Giá dầu thế giới giảm xuống còn dưới 89 USD một thùng | |
Lạm phát đình trệ đe dọa sự hồi phục kinh tế thế giới | |
Giá dầu thế giới chạm các mốc cao kỷ lục trong nhiều năm |
Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc mức giá trần áp đặt cho dầu Nga |
Giới phân tích cho rằng với quyết định cắt giảm sản lượng, OPEC+ cũng đang tìm cách thể hiện với thị trường năng lượng về sự thống nhất quan điểm của nhóm trong giai đoạn xung đột tại Ukraine và quyết tâm sẵn sàng hành động nhanh chóng để bảo vệ giá dầu. OPEC+ cũng nhất trí gia hạn 1 năm thỏa thuận thành lập nhóm, sự kết hợp giữa OPEC với Nga và các đồng minh. OPEC+, khởi động vào năm 2016, ban đầu dự kiến “đáo hạn” vào tháng 12/2022.
Động thái trên dường như đã mang lại kết quả mong muốn cho nhóm. Giá dầu thô Brent, tiêu chuẩn để định giá phần lớn trong số 100 triệu thùng dầu thô được giao dịch mỗi ngày, từng giảm hồi mùa Hè, đã tăng hơn 1,5% ngay sau khi cuộc họp kết thúc, tiếp tục chuỗi tăng giá ghi nhận trong những ngày gần đây và thậm chí là đạt mức cao từng chứng kiến hồi tháng 9 vừa qua. Theo các chỉ số theo dõi giá, giá xăng trung bình của Mỹ gần đây đã bắt đầu tăng trở lại.
Nhà Trắng tất nhiên không hài lòng với quyết định này. Đáp lại thông báo của OPEC+, các quan chức chính quyền Mỹ cho biết Tổng thống sẽ ra lệnh cho Bộ Năng lượng mở bán thêm 10 triệu thùng dầu từ Kho Dự trữ chiến lược vào tháng 11 tới. Trong khi đó, các điều luật của Mỹ nhằm khởi động một vụ kiện chống độc quyền đối với các thành viên OPEC+ được cho là một công cụ để giải quyết vấn đề giá nhiên liệu tăng cao sau quyết định cắt giảm sản lượng của nhóm này. Dự luật Không sản xuất và xuất khẩu dầu (NOPEC), từng được Ủy ban Tư pháp Thượng viện thông qua với 17 phiếu thuận và 4 phiếu chống hôm 5/5, nhằm bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ khỏi nguy cơ giá dầu tăng vọt. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo rằng việc triển khai điều luật này có thể đem đến một số hậu quả ngoài ý muốn. Nếu NOPEC được ký thành luật, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ sẽ có thêm lựa chọn để kiện OPEC+ hoặc các thành viên, chẳng hạn như Saudi Arabia, tại tòa án liên bang. Chưa rõ một tòa án liên bang có thể thực thi quyết định chống độc quyền của Bộ Tư pháp Mỹ nhằm chống lại một quốc gia nước ngoài bằng cách nào. Mỹ cũng có thể phải đối mặt với những chỉ trích vì nỗ lực thao túng thị trường, như kế hoạch tung ra thêm 165 triệu thùng dầu từ kho dự trữ dầu khẩn cấp trong giai đoạn từ tháng 5-11/2022.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng NOPEC có thể phản tác dụng, thậm chí là kích động nhiều quốc gia “noi gương” kiện Mỹ vì giảm sản lượng nông nghiệp nhằm hỗ trợ canh tác trong nước. Các quốc gia OPEC cũng có thể đáp trả theo những cách khác. Năm 2019, Saudi Arabia đã đe dọa bán dầu bằng các loại tiền tệ khác đồng USD nếu Washington thông qua một phiên bản của dự luật NOPEC. Điều này có thể làm giảm giá trị của đồng USD với tư cách đồng tiền dự trữ hàng đầu thế giới, thu hẹp ảnh hưởng của Washington trong thương mại toàn cầu và làm suy yếu khả năng thực thi các biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc mức giá trần áp đặt cho dầu Nga, thấp hơn mức giá hiện nay nhưng vẫn cao hơn chi phí sản xuất. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng bước đi này sẽ khiến hoạt động hậu cần của ngành thương mại dầu mỏ trở nên khó khăn hơn, khiến giá thậm chí tăng cao hơn. Thêm vào đó, biện pháp này lệ thuộc vào sự hợp tác và ủng hộ của cả các quốc gia ngoài EU vẫn đang mua dầu Nga.
Các nhà phân tích cho rằng việc Washington và EU can thiệp ngày càng nhiều vào thị trường dầu mỏ, chẳng hạn như động thái áp giá trần cho dầu của Nga, thậm chí có thể khiến OPEC+ có các động thái quyết liệt hơn. Một số nhà sản xuất dầu có thể coi giá trần như một tiền lệ và “có thể là một nỗ lực để giảm giá nói chung”.