QLTT Thanh Hóa bắt lô hàng đồ chơi trẻ em nhập lậu |
Bắt nhiều vụ buôn lậu rượu, thuốc lá
Ông Trần Hữu Dũng - Chi cục phó Chi cục QLTT Thanh Hóa - cho biết, các lực lượng chức năng của tỉnh rất quyết tâm và thường xuyên phối hợp nhằm phát hiện, đấu tranh chống buôn lậu, chống các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại… Tuy nhiên, do địa bàn rộng, lực lượng còn mỏng nên không thể triển khai triệt để.
Theo báo cáo của lực lượng QLTT Thanh Hóa, chỉ trong tháng 10, lực lượng QLTT đã kiểm tra trên 730 vụ, trong đó xử lý 518 vụ vi phạm về hàng lậu, hàng cấm, sở hữu trí tuệ, vi phạm về giá… Nhìn vào danh mục số vụ kiểm tra, xử lý điển hình từ đầu năm đến nay của QLTT Thanh Hóa cho thấy, mỗi tháng, lực lượng thường xuyên kiểm tra, bắt giữ và xử lý hàng chục vụ việc lớn về hàng lậu, hàng cấm và vi phạm sở hữu trí tuệ. Tiêu biểu như vào cuối tháng 9, Đội QLTT số 9 bắt vụ vận chuyển 3.600 xương trâu bò ôi thiu, biến đổi màu sắc, xử phạt trên 10 triệu đồng; hay gần đây, Đội QLTT số 1 phối hợp với Phòng Cảnh sát trật tự Công an tỉnh bắt giữ vụ vận chuyển 850 kg bì lợn ôi thiu, phạt 14 triệu đồng... Trong các vụ việc điển hình, chiếm đến 50% vẫn là kinh doanh, buôn lậu, vận chuyển thuốc là và rượu ngoại. Đơn cử như vụ Đội QLTT số 9 phát hiện tịch thu 300 chai rượu Lao Whish giá trị trên 40 triệu đồng, xử phạt 15 triệu đồng; phạt 55 triệu đồng, tịch thu 850 bao thuốc lá điếu 555 do nước ngoài sản xuất. Gần đây nhất, Chi cục QLTT Thanh Hóa trình Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt một trường hợp 75 triệu đồng hành vi vận chuyển hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu, tịch thu 1.000 bao thuốc lá Hero, 360 bao thuốc lá Jupevion…
Gia tăng hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ
Theo số liệu của QLTT Thanh Hóa, từ đầu năm 2015 đến nay, chi cục đã phát hiện, xử lý 72 vụ hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT), với các mặt hàng mỳ chính, bột giặt, máy tính, phụ tùng xe mô tô, xe gắn máy, phân bón, nước giải khát, mỹ phẩm... Hình thức xâm phạm chủ yếu là giả mạo nhãn hiệu của các doanh nghiệp có uy tín trong và ngoài tỉnh. Số lượng hàng hóa này được tiêu thụ nhiều tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đáng báo động là các vụ việc vi phạm không còn dừng lại ở khâu vận chuyển, buôn bán mà còn diễn ra cả trong khâu sản xuất. Điển hình như trong tháng 6/2015, Đội QLTT số 12 đã phát hiện Công ty TNHH Tiến Hà (số nhà 64, khu 1, thị trấn Vĩnh Lộc) sản xuất hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng thu giữ 1.200 chai nước giải khát nhãn hiệu 7UP, Marinda...
Nhằm tăng cường hiệu quả trong công tác QLTT, đặc biệt là việc chống nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm SHTT, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa, Chi cục QLTT đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, lực lượng chức năng còn mỏng, hơn nữa, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh nên vấn nạn hàng giả, hàng nhái vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều người tiêu dùng, nhất là vào những tháng cuối năm và các dịp lễ, tết khi thị trường hàng hóa sôi động nhất… Vì lẽ đó, thời gian tới, cần tăng cường lực lượng làm công tác thanh tra, kiểm tra về vấn đề vi phạm hàng giả, hàng nhái, vi phạm SHTT. Bên cạnh đó, nhà nước cần ban hành chế tài xử lý vi phạm về SHTT mạnh tay hơn nữa.
Để công tác đâu tranh chống các vi phạm về SHTT hiệu quả, các doanh nghiệp bị xâm phạm quyền SHTT cần chủ động “lên tiếng”, thông báo vi phạm tới lực lượng chức năng nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho chính doanh nghiệp và người tiêu dùng. |