Chả thủ. Ảnh: TL Nhà tôi ngày xưa nghèo,ớchảthủcủamợnhandinhbd đông anh chị em. Quan tâm hàng đầu của bố mẹ tôi là bữa ăn no và áo đủ ấm cho chị em chúng tôi đi học. Là con út, tôi luôn được hưởng áo quần cũ của anh chị để lại. Vào năm học lớp 7, tôi mặc quần của chị vừa vặn, chỉ cái tội là không có 2 túi quần (!). Mẹ tôi tần tảo sớm hôm, làm thêm đủ mọi việc, cũng chỉ mong thùng gạo, bo bo hay khoai khô, mì sợi không bị hết để con không bị đói. Bố tôi cũng vậy, ông làm mọi chuyện trong nhà để cái bếp luôn đỏ lửa lúc sớm mai hay khi chiều về, như sửa cái thùng nước, che lại mái bếp, vá lại cái nồi bị thủng đáy hay làm cái chuồng gà, chuồng heo. Khả năng sử dụng đồ cũ để tái chế hay sửa xe đạp của bố tôi lên hàng thượng thừa. Ở Huế, xóm bên, người ta nói với nhau về bố mẹ tôi: “Ôn mụ nớ tốt bụng lắm, không có con cái, toàn nuôi cháu mà đứa nào cũng to khỏe lại được học hành tử tế”. Chả là trở ngược về nhiều chục năm trước, khi bố mẹ còn ở miền Bắc, lúc chị cả của anh em chúng tôi còn bé xíu, là con gái cưng của bố mẹ. Một ngày đi nhà trẻ về, chị tôi mới nũng nịu nói: “Từ nay con không gọi bố mẹ nữa đâu, con sẽ gọi là cậu mợ, mấy đứa bạn con toàn gọi là cậu mợ thôi”. Thời đó, nhiều người dân thành phố tản cư hay gọi bố mẹ là cậu mợ. Bố mẹ tôi cưng con, cũng đồng ý. Lại nói về tết, trong suốt những năm tuổi thơ của tôi và mãi đến sau này, năm nào mợ tôi cũng gói bánh chưng và làm chả (giò) thủ cũng như nem rán (chả giò). Mợ mua trữ gạo nếp và đậu xanh từ nhiều tháng trước tết, còn cậu và các anh tôi chuẩn bị củi gộc, gốc tre, bửa gốc cây từ cuối hè cho khô rồi cất vào mái hiên cho khỏi ướt. Khúc củi nào quá cứng đều được xếp loại khó trị, dành để đốt nồi bánh chưng. Khi tôi còn nhỏ, thường xem cậu mợ gói bánh chưng, gói giò thủ và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc đến bây giờ. Giò thủ của mợ là một món xuất sắc nhất mà tôi từng được ăn. Cậu chuẩn bị hái lá chuối từ hôm trước và chẻ lạt tre rồi ngâm nước cho mềm. Buổi tối (mà lần nào cũng là buổi tối), mợ luộc thịt đầu heo, xắt mỏng rồi bắc chảo gang xào với hành tím, nấm mèo, tiêu và các gia vị khác. Khi thịt xào đã ra mỡ và thấm, mợ đổ ra cái mâm đã trải lá chuối xanh và gói lại như người ta thường gói bánh tét. Vừa siết sợi lạt cho chắc mợ vừa giải thích cho tôi thế nào là “lạt mềm buộc chặt". Sau khi đòn chả thủ đã gói tròn trịa và chắc chắn, cậu và anh tôi dùng 2 thanh tre to bản dài chừng 8 tấc và dây đã chuẩn bị sẳn để ép đòn chả. Sức ép của 2 thanh tre làm mỡ tứa ra, nhỏ giọt trên mâm. Vậy là xong, để nguyên 2 thanh tre ép chặt, chờ qua đêm cho nguội lạnh, các miếng thịt xào sẽ kết dính thật chặt với nhau là hôm sau có thể cắt ra ăn được, chấm nước mắm ớt và dùng với cơm nóng. Sau khi nghỉ hưu, mợ tôi mở quán bán tạp hóa. Mợ thường làm chả thủ để bán kèm với dưa kiệu chua và bia. Một chai bia lạnh, một dĩa chả thủ và kiệu chua, thêm chén mắm ớt là “combo” mồi - nhậu ưa thích của cư dân Huế trong vùng. Khi nào về thăm ông bà, tôi lại được ăn món này mà không phải chờ đến tết nữa. Có khi mợ còn thêm thịt gà vào chả thủ để đổi vị và miếng chả mềm mại hơn. Nhớ cậu mợ, hôm nay tôi loay hoay làm chả thủ cho con tôi ăn. Cũng có đầy đủ tai, mũi, lưỡi heo, thêm nấm mèo, thịt gà và tiêu đen để xào một chảo to. Không có lá chuối, tôi định gói bằng lá phong vàng mùa thu nhưng cuối cùng, giải pháp được chọn là giấy nền - một loại giấy để khay khi làm bánh nướng. Tôi cũng buộc dây thật chặt và ép đòn chả bằng ván và đĩa tạ 10kg đặt lên trên. Nói là làm cho con ăn, thực ra tôi làm cho chính mình, để nhớ lại món thần thánh của mợ. Nhưng sao tôi không thấy ngon như ngày xưa ấy? Mặc dù 2 đứa con tôi gật gù: “ngon đó bố”. Chắc là thiếu dưa kiệu, hay thiếu bàn tay mợ mà tôi không thể có được. Mợ tôi nay đã ngoài chín mươi tuổi, đã yếu tay yếu chân, không còn đủ sức để siết lạt cho chặt nữa rồi. Tôi thầm ước một ngày sẽ về căn bếp chật chội của mợ và tự tay làm một đòn chả thủ mềm mại để mợ tôi ăn thử và cũng muốn nói với mợ rằng không có lạt, không có dây vẫn có thể buộc chặt. Chắc chắn bà sẽ nói: “Ừ, được. Thằng út của mợ giỏi.” Đức Quang (từ Canada) |