất, nguyện vọng táo bạo để văn chương TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung khẳng định thương hiệu, hướng đến tương lai.
Còn nhiều trăn trở
Tại Hội nghị, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Trưởng ban Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn TP.HCM) cho biết, tính từ Hội nghị lần thứ 4 (2017) đến nay, mảnh đất phương Nam đã có thêm 7 năm để thu hút những tâm hồn đồng điệu đến với văn chương. Nếu năm 2017, số lượng hội viên dưới 50 tuổi chỉ chiếm 6% tổng số hội viên Hội Nhà văn TP, thì hiện tại con số này đã lên đến hơn 18%. “Chúng tôi cũng đang có 8 hồ sơ ứng viên ở độ tuổi 30 được xét kết nạp vào cuối năm 2024, nâng số lượng hội viên lên tỷ lệ 20%”, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn thông tin.
Có thể thấy, văn chương trẻ TP đang dần lộ diện những cây bút mang phẩm chất “công dân toàn cầu”. Vì thế, tại Hội nghị lần này, có những tác giả sinh sau năm 2000, thông thạo ngoại ngữ và có thể sáng tác bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh.
Có thể kể đến: Minh Anh (sinh năm 2007), đoạt giải A của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam với tập thơ song ngữ Một ngày từ bên trong; Cao Việt Quỳnh (sinh năm 2008), với bộ tiểu thuyết Người sao Chổi gồm 3 tập được trao tặng Giải thưởng Sách quốc gia...
Bên cạnh đó, sự kiện lần này còn quy tụ các gương mặt đã và đang để lại nhiều dấu ấn trên văn đàn, dám bứt phá và tự chọn con đường riêng, có người chuyên tâm viết cho thiếu nhi, có người đầu tư mảng truyện tranh, người lại khai thác mảng khoa học viễn tưởng, trinh thám, phá án…
Tuy nhiên, vẫn còn đó không ít trăn trở trên hành trình viết lách đầy “chông gai” nhưng cũng lắm “hoa hồng” này. Nhà văn Tống Phước Bảo bày tỏ, TP.HCM đang sở hữu những cây bút viết truyện ngắn với độ phủ dày đặc, tốc độ viết của các bạn khiến cả độc giả lẫn giới nghề nể trọng.
Tuy vậy, để hoàn toàn đảm bảo chất lượng thì rất khó, bởi một số tác phẩm chạy theo tốc độ đáp ứng cho các số báo tuần chỉ gói gọn trong 2.000 chữ nên đã hạn chế sự sáng tạo hoặc “tung tẩy” câu chữ…
“Số lượng không làm nên chất lượng, nhất là với truyện ngắn, một thể loại nhìn tưởng dễ nhưng ngồi xuống viết mới thấy cực kỳ khó nhằn. Dạo qua một vòng các tác giả trẻ đang “cày cuốc” sung sức nhất, đều thấy phần lớn họ chỉ chú trọng “kể chuyện”, chứ chưa mang đến đúng chất “truyện” cho tác phẩm của mình”, nhà văn Tống Phước Bảo nhấn mạnh.
Còn với nhà thơ Trần Đức Tín, thơ trẻ vẫn đang ở mức lưng chừng khi các thi nhân chưa dám “lăn xả” hay “dấn thân”. Dẫn chứng là nhiều tác phẩm vẫn mang tính hời hợt, chỉ dừng lại ở những cảm xúc bộc phát, không có sự trăn trở hay suy tư sâu sắc về các vấn đề nóng hổi đương thời.
Mặc dù có một số tác phẩm phản ánh các vấn đề xã hội, nhưng nhìn chung vẫn chưa đủ mạnh mẽ trong việc kết nối và đối thoại với thực tế cuộc sống. Sự thiếu đi tính chất này đã tạo ra khoảng cách không nhỏ giữa tác giả và độc giả.
Không dừng lại ở đó, các đại biểu tại Hội nghị cũng nghiêm túc, thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế của văn chương trẻ ngày nay, đó là: Sự thưa vắng của các cây bút ở lĩnh vực lý luận phê bình; Sách tranh không được chú trọng tìm hiểu và sáng tác; Văn chương chưa có vị thế tương xứng với lực lượng sáng tác trẻ; Ý thức pháp luật bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan còn hạn chế…
Thổi làn gió mới!
Trước những tâm tư, trăn trở của người cầm bút thế hệ mới, nhà văn Trầm Hương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM nhìn nhận: “Trong số các tác phẩm xét giải Hội Nhà văn những năm gần đây mà tôi được đọc, gần như không có tác phẩm nào viết về đời sống đương đại.
Điều đó đặt ra câu hỏi: Phải chăng thế hệ trẻ kém tài hơn thế hệ cha ông? Hầu hết họ né tránh những vấn đề hiểm hóc, đòi hỏi sự trả giá, dấn thân? Thực tế, làm nhà văn chiến sĩ thời bình không dễ, bởi mọi thứ đều phải “đúng quy trình”? Và biết bao câu hỏi còn bỏ ngỏ, chưa thể, chưa dám chạm đến”.
Thế nhưng, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM vẫn tin tưởng rằng người trẻ sẽ không quay lưng: “Chắc chắn những vấn đề đương đại hôm nay sẽ tiếp tục chảy trong dòng lịch sử. Thế hệ sau có độ lùi, và họ sẽ viết thật hay về một thời kỳ mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức của dân tộc”…
Để phát triển nhân tài cũng như lực lượng viết trẻ ngày càng lớn mạnh về chất và lượng, nhà văn Võ Chí Nhất cho rằng, việc đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác đánh giá, công nhận các giải thưởng ngành, lĩnh vực với tiêu chí cụ thể khi xét tặng danh hiệu và các chính sách tôn vinh khác đối với đội ngũ trí thức trẻ sẽ giúp khơi dậy, phát huy mạnh mẽ khát vọng cống hiến, năng lực sáng tạo trong họ.
“Đặc biệt, cần quan tâm ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới tư duy, trình diễn, quảng bá VHNT… Đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế về VHNT theo hướng coi trọng hiệu quả và thực chất. Xây dựng chế tài để điều chỉnh hành vi ứng xử, chuẩn mực của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật”, nhà văn Võ Chí Nhất đề xuất.
Ý thức chuyên nghiệp được cây bút 16 tuổi Cao Việt Quỳnh bộc bạch: “Đã theo nghề viết, mỗi người nên tự đặt ra một thời khóa biểu nghiêm ngặt, đơn giản như mỗi ngày cần viết bao nhiêu chữ, vào thời gian nào…
Như vậy mới kịp tiến độ, để bản thân không trì hoãn hay ngủ say trên thành quả đã đạt được. Nhưng chúng ta cũng phải hiểu, không thể ép con chữ lên giấy được, mà nó phải đến từ trái tim.
Ngồi xuống, đột nhiên không có cảm hứng, ý tưởng, thì phải chấp nhận là bản thân đang không có cảm hứng để sáng tạo. Khi ấy, chúng ta nên thư giãn, đi dạo, làm những thứ mình thích, không liên quan đến việc viết. Rồi sau đó, ta sẽ đột nhiên có một sự “lóe sáng”, một nguồn cảm hứng đến từ những nơi chốn không ai ngờ tới”.
“Văn chương đòi hỏi ý thức dấn thân tận tụy suốt đời”, đó là lời chia sẻ đầy tâm huyết của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn. Thật vậy, hơn bao giờ hết, thế hệ trẻ sẽ là lực lượng tương lai của văn học nước nhà, họ kế thừa, phát huy và mang theo kỳ vọng để văn chương bay cao, bay xa hơn nữa.
Chính vì thế, việc cân bằng giữa số lượng và chất lượng của các cây bút trẻ cũng như luôn đặt cái tâm vào nghề viết là điều tiên quyết để tạo nên một thế hệ văn chương mới đầy rộng mở.